Bạn có thể mắc 'chứng sợ hãi xã hội' và không giỏi giao tiếp nhưng vẫn phải sống vui vẻ

Trung Hạ,
Chia sẻ

'Giỏi giao tiếp' hay 'sợ hãi xã hội', đều không phải vấn đề, điều quan trọng là bạn phải yêu bản thân.

Đối với người ngay cả khi ra ngoài ăn một bữa cơm, nhập tiệc cùng đồng nghiệp cũng chuẩn bị tâm lý kỹ càng thì “hòa nhập với đám đông” quả là chuyện cực kỳ khó khăn.

Nhút nhát, tự ti… có lẽ cũng chưa thể hiện hết được nỗi sợ hãi xã hội trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Nghe thì rất vô lý, nhưng thật sự là không ít thanh niên trẻ, đặc biệt là genZ, đang phải sống chung với “chứng sợ hãi xã hội”.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu học phát hiện, “thay đổi” không phải là biện pháp lý tưởng để thoát khỏi chứng tâm lý này. Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể an tâm làm một kẻ “sợ hãi xã hội” giữa dòng đời.

“Chứng sợ hãi xã hội” không hoàn toàn xấu

Bạn có thể mắc 'chứng sợ hãi xã hội' và không giỏi giao tiếp, nhưng vẫn phải sống vui vẻ - Ảnh 1.

Trong văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, "sợ hãi xã hội" luôn bị đánh giá là tính cách xấu và không hòa đồng. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều "điểm yếu" của "sợ hãi xã hội" ngược lại là điểm mạnh.

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy rằng những người mắc "chứng sợ hãi xã hội" có sự đồng cảm cao, thường xuyên quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Sự đồng cảm mạnh mẽ này có thể dễ dàng khiến họ bị quá tải. Để giảm bớt cảm giác khó chịu, họ thường có hành vi né tránh giao tiếp.

Trong tình huống giao tiếp 1-1, lòng đồng cảm mạnh mẽ giúp họ dễ dàng trò chuyện sâu sắc với người khác, có lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ thân thiết.

Ví dụ khác, "nhai lại" quá khứ - hành vi suy nghĩ khiến nhiều người phải thao thức và trằn trọc, có liên quan đến "khả năng vận dụng ngôn ngữ cao".

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những người thường suy nghĩ về những chuyện đã qua có khả năng xử lý thông tin bằng lời nói mạnh mẽ. Họ có thể suy nghĩ kỹ hơn về những việc trong quá khứ và tương lai bằng những hiểu biết sâu sắc.

Điều này cũng có thể giải thích tại sao rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn tài giỏi thường nằm trong nhóm người “sợ hãi xã hội”. Họ không thích giao tiếp quá nhiều, mà dành thời gian để sống trong thế giới nội tâm và tập trung sáng tạo.

“Thánh giao tiếp” chưa chắc đều thích xã giao kết bạn

Linh hoạt và thoải mái trong giao tiếp, không sợ ánh mắt của người khác, cũng không sợ lời ra tiếng vào, không bao giờ ngại ngùng… Những đặc điểm của người có thiên phú trong xã giao khiến người khác phải ngưỡng mộ. Nhưng đôi khi, nhóm người này đã bị thần thánh hóa.

Trên thực tế, "thánh giao tiếp" cũng có những vấn đề riêng.

1. Gượng ép bản thân lấy lòng đối phương

Phía sau những con người giỏi giao tiếp và hòa nhập có thể là tâm lý thích lấy lòng. Ví dụ, vì lo lắng người khác không thích mình, một số người cố gắng biểu hiện để giành về sự ưu ái của người khác; rất sợ bị ghẻ lạnh và bị cho ra rìa, vì vậy cố gắng xông xáo để được mọi người tin tưởng... 

Sự cởi mở đầy gượng ép và có động cơ này khiến con người khó tìm thấy niềm vui hứng thú trong xã giao. Hơn nữa, họ cũng chẳng thể tìm thấy người bạn tâm giao thật sự vì tất cả chỉ là miễn cưỡng và tạm bợ.

Bạn có thể mắc 'chứng sợ hãi xã hội' và không giỏi giao tiếp, nhưng vẫn phải sống vui vẻ - Ảnh 2.

2. Bị trói buộc bởi tâm lý "tự cho mình là trung tâm"

Nhà tâm lý học và tác giả trẻ em người Mỹ, David Elkind đã chỉ ra rằng hầu như con người ai cũng trải qua giai đoạn “tự cho mình là trung tâm” ở thời niên thiếu. David Elkind gọi điều này là “Đối tượng tưởng tượng” (Imaginary audience).

