Bà nội "nhà người ta", tự tay làm cho cháu cả tủ đồ chơi đẹp và "xịn sò" chẳng kém đồ chơi đắt tiền ngoài hàng
Đa số các món đồ chơi đều được làm từ bìa mô hình sạch đẹp, chắc chắn và giá thành vô cùng phải chăng.
Thời gian gần đây, nhiều bố mẹ rất chăm chỉ tự làm đồ chơi cho con, vừa tiết kiệm chi phí lại đảm bảo con được chơi đồ chơi an toàn. Các phụ huynh còn cùng nhau chia sẻ các tài liệu hướng dẫn cách làm từng món đồ chơi cho nhau trên các hội nhóm và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các bố mẹ nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, bà làm đồ chơi cho cháu chơi thì thực sự hiếm.
Cô Trần Anh Thư (hiện đang sinh sống tại Quảng Ngãi) cũng thường xuyên chia sẻ các món đồ chơi mà mình tự mày mò làm và nhận được nhiều lời khen của các mẹ bỉm sữa. Điều khiến ai cũng bất ngờ là cô không phải là mẹ bỉm sữa đang nuôi con nhỏ. Tất cả những món đồ chơi cô làm là dành tặng cho cháu nội - bé Mon (2 tuổi). Ngắm nhìn những món đồ chơi cô Anh Thư làm cho Mon, ai cũng xuýt xoa: "Bà nội nhà người ta", "Bà nội siêu nhân"...
Cô Anh Thư tâm sự: "Mon là cháu đầu của cô. Từ khi có Mon, cô cứ rảnh lại tự mày mò làm đồ chơi cho cháu chơi. Tùy theo từng giai đoạn của Mon cô sẽ chọn làm loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi. Đồ chơi đa số tự làm từ giấy, bìa, chi phí rất phải chăng, nhiều món tận dụng từ đồ bỏ đi chẳng tốn đồng nào, nguyên vật liệu lại an toàn với trẻ nhỏ".
Chia sẻ về cách làm các món đồ chơi, cô Anh Thư cho biết cô thường lên mạng tìm kiếm tài liệu, học hỏi cách làm rồi đi in các file hình ảnh, về nhà tự cắt dán. Có những đồ chơi thì tự chế từ những đồ dùng có sẵn trong nhà mà không dùng đến như chiếc bàn bỏ đi, những chai nhựa cũ... Có đồ chơi thì cô mua nguyên vật liệu rồi về tự làm.
Món đồ chơi nào Mon cũng chơi vô cùng hào hứng. Ngoài hình thức đẹp, bắt mắt, cô Anh Thư còn chọn làm các loại đồ chơi kích thích sự tò mò, sáng tạo của trẻ nên không chỉ Mon mà cả họ hàng, trẻ em hàng xóm đến chơi cũng vô cùng say mê các món đồ chơi cô làm.
1. Đồ chơi xếp tầng
- Tận dụng những mẩu gỗ nhỏ, cưa thành các khuôn gỗ bằng nhau rồi dùng giấy nhám mài bo tròn các góc và nhẵn bề mặt.
- In hình lên giấy decal màu, cắt ra rồi dán lên cho bé chơi xếp tầng và nhận biết dần màu sắc, hình ảnh. Để giữ được lâu có thể dùng băng keo trong dán bọc bên ngoài lại.
Trò chơi này có thể cho các bé từ 7 - 8 tháng chơi.
2. Đồ chơi nhìn bóng đoán hình
Trò chơi "Nhìn bóng đoán hình" giúp bé tập tư duy, phán đoán, liên tưởng... phù hợp với bé từ 2 tuổi trở lên.
Trò chơi nhìn hình đoán bóng làm từ ly nhựa.
Cách làm:
- Chuẩn bị ly nhựa và in hình bằng decal.
- Ly đầu dán hình.
