Bạn có thông minh khi lọc thông tin trên bao bì thực phẩm?

,
Chia sẻ

Nắm vững chi tiết thông tin trên bao bì thực phẩm sẽ giúp chúng ta chọn lựa sản phẩm phù hợp nhất cho sức khỏe của mình.

Theo quy định quốc tế, thực phẩm công nghiệp đóng gói đều phải ghi các thông tin về tính chất và đặc điểm của sản phẩm trên bao bì. Việc nắm vững chi tiết về thực phẩm thông qua đọc thông tin trên bao bì sẽ giúp chúng ta phân biệt và chọn lựa sản phẩm chất lượng tốt, an toàn và phù hợp nhất cho sức khỏe của mình, nhất là thời gian gần đây, người tiêu dùng (NTD) ngày càng sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm đóng gói. Sau đây là những nội dung mà NTD cần quan tâm trên bao bì sản phẩm:

- Nhà sản xuất hoặc nơi đóng gói: Nhà sản xuất là nơi bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm. Sản phẩm của nhà sản xuất nghiêm túc bao giờ cũng có tên và địa chỉ, số điện thoại rõ ràng để NTD có thể liên lạc.
 
Thực phẩm đóng gói rất đa dạng, người tiêu dùng cần đọc kỹ thông tin trên bao bì để chọn sản phẩm phù hợp sức khỏe. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
 
- Giá trị dinh dưỡng: Được thể hiện bằng giá trị các chất dinh dưỡng đa lượng (như đạm, chất béo, bột đường, năng lượng...), các chất vi lượng (như vitamin, khoáng chất, các yếu tố vi lượng, acid amin...). Giá trị dinh dưỡng thường được tính trên một đơn vị khối lượng hay thể tích sản phẩm (thường là trên 100 g, 1 lít hoặc 100 ml sản phẩm), hoặc một khẩu phần ăn có trong hướng dẫn (1 serving), qua đó NTD sẽ biết mình có cần sản phẩm này không và nếu dùng được thì ăn bao nhiêu trong ngày. Trên cùng một sản phẩm có thể vừa ghi bằng tiếng Anh vừa ghi bằng tiếng Việt.
 
Ở một số sản phẩm, giá trị dinh dưỡng còn được so sánh với nhu cầu khuyến nghị (RDA - Recommended Dietary Allowances hoặc DV - Daily Value là lượng các chất dinh dưỡng cần để đáp ứng nhu cầu cho một người bình thường/ngày). Thông tin về giá trị dinh dưỡng giúp NTD xác định nếu sử dụng một lượng nhất định  nào đó thì cơ thể đã được cung cấp bao nhiêu so với nhu cầu khuyến nghị.
 
- Hướng dẫn sử dụng và bảo quản: Là những thông tin rất cần để NTD có thể sử dụng, bảo quản sản phẩm một cách hữu hiệu và tốt nhất. Thí dụ cách chế biến, bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi khô mát...
 
- Hạn sử dụng: Chính là khoảng thời gian mà sản phẩm sử dụng tốt nhất nếu được bảo quản đúng như hướng dẫn. Hiện có nhiều cách để ghi ngày sản xuất và thời hạn bảo quản (ví dụ: ngày sản xuất ghi là 15 09 09, thời hạn bảo quản là 1 năm thì sẽ hết hạn sử dụng vào ngày 15-9-2010); ghi ngày hết hạn sử dụng (tiếng Việt thường ghi bằng các chữ: dùng trước..., sử dụng tốt nhất trước..., hạn dùng..., hạn sử dụng...; tiếng Anh có thể ghi: Best before, Use before, Exp. Date); ghi cả ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng. Trước các số chỉ ngày, tháng, năm có dòng chữ: Ngày sản xuất (hoặc viết tắt là NSX. Ví dụ: NSX 021009 thì NTD phải hiểu là sản xuất ngày 2-10-2009); hạn sử dụng (hoặc viết tắt là HSD. Ví dụ: HSD 310709 tức là hạn sử dụng đến ngày 31-7-2009). Số chỉ ngày, tháng, năm có thể ghi liền nhau hoặc có dấu chấm, dấu gạch chéo ở giữa để phân định rõ.
 
-Phần ghi chú: Nếu bằng tiếng Anh thì NTD cần lưu ý mục Serving size, còn được gọi là “suất ăn” hay “phần ăn”. Một sản phẩm đóng gói có thể có 1 hoặc nhiều serving nên cần chú ý có bao nhiêu suất ăn trong 1 sản phẩm (1/2 serving, 1 serving hay nhiều hơn). Số serving tiêu thụ sẽ quyết định năng lượng thực tế ăn vào. Nếu ăn nhiều serving kéo dài không cần thiết thì sẽ dư cân, béo phì, xuất hiện bệnh lý tim mạch...
 
Chọn thực phẩm theo bệnh lý
Khi mua thực phẩm đóng gói cho người có bệnh lý sử dụng, cần lưu ý:
 
- Người mắc bệnh tiểu đường thì chọn mua sản phẩm có ghi “Không bổ sung đường”, “Sugar free”, “Low sugar” hoặc “No added sugar”. Tránh mua sản phẩm có chứa đường tinh mà trong bảng giá trị dinh dưỡng hoặc thành phần dinh dưỡng ghi “Sucrose, Sacharose”.
 
- Người không muốn tăng cân, người dư cân, béo phì, người có cholesterol máu cao, tiểu đường thì nên mua những sản phẩm dành cho người ăn kiêng, có ghi “Năng lượng thấp”, “Low calories”, thực phẩm ít chất béo “Low fat”. Nên lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ (thường được ghi là “High fiber” hoặc “Rich fiber”), tránh mua thực phẩm giàu năng lượng (thường được ghi “Giàu năng lượng”, “High calories” hoặc “High energy”), tránh sử dụng sản phẩm có chứa nhiều chất béo no (thường được ghi là “Saturated fat” hoặc “Cholesterol” có hàm lượng cao trong bảng giá trị dinh dưỡng).
 
- Người cao huyết áp hoặc bị bệnh tim mạch nên hạn chế lượng muối ăn vào dưới 6 g/ngày, hạn chế cholesterol, hạn chế chất béo no, tăng cường nhiều chất xơ, tránh mua sản phẩm có lượng Na+ cao.
 
- Người bị suy thận nên mua thực phẩm chứa ít đạm (Protid), ít muối, tránh thực phẩm có ghi “Giàu đạm”, “Đạm cao”, “High protein”, “Rich protein”.
 
BS Đào Thị Yến Thủy
(Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)
Theo NLĐ
Chia sẻ