Bà mẹ Hà Nội nhất quyết không cho con HỌC TIỀN LỚP 1, chỉ áp dụng 1 phương pháp "đặc biệt": Nhìn thành quả mà ngạc nhiên

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Thay vì đưa con đến lớp tiền tiểu học, chị Ngọc đã đồng hành cùng con bằng những phương pháp "đặc biệt" sau đây.

Cho con học tiền lớp 1 hay không là vấn đề gây đau đầu cho không ít phụ huynh và cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người muốn con được phát triển tự nhiên, không muốn con bước vào con đường học hành sớm mà đánh mất tuổi thơ đầy ý nghĩa. Một số phụ huynh lại lo lắng rằng sĩ số lớp 1 nhiều trường lên tới 40 - 60 học sinh, nếu không học chữ sớm, làm sao con có thể nhanh chóng thành thạo.

Là mẹ của 3 con, trong đó có bé trai năm nay lên lớp 5 và bé gái lên lớp 2, chị Bích Ngọc (Hà Nội) lựa chọn phương án đầu tiên. Ngay từ khi chưa vào tiểu học, vợ chồng chị đã thống nhất "không chạy đua học thêm tiền tiểu học, không áp lực học hành lên con". Vì theo chị, thực chất ở lớp mẫu giáo 5 tuổi con đã được làm quen với số và chữ cái. Kiến thức đó đủ để con bắt đầu lớp 1 rồi. Xong lớp 1 rồi con cũng biết đọc biết viết hết cả thôi mà. Học sớm quá có khi lại tác dụng ngược khiến cho các con mất hứng thú với việc học và thấy sợ học.

Bà mẹ ở Hà Nội nhất quyết không cho con HỌC TIỀN LỚP 1, chỉ áp dụng 1 phương pháp "đặc biệt": Nhìn thành quả của hai bé sau đó mà ngạc nhiên - Ảnh 1.

Ngay từ khi chưa vào tiểu học, vợ chồng chị đã thống nhất "không chạy đua học thêm tiền tiểu học, không áp lực học hành lên con".

Thay vì đưa con đến lớp tiền tiểu học, chị Ngọc đã đồng hành cùng con bằng những cách chơi mà học sau đây:

Nhà chị Ngọc có thói quen đọc sách, truyện cho con nghe vào mỗi tối trước khi ngủ (đến giờ vẫn được duy trì với cả 3 bé). Mỗi tối sẽ đọc 1 truyện. Khi con muốn nghe thêm chị luôn nói "con học chữ đi, biết chữ là con có thể tự đọc mọi thứ mà không cần nhờ mẹ đấy".

Không cho con học thêm nhưng chị Ngọc tự dạy chữ cho con ở nhà thông qua trò chơi "đọc sách gạch chân chữ" (trò này là sáng kiến của bố bé). Thay vì bắt con đọc và nhìn bảng chữ cái thì mình lấy 1 cuốn sách hoặc truyện bất kỳ, chỉ cho con 1 trang, nêu đề bài "đố con tìm xem trong đây có bao nhiêu chữ A" (ví dụ vậy) rồi yêu cầu con gạch chân dưới tất cả chữ cái đó trong trang sách. 

Mỗi ngày chỉ 10-15p. Đi trên đường, bất kỳ bảng hiệu, biển quảng cáo nào cũng đều có thể trở thành "sách vở" của mấy mẹ con. Bé hứng thú hơn hẳn với việc học chữ qua trò này và nhớ rất nhanh.

"Bé lớn nhà mình mất 2 tháng đầu học chậm hơn so với các bạn ở lớp (99% đều đi học hè trước). Con cũng có vài lần bị cô nhắc nhở chuyện viết chữ xấu, chậm. Chúng mình không đặt nặng kỳ vọng học hành vào con nên giai đoạn này hai vợ chồng chấp nhận, không áp lực gì vì thực chất bé nhà mình được đánh giá là nhanh nhẹn, thông minh. Con chỉ cần tập trung hơn là theo kịp. Mình dành nhiều thời gian kèm con học hơn. Mình là người kèm con chữ viết, kỹ năng đọc qua việc đọc sách truyện.

Bố bé là người dạy các mẹo tính toán để bé hiểu được bản chất và dạng toán nào cũng làm được. Sau đó quả thật bé học vượt hẳn lên, hết kỳ 1 đã đọc truyện vanh vách và tỏ rõ hứng thú với môn Toán. Từ lớp 1 tới lớp 4 con luôn đứng đầu lớp. Lớp 2, 3, 4 con đều đạt giải cao cấp thành phố trong kỳ thi Trạng nguyên tiếng Việt. Con rất thích học và ham đọc sách, tìm hiểu thế giới xung quanh rồi kể lại những thứ hay ho cho bố mẹ nghe", chị Ngọc chia sẻ.