- Ly giữa cắt bớt phần trên, dán giấy trắng lên (nếu có ly trắng đục thì càng tốt) và cắt 1 lỗ trống (tròn, vuông, oval, chữ nhật) sao cho phù hợp với hình ở ly đầu.
- Ly cuối cắt bỏ bớt phần gần đáy ly, chồng ngoài ly đầu (hơi lỏng 1 tý) để vẽ viền ngoài của hình (dùng bút lông dạ loại mực không xóa được).
- Chồng 3 ly vào nhau theo thứ tự và bắt đầu chơi.
Khi chơi, hãy hỏi bé đây là hình của cái gì (con gì, vật gì, chữ gì....) và xoay ly để xem kết quả.
3. Trò chơi leo núi
Để làm trò chơi này, bố mẹ có thể tận dụng mặt bàn cũ bỏ đi, hay mua 1 tấm gỗ ván ép. Tiếp đó, ra tiệm chuyên bán đồ đinh ốc vít, ổ khóa, móc cửa... mua mấy cái tay cầm mở tủ và mấy cái kê chữ L loại lớn về chia khoảng cách bắt vít vào bảng hoặc tấm gỗ là xong. Nếu được, bố mẹ có thể mua thêm xốp tấm loại mỏng về bọc cái kê chữ L lại cho êm chân bé. Khoảng cách khi bắt vít tay cầm và kê chữ L tùy thuộc vào bước chân bé, bé lớn hay nhỏ.
4. Cho thú ăn kết hợp thả bóng và gỗ
- In file các con thú bằng bìa mô hình 3-5 ly (Trên mạng chia sẻ rất nhiều file con vật), in thức ăn thú (mẩu xương, quả chuối, con cá nhỏ, củ cà rốt...) bằng bìa mô hình 10 ly.
- Làm 1 chiếc hộp rỗng bằng bìa mô hình, dán các hình con vật lên các mặt chiếc hộp.
- Cách chơi như sau: Bé tự chọn thức ăn tương ứng với từng con vật.
Tự làm trò chơi cho thú ăn bằng bìa mô hình.
5. Đồ chơi bảng chữ cái
- Chuẩn bị: 1 tấm bảng bằng gỗ mỏng (có thể bằng bìa foam, bằng nhựa, bằng bìa cứng); chai nhựa đã qua sử dụng (cắt lấy phần cổ chai)
- Chia đều khoảng cách và dán cổ chai vào bảng.
- In file chữ cái và cắt dán chữ cái lên nắp chai.
Ngoài việc làm quen với chữ cái và tập vặn nắp chai, bé có thể chơi thêm trò bỏ bi (hay những hạt nhỏ có màu khác nhau) vào miệng chai (theo từng màu khác nhau) để luyện sự khéo léo, chính xác của đôi tay. Sau đó ba mẹ có thể nhấc nhẹ cổ chai để lấy ra sau khi chơi xong. Lưu ý: Nếu cho trẻ chơi cùng các viên bi phải có người lớn chơi cùng để tránh trường hợp bé bỏ bi vào miệng.
6. Chiếc tivi "Made in Banoi Mon"
- 1 cuộn giấy. Vẽ lên mặt trái cuộn giấy các hình khác nhau, mỗi hình dài tầm 15cm, cách nhau 5cm và tô màu.
- 2 thanh nhựa đường kính 2,5 - 2,7cm để làm trục.
- Bìa mô hình dày 5 ly cắt theo kích thước như bên dưới và dán lại thành hộp.
- Bìa có 2 nửa, hình 1, 2, 3 dán lại thành nửa trước, hình 4, 5, 6 dán lại thành nửa sau.
- 1 tấm bìa kính dán vào phía sau ô trống đã cắt làm mặt tivi.
- Đặt 2 trục đã dán 2 đầu cuộn giấy vẽ hình vào hộp, lồng 2 hộp vào là xong.
Chiếc tivi thú vị - "tài sản" riêng của bé Mon do bà nội làm tặng.