Bác sĩ xót xa khi vén áo thấy bụng của bà mẹ 33 tuổi

N. Huyền ,
Chia sẻ

Sau 2 lần sinh 4 con trong đó có 1 lần sinh 3, toàn bộ vùng bụng của người phụ nữ mới 33 tuổi mà ngỡ như ngoài 60 khiến bác sĩ thẩm mỹ cũng không khỏi xót xa.

TS. BS Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện bỏng Quốc gia cho biết vừa phẫu thuật tạo hình thành bụng cho bệnh nhân bị rạn da nghiêm trọng sau sinh.

Bệnh nhân sinh năm 1988, sinh 4 con trong đó có 1 lần sinh 3. Mặc dù mới ngoài 30 nhưng khi bác sĩ vén áo lên đập vào mắt là toàn bộ vùng da bụng nhăn nheo, bèo nhèo.

“Tôi thực sự thấy xót xa vì sự hy sinh của bệnh nhân. Bởi sau sinh cơ thể của người phụ nữ bị tàn phá quá nặng nề”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn nói.

Người phụ nữ trẻ này cho biết do cơ thể như vậy khiến rất khó chọn, mặc quần áo đặc biệt dù chồng không nói ra nhưng cô luôn cảm thấy tự ti lo sợ chồng “không cảm thông”.

Trước nguyện vọng của bệnh nhân, các bác sĩ sau khi đánh giá toàn bộ tình trạng, sức khoẻ đã phải tạo hình thành bụng toàn bộ có chuyển rốn. Theo đó, kíp mổ đã lấy bỏ da thừa vùng bụng dưới rốn, khâu tái tạo cân cơ thành bụng, tạo hình rốn để giúp bệnh nhân có vòng 2 thon gọn hơn. Sau mổ cả bác sĩ và bệnh nhân đều hài lòng với kết quả.

Theo TS. BS Hoàng Thanh Tuấn, rạn da là những vết rạn nhỏ ở vùng da mỏng và yếu, xảy ra khi da giãn không đủ để thích nghi với sự thay đổi quá lớn của cơ thể. Vết da bị rạn được hình thành qua hai thời kỳ. Ban đầu là những vệt đỏ, đỏ tím có hoặc không kèm theo ngứa sau đó da chuyển sang màu trắng, da căng dần khiến bạn sẽ nhận ra những vết rạn này.

Bác sĩ xót xa khi vén áo thấy bụng của bà mẹ 33 tuổi - Ảnh 2.

Bụng nhăn nhúm, chảy xệ của người phụ nữ 33 tuổi nhìn nghiêng

Nguyên nhân gây rạn da khi mang thai là do trọng lượng của thai phụ tăng nhanh, kích thước vòng bụng ngày càng to ra khiến da căng, khả năng đàn hồi của da kém, gây đứt gãy mô liên kết dưới lớp trung bì của da tạo thành các vết rạn.

“Người phụ nữ nào cũng có thể bị rạn da khi mang thai, tuy nhiên đối với các mẹ mang thai lớn tuổi, thì khả năng bị rạn da cao, nhất là những người sinh con sau 35 tuổi.

Mang thai ở tuổi quá trẻ cũng có thể khiến các bà mẹ trẻ bị rạn da. Ngoài ra, với thai phụ đa thai (2 – 3 con) thì khả năng dễ bị rạn da nhiều hơn do bụng to hơn, da phải giãn nhiều hơn để có đủ chỗ cho các bé”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn thông tin.

Vị trí thường gặp của các vết rạn da là vùng bụng, hông và đùi. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp rạn da xuất hiện ở vùng ngực, mông, vai, phần dưới của lưng hoặc phía trong cánh tay.

Có hai hướng điều trị đối với những trường hợp bị rạn da -  nội và ngoại khoa. Trong đó, nội khoa là phương pháp ứng dụng cơ chế tự lành thương của da kết hợp với các yếu tố tăng trưởng (EGF, FGF...) giúp kích thích vào nguyên bào sợi để kích thích sản sinh ra collagen & elastin.

TS. BS Hoàng Thanh Tuấn cho biết, phương pháp điều trị gồm:

Mesotherapy: tiêm tinh chất chứa các yếu tố tăng trưởng, hyaluronic, aminoacid, peptide, các chất chống oxi hoá vào vùng da xung quanh vùng rạn để hỗ trợ tăng sinh collagen và elastin vùng xung quanh phát triển vào vùng rạn.

Laser: Cynosure Icon 1540nm. Đây là loại laser đầu tiên được FDA chứng nhận để điều trị rạn da dựa trên các nghiên cứu lâm sàng. Laser này sử dụng cơ chế quang nhiệt vi điểm không bóc tách, không xâm lấn. Các xung được phân phối dưới dạng một loạt các tia siêu nhỏ. Tác động nhiệt của tia laser gây ra phản ứng viêm có lợi, thúc đẩy quá trình sản sinh elastin và collagen của cơ thể. Cải thiện kết cấu, màu sắc và độ căng da.

Tia laser tập trung vào lớp bì và hạ bì, đồng thời bảo vệ lớp biểu bì bằng hệ thống làm lạnh. Điều này cho phép quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể nhanh chóng và hiệu quả tạo ra các mô mới khỏe mạnh để lấp đầy các cột đông máu. Phương pháp điều trị rạn da bằng laser 1540 có thể thực hiện trên mọi loại da và mọi vết rạn trên mọi vùng da.

Tuy nhiên với những trường hợp dạn ra quá nặng như trường hợp người phụ nữ 33 tuổi trên bắt buộc phải sử dụng phương pháp ngoại khoa (phẫu thuật cắt bỏ phần rạn da kết hợp tạo hình thành bụng). Với phương pháp này, bệnh nhân cần phải được thực hiện ở những cơ sở được phép, không thực hiện ở những nơi không đảm bảo tránh nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng.

Dù gần như chắc chắn bạn sẽ gặp phải tình trạng rạn da trong thai kỳ, nhưng TS. BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh vẫn có nhiều cách giúp bạn hạn chế sự xuất hiện của các vết rạn.

Đó là cân đối chế độ dinh dưỡng khi mang thai để tăng cân vừa phải đủ cho sự phát triển của thai.

Khi bạn tăng cân quá nhanh, các vết rạn da sẽ xuất hiện nhanh và nhiều hơn. Đó là lý do vì sao bạn cần chú ý đến cân nặng khi mang thai thường xuyên hơn.

“Tránh ăn quá nhiều, dù khi mang thai, bạn được khuyến khích nạp nhiều năng lượng hơn so với trước, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải ăn cho hai người.

Theo đó, bạn hãy kìm hãm cảm giác thèm ăn, khi bạn muốn ăn gì đó, hãy cứ ăn một chút và sau đó nhấm nháp trái cây để thỏa mãn cơn đói. Điều này giúp bạn không tăng cân quá mức.

Đồng thời thai phụ cần lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, bổ sung trái cây, rau xanh, bổ sung chất béo tốt như omega-3, omega-6..”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn nói.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, chị em nên tập thể dục nhằm giúp giữ độ đàn hồi của da thông qua việc cải thiện tuần hoàn máu. Không những vậy, việc tập luyện khi mang thai còn giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, từ đó hạn chế các vết rạn da xuất hiện

“Massage nhẹ nhàng vùng bụng trong quá trình mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Massage không những giúp mẹ với trẻ được thư giãn mà còn ngăn ngừa khả năng bị rạn da”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