Bánh phồng cá linh đón tết

Theo Tuổi Trẻ,
Chia sẻ

Năm nào cũng vậy, khi ngọn gió chướng thổi về, đàn cá linh làm cuộc di cư theo con nước đỏ từ biển hồ Campuchia đổ về.

Căn cứ vào các con nước kém từ mùng 7 đến mùng 10 và từ 20 đến 25 âm lịch, bà con ở địa phương thường mua lú, mua lưới mịn về giăng bắt cá linh. Gặp con nước trúng thường kiếm được vài chục ký cá. Sẵn có cá linh, món ăn dân dã và gần gũi trời cho được làm rất nhiều món ăn như: mắm kho cá linh, cá linh kho mía, nấu canh chua, dầm me, xốt cà, kho lạt… ngoài ra bà con còn dùng cá linh làm bánh phồng để biếu hoặc đãi khách trong dịp xuân về tết đến.

Để có những chiếc bánh phồng vừa béo bùi, đậm đà hương vị, bà con thường lựa những con cá bụ bẫm, thân thể đẫy đà, màu da lấp lánh bạc. Cá còn tươi roi rói được cắt đầu, cắt đuôi, moi bỏ ruột giữ nguyên lớp mỡ béo, rửa sạch để ráo nước. Cá càng bụ bẫm càng thơm thịt.

Bánh phồng cá linh đón tết 1
Ảnh cá linh ướp tiêu.

Cho cá vào cối quết nhuyễn, cứ nửa ký thịt cá thì sáu lòng trắng trứng vịt (không dùng lòng đỏ), nửa ký bột mì ngang, nêm các loại gia vị tiêu sọ, tỏi, hành, bột ngọt, nước mắm, muối tất cả trộn đều. Sau đó dùng lá gói kín như bánh tét, cho vào bọc nilông bịt kín. Đưa vào nồi hấp cách thủy chừng 1 giờ rưỡi đến 2 giờ. Đem ra để nguội, dùng dao cắt từng lát mỏng phơi khô 4 - 5 nắng là để dự trữ chờ lúc đem ra dùng.

Bánh phồng cá linh đón tết 2
Bánh phồng còn sống.

Bánh phồng cá linh chiên nóng màu vàng đậm, không trắng như bánh phồng tôm, cắn một miếng bánh giòn rụm vừa xốp vừa béo ngậy, vừa mằn mặn lại thơm mùi vị hải sản, cảm giác khác lạ không giống bánh phồng tôm, bánh phồng mực… Ăn bánh có cảm giác béo bùi, mặn mà hấp dẫn.

Bánh phồng cá linh đón tết 3
Bánh phồng cá linh sống và chín.

Chia sẻ