“Đối tượng tưởng tượng” đề cập đến trạng thái tâm lý trong đó một cá nhân tưởng tượng và tin rằng nhiều người đang nhiệt tình lắng nghe hoặc dõi theo họ. 

Theo đó, khi một người đánh giá cao bản thân, họ cũng sẽ cảm thấy mọi người xung quanh nên khen ngợi và đánh giá cao điều đó, từ đó cố gắng giành sự chú ý của người khác, nếu như không trở thành “trung tâm xã hội” thì thất vọng tràn trề. 

Nhưng khi trải nghiệm rồi mới biết, bản thân không phải lúc nào cũng là "trung tâm xã hội". Nếu không vượt qua được chướng ngại tâm lý này thì con người cứ mãi sống trong ảo tưởng, từ đó bị lệch lạc tư duy, dễ bị cuộc đời vùi dập.

3. Mệt mỏi và nảy sinh tác dụng ngược do giao tiếp quá mức

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy ngay cả những người hướng ngoại, xã giao quá độ cũng có thể gây ra mệt mỏi triền miên.

Nếu bạn không đặt ra giới hạn thích hợp trong đời sống xã hội, đến một lúc nào đó, “thánh giao tiếp” cũng sẽ kiệt quệ, thậm chí còn nảy sinh tâm lý “sợ hãi xã hội”.

Ở đây, chúng ta không nói người giỏi giao tiếp là xấu, chỉ là mỗi nhóm người đều có ưu và khuyết điểm riêng.

"Chứng sợ hãi xã hội" không nhất thiết phải thay đổi

Bạn có thể mắc 'chứng sợ hãi xã hội' và không giỏi giao tiếp, nhưng vẫn phải sống vui vẻ - Ảnh 3.

Trên thực tế, một nhóm người có đủ đặc điểm của cả "sợ hãi xã hội" và "thánh giao tiếp". 

Các biểu hiện thông thường bao gồm:

- Sợ người lạ và thoải mái trước mặt người quen (hoặc ngược lại).

- Đi làm thì khép kín, tan ca thì biến thành con người khác (hoặc ngược lại).

- Bữa tiệc 2-3 người thì giao lưu vui vẻ, nhưng nếu 4 người trở lên thì nhút nhát, ngồi im lặng không nói gì…

“Sợ hãi xã hội” được xem là nhược điểm của một người và cần được thay đổi. Nhưng, "thay đổi" không nên là lựa chọn duy nhất.

Trước khi quyết định, hãy tự hỏi bản thân: Tại sao bạn phải thay đổi?

Vì bạn nhận ra sự trốn tránh này khiến bạn mất đi nhiều quyền lợi, hay chỉ vì bạn nghe người khác nói điều này không tốt?

Trước hết, "sợ hãi xã hội" vì sao bị mặc định là xấu? Trong môi trường đề cao chủ nghĩa tập thể và các mối quan hệ giữa người với người, "sợ hãi xã hội" trở thành một rắc rối. Ngược lại, trong môi trường đề cao cái tôi và thế giới nội tâm, khi con người luôn đảm bảo khoảng cách trong giao tiếp, "sợ hãi xã hội" trở thành điều hoàn toàn bình thường.

Ngoài ra, bất kỳ sự thay đổi tích cực nào cũng phải dựa trên tiền đề “chấp nhận”, chứ không phải “tôi có vấn đề”.

Liệu pháp trị liệu tâm lý tường thuật (Narrative therapy) có thể giúp bạn tìm thấy câu trả lời. Theo đó, bạn hãy nói chuyện với nỗi sợ xã hội của chính mình về việc nó được hình thành như thế nào? Nó có giúp được gì cho bạn không? Hãy cố gắng thấu hiểu nó.

Bạn sẽ thấy rằng “sợ hãi xã hội” hoặc “thánh giao tiếp” là những cách chúng ta chọn để đối phó dựa trên những mối quan hệ hiện tại.

Thay vì cố gắng thay đổi “từ khép kín trở nên cởi mở hơn” hay “từ quan hệ rộng rãi trở nên sống nội tâm hơn”, hãy xem đó là chuyện bình thường và chỉ hành động khi mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Đừng giới hạn bản thân với những cái mác như "thánh giao tiếp" và "sợ xã hội", mà hãy làm những gì bạn muốn.

Vì vậy, nếu chưa thể đối mặt với chứng "sợ hãi xã hội", bạn có thể tạm gác nó sang một bên và làm những gì khiến bạn thoải mái.

"Giỏi giao tiếp" hay "sợ hãi xã hội", đều không phải vấn đề, điều quan trọng là bạn phải yêu bản thân.

Chúc bạn ngày càng yêu bản thân hơn, kể cả khi bạn “không thể hòa hợp với thế giới”.

Nguồn: Zhihu

Chia sẻ