Bà mẹ TP.HCM đau khổ: Con ngoan, thông minh nhưng phải cho đi khám Tâm thần, nhiều người khuyên "chữa" nhanh kẻo hỏng!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Trước đó, gia đình đã từng đưa con đi khám ở khoa tâm lý - tâm thần, tuy nhiên bác sĩ cho rằng chưa có biểu hiện bệnh lý rõ rệt.

Một bà mẹ đơn thân ở TP.HCM chia sẻ trên diễn đàn phụ huynh về tình trạng con trai 15 tuổi, học sinh vừa thi lên lớp 10, đang có những biểu hiện cảm xúc bất ổn kéo dài: Thường xuyên cáu giận, đập phá. Mỗi lần căng thẳng, bạn nhỏ này có thể lý sự đến hàng tiếng đồng hồ, không chấp nhận ai nói ngược lại mình, thậm chí có hành vi gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho mẹ và em út trong nhà.

"Con thường xuyên bộc lộ cảm xúc tiêu cực một cách dữ dội. Mỗi lần đá bóng về mà không vừa ý, con tự gào thét, chửi bới một mình, đóng cửa đập phá đồ đạc trong phòng. Nếu em có ý kiến thì con càng đập mạnh hơn, gào lớn hơn. Có hôm đi học về, chỉ vì áp lực học hành hay chuyện gì đó không vừa lòng, con lại tụt cảm xúc thê thảm, kêu chán đời, hét lên không muốn sống nữa. 

Nếu em nói thêm một câu, con có thể thách thức, thậm chí xô ngã mẹ. Đỉnh điểm là bây giờ, cứ mỗi lần chơi game bóng đá trên điện thoại là y như rằng gào thét, chửi bới ầm ĩ như đang cãi nhau ngoài đường, rồi lại đập phá bàn ghế, giường tủ. Em không thể can thiệp vì càng nói thì con càng kích động", bà mẹ cho hay.

Chị kể, hôm sau khi mẹ nhắc lại chuyện cũ thì con sẽ viện đủ lý lẽ để phản biện, nói dai không dứt, khiến chị thật sự cảm thấy bị "hành", bị tra tấn tinh thần mỗi ngày. Nhiều đêm, chị phải bế đứa con út (8 tuổi) chạy ra ngoài ngủ nhờ vì quá sợ. Có khi con chị đang vui vẻ, nói cười bình thường, chỉ một lát sau là lật mặt đập phá, gào khóc.

Chị cấm điện thoại và máy tính gần hết năm lớp 9, nhưng bây giờ phải cho con dùng lại vì cần liên lạc và học hành qua Zalo. "Em thật sự bất lực, không thể nói chuyện được với con nữa. Nhà chỉ có ba mẹ con, mà em thì không còn đủ sức chịu đựng", bà mẹ đau khổ nói.

Người mẹ cảm thấy bất lực vì con. (Ảnh minh họa)

Trước đó, gia đình đã từng đưa con đi khám ở khoa tâm lý - tâm thần, tuy nhiên bác sĩ cho rằng chưa có biểu hiện bệnh lý rõ rệt. Khi tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý, chi phí cao và không có tác động rõ ràng nên người mẹ đành gác lại sau vài buổi. Nhưng càng để lâu, những "cơn bùng nổ" của con trai ngày càng dữ dội hơn, đến mức người mẹ gọi đó là "một sự tra tấn tinh thần".

Khi sự ngoan ngoãn không cứu nổi cơn giận

Chia sẻ của người mẹ ngay lập tức thu hút hàng trăm bình luận. Nhiều phụ huynh cho rằng, dù có yêu con mấy thì mẹ vẫn là mẹ, phải dạy cho con biết đâu là giới hạn, không để con "láo". Cũng có người cảnh báo, khi trẻ không kiểm soát được cảm xúc, lớn lên sẽ rất dễ gây ra hậu quả nặng nề trong công việc, hôn nhân, xã hội. Không được hỗ trợ sớm, con sẽ mất dần khả năng điều tiết hành vi.

Tuy nhiên, đa số bình luận đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc với bà mẹ. Họ cho rằng hiện tượng này không thể quy về việc con "hư" hay "láo", mà là dấu hiệu của tổn thương sâu trong tâm lý tuổi dậy thì, nếu không được can thiệp đúng lúc có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Một người cho biết, chị gặp khá nhiều trường hợp tương tự. Hầu hết các em có sang chấn tâm lý do mối quan hệ cá nhân hoặc gia đình, áp lực học hành, rối loạn tâm sinh lý tuổi dậy thì, mất kết nối với cha mẹ, có nhiều ẩn ức mà ko được lắng nghe, bị xâm hại mà giấu người thân .... Thường xuất hiện ở giai đoạn trước thi chuyển cấp nếu gia đình hỗ trợ kịp thời thì các con lại ổn. Nếu để tiếp tục sẽ chuyển sang tình trạng mất kiểm soát hành vi. Bố mẹ cần hỗ trợ con bằng cách bình tĩnh lắng nghe, không phán xét, không chỉ trích, không giáo huấn ....

