Bảo vệ con trên mạng, hãy lắng nghe, đừng tịch thu điện thoại

N. Huyền ,
Chia sẻ

Hãy nhớ là không nên tịch thu điện thoại, máy tính bảng của con, có thể dẫn tới phản hồi ngược… thay vào đó bố mẹ nên là bạn thân lắng nghe con nói...

Đây là chia sẻ của BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em tại buổi truyền thông “Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra vào sáng 11/6 do Trung tâm nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khoẻ (CHERAD) tổ chức.

Theo BS Nguyễn Trọng An, mạng xã hội luôn hấp dẫn với giới trẻ bởi chứa đựng kho tàng kiến thức rất rộng và đa dạng, giúp cho trẻ tiếp cận khoa học rất nhanh, linh hoạt và được chủ động lựa chọn phù hợp.

Đồng thời MXH cũng kết nối bạn bè, chia sẻ kinh nghiệm rất mau lẹ. Đối với trẻ nhỏ có vô vàn nội dung hấp dẫn, đa dạng, mọi sự mới mẻ và bí ẩn đều nhìn thấy được, nghe thấy được mặc dù chưa biết chữ.

Tuy nhiên MXH tiềm ẩn rất nhiều rủi do đối với con trẻ nếu chúng ta không kiểm soát được.

Bảo vệ con trên mạng, hãy lắng nghe, đừng tịch thu điện thoại - Ảnh 1.

BS Nguyễn Trọng An (hàng trái) đang trình bày bài chia sẻ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Đầu tiên theo BS Nguyễn Trọng An đó là tác động tới sức khoẻ trẻ. Ông cho rằng sức khỏe của con người là sự thoải mái và hài hòa về thể chất, tinh thần và xã hội.

Về thể chất: với ánh sáng yếu của màn hình điện thoại, Ipad, với thời gian trẻ dán chặt mắt vào màn hình, đã có nhiều em nhỏ bị cận thị, bị loạn thị, bị gù vẹo đốt sống cổ và sống lưng, bị đau đầu và nhức mắt, đã có nhiều trẻ học theo và làm theo những hướng dẫn nguy hại của mạng xã hội như thắt cổ vẫn thở được, ăn động vật sống.

Về  sức khỏe tinh thần: trẻ nguy cơ bị rối nhiễu tâm trí hoặc bị nghiện game, nghiện facebook.

Về sức khoẻ xã hội: có nhiều em bé ra đường lơ ngơ như gà công nghiệp, nói năng cộc lốc không ra câu cú, sa lầy vào tình cảm ảo, xa rời tình cảm thật. Thậm chí nhiều trẻ trở thành người vi phạm pháp luật và gây rối loạn xã hội sau khi học theo mạng chế tạo chất cháy nổ, sử dụng hung khí, chất gây nghiện hoặc khiêu dâm/tình dục do ảnh hưởng từ mạng xã hội..”, BS Nguyễn Trọng An cho hay.

Do đó, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, BS Nguyễn Trọng An mong muốn các chương trình truyền thông của Nhà nước hãy khôi phục lại các chương trình văn hóa văn nghệ cho thiếu nhi, đầu tư vào nội dung văn hóa giải trí cho trẻ em phù hợp với lứa tuối để thu hút trẻ em nhiều hơn.

“Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng thực thi tốt công vụ thì các bậc cha mẹ là hãy luôn là bạn thân thiết của con, nên thường xuyên chuyện trò với con để qua đó biết được con đang quan tâm đên vấn đề gì ở trên mạng mà có định hướng đúng và xử lý kịp thời”, BS Nguyễn Trọng An cho hay.

Cụ thể, ông cũng đưa ra 3 giải pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng:

- Hỗ trợ kỹ năng bảo vệ trẻ cho các bậc cha mẹ và thầy cô giáo. Đặc biệt nên thường xuyên chuyện trò với con để qua đó biết được con đang quan tâm đên vấn đề gì ở trên mạng mà có định hướng đúng và xử lý kịp thời.

Với trẻ nhỏ dưới 7 tuổi thì cha mẹ hãy chuyện trò và hướng dẫn con em mình về mối nguy hại tiềm ẩn trong các video, Tiktok, Youtube và khuyên bảo trẻ nếu có lo ngại hoặc phát hiện gì lạ cần thông báo ngay với người lớn.

Nếu trẻ ở độ tuổi trên 14 tuổi thì hãy hướng dẫn trẻ khi trẻ lựa chọn, sử dụng các kênh giải trí sao cho lành mạnh và an toàn.

Hãy nhớ là không nên tịch thu điện thoại, máy tính bảng của con, có thể dẫn tới phản hồi ngược. Đối với những gia đình thiếu điều kiện thời gian thì cần thiết phải kiểm soát danh mục hoặc khóa Kênh Youtube trên Ti vi thông minh.

- Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Nhà trường trong việc quản lý giáo dục trẻ em: Môi trường gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo.

Tăng cường công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội trong hệ thống nhà trường và cộng đồng dân cư.

Ngành văn hoá, du lịch, thể thao thanh/kiểm tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ văn hoá, du lịch, vũ trường, bar, quán internet, quán karaoke, các ấn phẩm, băng, đĩa.

-  Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tư vấn, vận động, giáo dục đến tận gia đình, cộng đồng nằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; tư vấn tại trung tâm công tác xã hội, văn phòng tư vấn, điểm công tác xã hội; Phổ biến, huấn luyện cha mẹ và những người chăm sóc trẻ em về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và loại bỏ lạm dụng và bạo lực trong giáo dục trẻ em, đặc biệt trong gia đình và trường học. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực…

Chia sẻ