Báo động tình trạng học sinh tiểu học TPHCM thừa cân, béo phì

Hồ Phúc,
Chia sẻ

Theo HCDC, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì trên địa bàn TP chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường.

Báo động tình trạng học sinh tăng cân, béo phì

Báo cáo công tác khám sức khỏe học sinh năm học 2021-2022 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) công bố cho thấy, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì trên địa bàn TP chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường. Trong đó, tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì tăng cao ở khối tiểu học và có chiều hướng giảm dần từ khối THCS đến khối THPT.

Theo HCDC, nguyên nhân khiến tỷ lệ tăng cân, béo phì tăng nhanh như hiện nay là chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao, có mối liên quan chặt chẽ với sự gia tăng tỷ lệ tăng cân, béo phì.

Khi khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể dẫn đến dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức, mô cơ thể. Cùng với đó là thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, hay ăn vặt, sử dụng thức ăn nhanh (fast food), thích ăn ngọt, không ăn sáng, hay ăn nhiều vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

Việc trẻ ít tập luyện thể dục thể thao, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử… cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì.

Ngoài ra, cũng có 10% trẻ bị thừa cân, béo phì do những bệnh lý bẩm sinh di truyền có bất thường gen.

Theo bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, khi trẻ không được kiểm soát cân nặng, có thể diễn tiến thành một người lớn béo phì.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã gặp nhiều bất lợi do dư thừa cân nặng cũng như các nguy cơ bị các bệnh lý về khớp như viêm khớp, đau cột sống, tăng tình trạng thoái hóa khớp. Ngoài ra, hệ hô hấp của trẻ cũng bị ảnh hưởng như giảm thông khí, khó thở khi ngủ. Tình trạng khó thở khi ngủ có thể gây ra chứng thở quá chậm, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

“Trẻ bị béo phì thường dễ bị chọc ghẹo, phân biệt đối xử nên dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập và các thay đổi này để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.

Về mặt cảm xúc, trẻ có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng hình dáng cơ thể, trầm cảm. Đáng nói hơn, khi trẻ béo phì bị kỳ thị, ấn tượng xấu, bị chọc ghẹo, bị bắt nạt sẽ để lại những tổn thương tâm lý sâu sắc cho đến tuổi trưởng thành”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Báo động tình trạng học sinh tiểu học TPHCM thừa cân, béo phì - Ảnh 1.

Trường tiểu học Phú Thọ thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động, rèn luyện thể chất.

Kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh

Thời gian qua, Trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) luôn chủ động, nỗ lực trong công tác phòng chống béo phì cho trẻ trong trường. Hàng năm trước khi bước vào năm học mới, nhà trường xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học, hợp lý.

Trong quá trình học tập, các giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, tập thể dục ngoài trời, giúp trẻ rèn luyện và phát triển thể chất. Ngoài ra nhà trường còn thường xuyên trao đổi với cha mẹ trẻ về tình hình của trẻ ở lớp để cùng kết hợp trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với trẻ dư cân, béo phì, Ban giám hiệu đã xây dựng lịch vận động theo từng tuần. Đồng thời điều chỉnh chế độ ăn thích hợp, hạn chế trẻ ăn nhiều bánh kẹo ngọt, nước có gas, thức ăn quá béo, nhiều chất bột, khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây.

Các giáo viên thường động viên trẻ phụ giúp cô và mẹ các công việc vừa sức, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thường xuyên theo dõi cân, đo hàng tháng để có hướng điều chỉnh tốt”.

Tương tự, những năm qua, Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11) luôn quan tâm thực hiện theo kế hoạch giảm tỷ lệ học sinh thừa cân cho học sinh. Đơn vị này đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng học sinh thừa cân, béo phì như: Cho các em có chế độ ăn riêng, giảm tinh bột, chất béo, đồ ngọt, tăng cường cho học sinh ăn rau, củ, quả một cách hợp lý. Thường xuyên tổ chức cho các em tham gia các vận động, rèn luyện thể chất, các bài tập thể dục, các trò chơi đá bóng, ném bóng, kéo co, nhảy bao bố,…

Đặc biệt, trường đã tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền đến phụ huynh về phòng chống bệnh thừa cân, béo phì như tuyên truyền qua bản tin, hình ảnh, qua trao đổi trực tiếp với giáo viên ở lớp, trực tiếp với ban giám hiệu và nhân viên y tế trường học.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thực tế công tác phòng chống thừa cân, béo phì nếu chỉ thực hiện tại nhà trường mà không có sự phối hợp từ phụ huynh thì hiệu quả đạt được sẽ không cao. Vì thế hàng năm nhà trường đều tổ chức tuyên truyền thừa cân, béo phì ở trẻ em cho các phụ huynh và học sinh trong trường.

“Qua các buổi tuyên truyền, học sinh đã ý thức được bản thân không nên ăn quá nhiều thức ăn, không uống quá nhiều sữa, không ăn quà bánh nhiều và tăng cường luyện tập thể dục cùng giáo viên tại trường và cùng ba mẹ tại nhà”, cô Hương cho hay.

Còn chị Lê Thị Hường, nhân viên y tế Trường tiểu học Nguyễn Minh Quang (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Ở bậc tiểu học, nhà trường chỉ tham khảo thêm những chỉ số khuyến cáo của các bác sĩ dinh dưỡng để khuyến cáo phụ huynh theo dõi chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trường chỉ kiểm soát khẩu phần ăn trưa của trẻ bán trú, nên cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình. Đối với trẻ béo phì, thầy cô khuyến khích năng tập thể dục, chạy nhảy nhiều hơn để giải phóng năng lượng, rèn sức khỏe. Phần kiểm soát còn lại thuộc về gia đình”.

“Để phòng tránh thừa cân béo phì, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho học sinh ở trường học lẫn tại nhà. Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa, đảm bảo đa dạng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. Không cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn ngọt, thức ăn béo như trà sữa, thức ăn nhanh, đồ chiên, xào,... Đồng thời cần tạo điều kiện cho trẻ có thể vui chơi, vận động, tham gia các môn thể thao, làm các công việc nhà vừa sức, hạn chế cho trẻ ngồi lâu xem tivi, chơi game. Trẻ cần được theo dõi chiều cao, cân nặng thường xuyên”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Chia sẻ