Bà mẹ ở Hà Nội nhất quyết không cho con HỌC TIỀN LỚP 1, chỉ áp dụng 1 phương pháp "đặc biệt": Nhìn thành quả của hai bé sau đó mà ngạc nhiên - Ảnh 2.

Chị Ngọc cũng chú trọng việc rèn luyện thể chất cho con.

Với bé gái thứ 2, 90% thời gian lớp 1 của con là học online do dịch bệnh nên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Con không hứng thú học nhiều, rất hay mất tập trung, hay ngó nghiêng và làm việc riêng trong giờ học. Tuy nhiên, chị Ngọc vẫn áp dụng quan điểm và cách dạy cũ. Kèm theo đó là chiêu "mỗi ngày 1 câu chuyện", mẹ đọc truyện cho các con nghe, sau đó tới lượt chị đọc cho mẹ và em nghe. 

"Lúc đầu con luôn kêu "đọc mỏi mồm" nhưng giao kèo rồi không trốn được. Sau 1 thời gian kỹ năng đọc của con tiến bộ hẳn. Kết thúc lớp 1 con là 1 trong số ít bạn học top đầu của lớp, đạt giải 3 TNTV thành phố", bà mẹ 3 con cho biết.

Không đặt kỳ vọng con phải học hành giỏi giang, không tạo áp lực cho con, tuy nhiên các con của chị Ngọc vẫn cần hoàn thành bài tập cô giao trên lớp, đây là nhiệm vụ và con phải tự chịu trách nhiệm về việc này. Thói quen tập trung, tự học, tự chịu trách nhiệm là những thứ căn bản phải có nếu con muốn thành công. Điều này cần thời gian kiên trì rèn luyện hướng dẫn.

Quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị tâm lý cho con

Chị Ngọc chia sẻ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà 1 cách dạy, sẽ có bố mẹ thấy rằng việc học tiền tiểu học là cần thiết. Tuy nhiên theo chị, điều ưu tiên hàng đầu vẫn là làm thế nào cho con thấy yêu thích việc học chứ không cảm thấy "bị ép", rèn được cho con thói quen học tập trung và tự học. Việc này xong thì tự khắc những thứ khác bố mẹ sẽ rất nhàn:

"Bé nhà mình không bị thúc ép học sớm (theo hình thức học thêm) tuy nhiên mình có áp dụng cách vừa học vừa chơi như trong bài chia sẻ để giúp con làm quen với mặt chữ chứ không phải hoàn toàn không học gì. Vợ chồng mình ở riêng, ngay từ đầu đã tỏ rõ quan điểm nuôi dạy con theo ý mình nên gia đình nội ngoại không can thiệp sâu. Tuy nhiên khi bạn đầu chuẩn bị vào lớp 1 thì có gặp chút áp lực từ mẹ mình vì bà lo nếu không cho đi học trước thì con khó theo kịp các bạn".

Bà mẹ ở Hà Nội nhất quyết không cho con HỌC TIỀN LỚP 1, chỉ áp dụng 1 phương pháp "đặc biệt": Nhìn thành quả của hai bé sau đó mà ngạc nhiên - Ảnh 3.

Không đặt nặng thành tích, vợ chồng chị Ngọc chỉ mong muốn các con lớn lên khoẻ mạnh, tự tin, có lòng biết ơn và biết cảm nhận từng khoảnh khắc để sống thật hạnh phúc

Điều lo lắng nhất của chị khi con chuẩn bị vào lớp 1 là gặp cô giáo coi trọng thành tích chung mà không chú ý tới sự phát triển của từng bé. Tuy nhiên các con nhà chị Ngọc cũng rất may mắn vì gặp được cô giáo có tâm thực sự, quan tâm, động viên các con nhiều.

"Giai đoạn con chuẩn bị lên lớp 1 quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị tâm lý cho con, nói chuyện với con nhiều về việc con sắp học ở ngôi trường mới, ở đây mọi thứ đều rất khác với trường mẫu giáo. Nhà mình gần trường nên thi thoảng dẫn con ra chơi cho quen dần. Con càng được chuẩn bị tâm lý kỹ thì càng sẵn sàng cho việc chuyển cấp, tự tin và đỡ bỡ ngỡ. 

Ngoài ra, con cần rèn các kĩ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp, chào hỏi, các kỹ năng về giới tính lứa tuổi, như "Vùng đồ bơi", "Quy tắc 5 ngón tay"... Các kỹ năng cần được rèn luyện thông qua hành động hàng ngày, luyện tập đều đặn và liên tục để con ghi nhớ, biết sử dụng khi cần thiết.

Không đặt nặng thành tích, chúng mình chỉ mong muốn các con lớn lên khoẻ mạnh, tự tin, có lòng biết ơn và biết cảm nhận từng khoảnh khắc để sống thật hạnh phúc", chị Ngọc nói.

Chia sẻ