Có phụ huynh góp ý: "Tính cách cầu toàn dễ khiến trẻ tạo áp lực lên chính mình và cả người xung quanh. Có thể đây là kết quả của cách giáo dục trong gia đình từ nhỏ, hoặc do rối loạn tâm sinh lý ở một giai đoạn nhất định. Nếu là tâm bệnh thì khi đi khám bác sĩ đã phát hiện ra rồi.

Nuôi dạy một bé trai tuổi dậy thì, thiếu vắng vai trò người cha, thực sự là một thử thách. Theo mình, đây là vấn đề về EQ. Trẻ có IQ cao nhưng thiếu kỹ năng quản trị cảm xúc sẽ rất dễ bị stress, khó hòa nhập, chỉ cần tiếp xúc sâu là người khác sẽ muốn tránh xa".

Phụ huynh nên làm gì?

Một chuyên gia tâm lý cho rằng, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là không hoảng sợ, không dùng cảm xúc để đối đầu cảm xúc. Khi con gào hét, phản ứng mạnh, nếu cha mẹ phản ứng ngược lại bằng việc quát tháo, đánh mắng, chỉ làm sự việc tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy:

Tạm lùi lại: Khi con đang trong "cơn sóng cảm xúc", không nên can thiệp trực tiếp. Đợi khi con dịu xuống, chọn thời điểm con sẵn sàng lắng nghe để bắt đầu trò chuyện.

Duy trì ranh giới rõ ràng: Không thỏa hiệp với hành vi tấn công thể chất. Con cần hiểu rằng được lắng nghe không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Phụ huynh có thể nói: "Mẹ luôn lắng nghe con, nhưng mẹ không đồng ý việc con đẩy mẹ ngã hay phá đồ. Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp khi con bình tĩnh".

Giúp con gọi tên cảm xúc: Khi con bình tĩnh hơn, cha mẹ hãy nhẹ nhàng hỏi: "Con thấy thất vọng vì điều gì?"; "Có phải con tức giận vì bị thua trong trận bóng?"; "Con cảm thấy mình không được tôn trọng/chưa được lắng nghe?".

Việc giúp con nhận ra mình đang buồn, thất vọng, ghen tị, bất lực… sẽ giúp trẻ thoát khỏi trạng thái hỗn loạn trong đầu. Đây là bước đầu tiên để trẻ học cách quản lý cảm xúc thay vì hành xử bùng nổ.

Thiết lập "kế hoạch phòng khi con nổi giận": Không đợi đến khi con gào thét mới tìm cách xử lý. Hãy chủ động cùng con xây dựng trước một "hộp công cụ cảm xúc" gồm những việc con có thể làm để hạ nhiệt khi cảm xúc dâng cao. Ví dụ: Ra ngoài đi bộ 10 phút; Nghe nhạc/yên lặng trong phòng 15 phút; Viết cảm xúc vào sổ; Uống nước, rửa mặt.

Việc này không đơn giản trong ngày một ngày hai, nhưng nếu cha mẹ đồng hành kiên trì, con sẽ học dần kỹ năng tự điều chỉnh cảm xúc.

Hạn chế những tác nhân gây căng thẳng và kích thích: Tránh để con tiếp xúc thường xuyên với game có tính đối kháng, thắng–thua cao như đá bóng online hay bắn súng. Những trò chơi này dễ khiến trẻ trở nên quá khích, nhất là khi đã có sẵn tính cách cầu toàn, hiếu thắng. Thay vào đó, hãy hướng con tới các hoạt động thư giãn hoặc vận động ngoài trời như bơi, chạy bộ, leo núi trong nhà.

Đồng thời, nếu nhận thấy con đang bị áp lực học tập quá mức, phụ huynh có thể điều chỉnh kỳ vọng, thay vì đẩy con đến giới hạn tinh thần mỗi ngày. Học giỏi là quan trọng, nhưng học cách sống hòa hợp với chính mình còn quan trọng hơn.

Chủ động đưa con đi đánh giá tâm lý chuyên sâu: Một số biểu hiện bất ổn cần được đánh giá bởi chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm, không thể tự phỏng đoán. Có thể không phải bệnh lý nặng, nhưng là tín hiệu cảnh báo. Nhiều trung tâm và cộng đồng phụ huynh có các chương trình hỗ trợ tâm lý miễn phí hoặc chi phí thấp. Mẹ đơn thân hoặc gia đình khó khăn có thể tìm kiếm sự trợ giúp tại các cơ sở y tế công lập.

Tuổi dậy thì là giai đoạn đầy biến động, nơi mọi thứ từ nội tiết tố, cảm xúc đến nhận thức xã hội đều thay đổi dữ dội. Một đứa trẻ có vẻ "ngoan" và học giỏi vẫn có thể mang trong mình những tổn thương sâu kín mà người lớn không nhận ra. Nếu không được lắng nghe và hỗ trợ kịp thời, các em rất dễ rơi vào khủng hoảng kéo dài, ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý và hành vi.

Trước khi trách con "hư", "láo" hay "ngang ngược", điều cần làm là ngồi lại bên con với sự kiên nhẫn, không phán xét và cùng tìm cách tháo gỡ. Vì những đứa trẻ đau khổ nhất thường là những đứa trẻ không biết cách diễn đạt nỗi đau của mình.

Chia sẻ