Quyên kể: “Mỗi cách chỉ khiến con hứng thú
trong tối đa 3 ngày. Sau đó, cháu phản đối bằng quấy khóc, ưỡn ngực,
khua tay, khua chân loạn xạ. Có hôm, không thể dùng bàn chải để đánh
răng cho con được vì cháu khóc ngằn ngặt”.
Khi nào, Quyên dọa
con, không đánh răng là bị sâu răng, phải đi tiêm, rất đau thì thấy bé
sợ, gật đầu uể oải tự đánh răng. Nhưng đến vài ngày sau, vẫn mang
“chiêu” này áp dụng thì bé nhoẻn miệng cười và lắc đầu, ra hiệu không
đi đánh răng khi mẹ yêu cầu.
Bé Bắp Cải (hơn 2 tuổi), dù đã mọc đủ răng và
được mẹ hướng dẫn kỹ càng nhưng cũng chỉ được vài lần đầu, bé dùng bàn
chải “quẹt quẹt” mấy đường, còn những lần sau, bố mẹ có dỗ thế nào, bé
cũng không chịu đánh răng.
Tâm (mẹ bé Bắp Cải) đã chuẩn bị sẵn
tâm lý bằng cách khi hai mẹ con đi siêu thị, cô cho con tự do chọn bàn
chải và kem đánh răng mùi táo, ngọt và thơm (loại dành cho bé, không
cay). Bây giờ, cái bàn chải hình đầu mèo đó được bé Bắp Cải dùng chơi
đồ hàng, thay vì để đánh răng.
Để dụ con, Tâm mua thêm kem đánh răng hương dâu
tây và bàn chải điện nhưng, bé chỉ thích thú một lát rồi chuyển sang
khóc thét lên khi thấy mẹ cầm bàn chải. Cũng có lúc Tâm bực mình, bắt
ép con thì bé Bắp Cải co chân bỏ chạy, rúc đầu vào gối, nhất định không
chịu.
Dạy con bằng tâm lý
Không ít cha mẹ “hết cách” khi muốn dạy con tự
đánh răng. Nên nhớ, đối với bé có đủ răng (khoảng 2 tuổi hơn) thì đánh
răng là một công việc khó khăn, với bàn chải và kem đánh răng, cộng
thêm những thao tác ở đôi tay mà đòi hỏi thời gian trong khi các bé
thường thiếu kiên nhẫn. Vì thế, chuyện bé hứng thú tự đánh răng 1-2 lần
rồi lười là điều bình thường. Chưa kể, có bé còn sợ mùi vị của kem đánh
răng, sợ bị đau do đầu bàn chải chạm vào răng, lợi, sợ bị mẹ kiểm tra,
quát mắng…
Vì thế, để bé có thể ham thích tự đánh răng,
cha mẹ cần kiên trì và dùng nhiều mẹo. Những bước chuẩn bị tâm lý cho
bé học đánh răng bao gồm: cùng bé đi siêu thị mua kem đánh răng và bàn
chải; đọc sách cho bé nghe về thói quen đánh răng của các nhân vật
trong truyện; cho bé xem phim hoạt hình về việc đánh răng; những bài
hát về sâu răng, nếu không, những đoạn quảng cáo ngắn có hình ảnh đánh
răng của các bé cũng rất hữu ích…
Nếu bé bị giắt răng bởi thịt gà, cha mẹ cần coi
đây là cơ hội hữu ích để bé hiểu về tác dụng của bàn chải đánh răng.
Khi đó, không nên dùng tay (hoặc dùng tăm) cậy thức ăn thừa dính ở răng
cho con mà nên dùng bàn chải mềm, chải nhẹ nhàng và khẳng định với con,
dùng bàn chải là hết giắt răng.
Có thể dạy con đánh răng bằng kem đánh răng vị
thơm, ngọt, bàn chải đánh răng cần mềm, phù hợp. Bạn cần trấn an bé
rằng, việc tự đánh răng không hề gây đau, cũng dễ chịu như khi mẹ dùng
vải xô mềm vệ sinh răng miệng cho bé hàng ngày. Động viên bé tự bóp kem
đánh răng hoặc có thể bóp kem đánh răng cho cả bố (mẹ).
Nếu bé từ chối, cha mẹ thử đồng ý nhưng phải
nhấn mạnh: “Con sâu sẽ cắn miệng con đấy” rồi kể một câu chuyện về con
sâu trong miệng, nếu không đánh răng…
Mỗi buổi đánh răng, cha mẹ cần tạo hứng thú cho
con, thú vị nhất là để bé đánh răng cùng bố (hoặc mẹ). Khi đó, có thể
hỏi con, xem ai có bàn chải đẹp hơn, ai đánh răng lâu hơn và răng ai
trắng hơn… Cũng có thể cho bé đứng trên một chiếc ghế vững chắc, có độ
cao vừa phải để bé vừa soi gương, vừa đánh răng. Các bé thường thích
bắt chước bố mẹ nên khi bố mẹ noi gương, bé dễ tiếp thu thói quen đánh
răng hơn.
Giai đoạn đầu mới tập đánh răng, các bé thường
thích nhai bàn chải và chân tay lóng ngóng. Vì thế, cha mẹ cần kiểm tra
lại cho con, đánh răng lại cho con và có thể dùng bàn chải mềm, chải cả
lưỡi của bé để tiêu diệt “sâu răng”. Không nhất thiết phải đợi đến khi
con có đủ răng, phụ huynh mới lưu ý đến việc đánh răng của con. Ngay
khi bé có những chiếc răng đầu tiên, cha mẹ có thể dùng bàn chải mềm,
chải răng bằng nước đun sôi để nguội (có thể pha ấm) cho con (bé lớn
hơn thay bằng nước ấm pha muối loãng). Để bé làm quen với bàn chải đánh
răng từ sớm thì sau này, bé không còn ác cảm với bàn chải và đánh răng
cũng là thói quen được bé tự nguyện duy trì hàng ngày.