Bao lời ngôn tình hứa hẹn vẫn tan vỡ, thời "ông bà anh" tán nhau bằng dăm cân thịt mà hạnh phúc trăm năm

Phong Linh Clip: Kingpro Design: Mộng Mộng,
Chia sẻ

Bao lời ngọt ngào trao nhau khi bước vào ngưỡng cửa gia đình như cặp đôi nổi tiếng Song Hye Kyo - Song Joong Ki rồi cũng tan vỡ, như nhiều đôi trẻ hiện nay. Nhìn lại bí quyết để tổ ấm không biến thành tổ lạnh thời xưa mới thấy đơn giản biết bao.

Người già hay nhớ về những bữa cơm ngày đói, lý do là…

Người lớn tuổi sống qua những ngày cũ, đặc biệt là thời bao cấp vẫn giữ mãi những ký ức xưa. Họ nói đặc biệt nhiều đến cái ăn, đến những bữa cơm ngày đói. Chị Tú (Hà Đông) bảo, mẹ chị cứ kể mãi là ngày xưa ông tán đổ bà bằng mấy cân thịt mông sấn, đều đặn hàng tuần cầm về quê cho gia đình người yêu.

Bà "đổ" ông không vì những lời ngôn tình ngọt sâu răng mà thời nay chúng ta thích thú, phát cuồng lên vì tình yêu đẹp của cặp Song - Song xứ Hàn hay là Huỳnh Hiểu Minh xứ Trung, mà bằng sự quan tâm chăm chút, sẵn sàng chịu thiệt, sẻ chia phần lợi (dù rất ít) của mình cho người mình yêu.

Những kỷ niệm ngọt ngào từ bữa cơm nhà

Chẳng cứ chuyện yêu đương, những bữa cơm gia đình trong những ngày đói kém cũng là ký ức mà nhiều người già lưu giữ. Trò chuyện với chúng tôi trước thềm Ngày gia đình Việt Nam, nhiều người lớn tuổi đã trải lòng về kỷ niệm bữa cơm nhà của mình, và điều khiến họ nhớ nhất, cũng tiếc nuối nhất, là tình cảm sum vầy.

q0-Artboard 1 copy 2

Cụ Nguyễn Thị Hòa, có 3 người con đã lập gia đình riêng, hiện đang sống cùng chồng tâm sự: "Bữa cơm ngày xưa và ngày nay khác nhau nhiều. Đời các bà chỉ cần cơm no là được, thịt không dám mua, để dành tem phiếu mua mỡ để xào nấu, có tí thịt thì để dành làm ruốc cho con ăn dè.

Bấy giờ khổ nhưng vui, tình cảm chia sẻ ngọt bùi, nhường nhịn cho nhau, quý nhau lắm. Ngày nghỉ ngày Tết, mọi người đi đến nhà chị em chơi, lên Bát Cổ, xuống Thanh Trì mà vẫn đạp xe đi. Còn bây giờ tình cảm nhạt lắm, cùng một gia đình mà nhà nào biết nhà đó, ít giao du với nhau".

q0-Artboard 1 copy

Nghĩ về bữa cơm xưa, ông Trịnh Đình Thường xúc động: "Ngày xưa thời xưa bao cấp, chúng tôi cứ phải nhịn cho các con ăn. Bố mẹ nào cũng nhường cho con ăn trước cho các con ăn đủ lớn, khỏe mạnh. Cứ nhìn con ăn ngon là vui rồi, bố mẹ còn đồ thừa gì thì ăn. Hồi đó, từ người lớn đến trẻ con, chẳng ai bỏ một bữa cơm nhà nào, không mấy khi có chuyện phải gọi về nhà ăn cơm, chờ đợi nhau thu xếp công việc mới có bữa cơm chung".

Hạnh phúc hiện lên từ bữa cơm đông đủ con cháu

Nói thì nói vậy nhưng chẳng thể sống mãi với quá khứ, đối diện với hiện tại, phần lớn người lớn tuổi trò chuyện với chúng tôi đều khẳng định, hạnh phúc lớn nhất của họ hiện tại là con cháu tề tựu đông đủ về nhà ăn cơm. Nếu xưa đói kém, họ thèm miếng ăn nhưng giàu có tình thân, giờ cuộc sống thay đổi, có điều kiện để sung sướng thì họ lại chẳng ăn được là bao, chỉ thích niềm vui từ những bữa cơm.

Bà Lê Thị Nhuận, sống riêng với các con, tâm sự: "Có hai ông bà ăn cơm với nhau cũng buồn, hoàn cảnh tạo nên như thế phải chấp nhận. Các con có gia đình riêng, cũng phải thông cảm cho chúng nó, có ngày nghỉ cũng muốn đi chơi chỗ nọ chỗ kia chứ không cứ dịp nào cũng phải về nhà ăn cơm.

Nhưng cũng không nên lâu quá không về thì gia đình xa nhau, không có kết nối tình cảm. Tôi nghĩ là, bố mẹ càng ngày càng già, gần đất xa trời, các con nên duy trì một vài tuần về hội tụ với gia đình để các cháu có tình cảm với ông bà, tạo nên gắn kết và ấm cúng. Nhà có phúc là con cái nhớ về nguồn cội".

q0-Artboard 1

Còn cụ Đỗ Thị Minh Nguyệt, gần 30 năm ăn cơm vắng chồng, rưng rưng chia sẻ: "Bữa cơm ngày xưa của tôi buồn cực kỳ, chồng đi vắng, các con nhỏ, một mình chèo chống cuộc sống gia đình. Rồi ông mất khi các con còn liu riu. Bây giờ với tôi, bữa ngon nhất là bữa cơm tất cả các con cháu tập trung đông đủ, cảm thấy mình như được tăng tuổi thọ.

Có điều, nghĩ đến bữa cơm là tôi chảy nước mắt vì nhớ chồng, cảm thấy lúc này là lúc hạnh phúc nhất thì ông ấy không còn để cùng hưởng. Trước ngày giỗ ông ấy mấy ngày, tôi cảm thấy mình rất buồn, ngơ ngẩn như mất hồn. Sau đó mấy ngày mới phôi phai dần đi…".

Hạnh phúc của người già hóa ra giản đơn vậy đó. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, chẳng cần nghĩ ngợi quà cáp đắt tiền làm gì, muốn báo hiếu ông bà cha mẹ, bạn chỉ cần về nhà ăn cơm, dành chút thời gian trò chuyện bên bàn ăn, thế là đủ lắm rồi!

Thống kê chỉ ra rằng hơn 50% các gia đình trẻ hiện nay thường xuyên ăn ở ngoài và rất khó để có một bữa cơm gia đình chung. Cuộc sống bận rộn, bữa cơm bên nhau cũng ít dần. Vậy bên cạnh những mâm cơm ngày giỗ, ngày Tết tại sao chúng ta không coi Ngày gia đình Việt Nam 28/6 là ngày để về nhà ăn cơm? Bữa cơm có thể giản dị nhưng là dịp để chúng ta sum họp bên nhau, chia sẻ khoảnh khắc yêu thương ấm áp.

bannervenhaancom

Chia sẻ