Chị Danica Patterson chia sẻ với tờ Womansday rằng chị đã từng
rất thích thú với việc chụp ảnh con rồi đưa lên các trạng mạng xã hội để khoe với
bạn bè. Tuy nhiên, mọi việc đã chấm dứt khi chị nhận được lời nhắn rằng chúng
đang được sử dụng bởi một người hoàn toàn xa lạ.
Theo đó, hình ảnh của con gái chị bị người đàn ông kia nhận
làm con và nói rằng cô bé rất giống anh ta. Như vậy, rất hữu ý, em bé đã bị “bắt
cóc” bằng hình ảnh trên mạng internet.
Hình ảnh mà các bậc phụ huynh đăng lên mạng xã hội có thể được người khác sử dụng lại với nhiều mục đích khác nhau.
Trong vài năm trở lại đây, hiện tượng “bắt cóc” này đã trở
thành xu hướng. Những kẻ “chủ mưu” thường chơi trò “em bé đóng vai”, tức là hư cấu ra
một cuộc sống mới và xuất thân mới cho các bé. Họ có thể lấy ảnh một em bé bất
kỳ trên mạng hoặc đôi khi của chính những người thân quen của mình. Mặc dù hành
vi này không được cho là vi phạm pháp luật nhưng các ông bố bà mẹ nhất định phải
có biện pháp nào đó để bảo vệ những đứa con của mình.
Nếu để ý kỹ đến vấn đề này, bạn có thể thử tìm kiếm trên Instagram
với một số hastag như #em bé, #làm con nuôi,
#trẻ mồ côi sẽ thấy rất rõ. Hiện có đến hơn 55 nghìn bức ảnh được gắn thẻ
#em bé đóng vai. Trong số đó có rất nhiều bé được “nhận nuôi” bởi các “phụ huynh”
giả mạo thích sưu tầm đồ chơi,quần áo, khoai tây nghiền để chăm sóc các bé như
thật.
Mặc dù ý định của họ có thể không phải lúc nào cũng ác ý
nhưng nó vẫn không phải là một ý tưởng nhân văn. Nhiều người trong số họ đăng những bức ảnh của các đứa
trẻ họ chưa bao giờ gặp, nói rằng chúng sắp được "cho làm con nuôi".
Những người đóng vai khác sẽ nhận nuôi những "đứa trẻ mồ côi" đó qua
các bình luận trên mạng hay nhắn tin trực tiếp.

Nhiều em bé bỗng nhiên trở thành "con nuôi" của người khác.
Nói là không hại, nhưng từ vấn đề này có thể sẽ dẫn đến những
thứ đen tối hơn. Tờ Daily Dot báo cáo rằng, một số người đóng vai thậm chí còn
sử dụng ảnh vào mục đích tình dục. Mặc dù facebook và Instagram đã loại bỏ những
bức ảnh và tài khoản có hành vi không cho phép nói trên, nhưng đó vẫn chưa phải
là cách bảo vệ tốt nhất.
Biên tập viên mục gia đình của tạp chí Common Sense Media Caroline
Knorr cho biết: “Một khi ảnh đã đăng lên mạng thì nó sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát
của bố mẹ. Và đó là một thực tế mà các bậc phụ huynh thời này đang phải đối mặt”.
Vậy điều cần làm ở đây là gì? Trước khi chia sẻ một bức ảnh
online, hãy xem xét chế độ cài đặt riêng tư hoặc giới hạn số lượng người được
xem ảnh của bạn. Bạn cũng có thể làm mờ ảnh và cài đặt thông điệp sở hữu cho
riêng bạn. Điều đặc biệt là bạn càng ít tag bạn bè, người thân vào ảnh thì mối
nguy hại sẽ càng giảm bớt.
Ngoài ra, các trang dịch vụ về ảnh như Flickr và Photobucket
sẽ giúp bạn chỉ chia sẻ ảnh với những người bạn muốn. Hoặc an toàn nhất, việc
cho người khác xem ảnh nên được thực hiện qua hòm thư điện tử.