Bà mẹ "chết lặng" khi nghe bác sĩ nói nguyên nhân khiến con thập tử nhất sinh là do... sữa mẹ
Cô con gái bé nhỏ mới 5 tuần tuổi bỗng dưng bị ốm, nôn nhiều, khóc cả đêm và có cả máu trong bỉm.
Thật sự sẽ chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm giác khi nghe bác sĩ bảo hãy vào nói lời tạm biệt với con vì cơ thể bé đang dần ngừng hoạt động. Bà mẹ người Úc Deborah Lemke đã từng rơi vào hoàn cảnh như vậy khi cô con gái nhỏ Sienna (5 tuần tuổi) của chị bỗng dưng bị ốm, nôn nhiều hơn bình thường, khóc thét cả đêm và có máu trong bỉm.
Bà mẹ đau khổ kể: "Tôi biết đây là những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh, vì tôi đã từng có kinh nghiệm 1 lần nuôi con trước đó. Nhưng khi tôi tham khảo ý kiến các bà mẹ khác thì họ lại bảo là không sao đâu, rồi Sienna sẽ ổn. Tôi vẫn không yên tâm một chút nào nên quyết định đưa con đến phòng khám tư.
Tôi đã đi khám ở bác sĩ gia đình và bác sĩ nhi khoa, tất cả họ đều nói rằng Sienna có thể bị nhiễm virus. Nhưng một lần nữa, bản năng làm mẹ mách với tôi rằng đó không phải là sự thật. Ngày hôm sau con gái tôi bất động không phản ứng. Tôi vội đưa con đến thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện địa phương - nơi các bác sĩ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và siêu âm.
Tôi thật sự rất muốn nghe câu trả lời chính xác là con tôi bị làm sao, chứ cứ nhìn con bị chọc dò khắp người, trái tim tôi tan nát. Nhưng cuối cùng, không ai có thể cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra với Sienna".
Hai ngày sau, chị Deborah như muốn sụp đổ khi tình trạng của con ngày càng trở nên tồi tệ. Cân nặng của bé gái giảm nhanh chóng vì bé nôn ói liên tục trong khi các bác sĩ vẫn chưa tìm được nguyên nhân. "Tôi không thể đứng trơ mắt nhìn con ngày một yếu đi, tôi đã yêu cầu các bác sĩ cho chúng tôi được chuyển lên bệnh viện tuyến trên", bà mẹ cho biết thêm.
5 ngày sau, chị Deborah không thể cho đứa trẻ bú trực tiếp được nữa, chị phải vắt sữa và Sienna nhận sữa mẹ qua ống. Các bác sĩ vẫn đang tiến hành tìm hiểu nguyên nhân nhưng có vẻ như đứa trẻ không còn nhiều thời gian để chờ nữa. "Cùng cực của sự đau đớn là khi bác sĩ nói xin lỗi rằng họ đã không tìm được lý do vì sao Sienna lại ra nông nỗi này. Họ bảo tôi vào nói lời tạm biệt với con gái vì cơ thể của Sienna đang dần ngừng hoạt động", bà đau đớn nói.
Nhưng may mắn làm sao khi một bác sĩ quyết định thử nghiệm 1 vấn đề. Đó là chị Deborah áp dụng một chế độ ăn không có đậu nành và sữa trong chế độ ăn hàng ngày của mình, vì có khả năng con gái chị bị dị ứng với các protein này được truyền qua sữa mẹ. Thật may mắn là Sienna đã có phản hồi tích cực. Hóa ra, cô bé bị dị ứng với sữa và đậu nành, và chỉ cần những thành phần này tồn tại một chút trong sữa mẹ cũng đủ khiến cho đứa trẻ gặp nguy hiểm.
"Tôi gần như chết lặng khi nghe tin rằng con tôi bị dị ứng với sữa mẹ, rằng tôi chính là nguyên nhân gây ra nỗi đau này cho con của mình. Chỉ cần một chút bơ phết trên bánh mì trong bữa sáng cũng đủ giết chết Sienna", chị Deborah chia sẻ.
Hiện tại, Sienna đã là một cô bé 2 tuổi xinh đẹp, đáng yêu và chị Deboral đã hoàn toàn loại bỏ sữa và đậu nành trong thực đơn hàng ngày của cô bé. Qua câu chuyện của mình, bà mẹ 2 con muốn nhắn nhủ tới các mẹ đang cho con bú là hãy luôn cẩn thận trong chế độ ăn của mình. Nếu con bạn có gì bất ổn thì hãy đưa con đến các bệnh viện càng sớm càng tốt.
Dị ứng thức ăn là gì?
Dị ứng thức ăn là triệu chứng của hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với những thành phần "lạ" có trong thực phẩm. Hiện tượng này thường gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng như: có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường, hoặc mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản, mày đay dị ứng.
Các thức ăn hay gây dị ứng là đậu phộng, các loại hạt quả như hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (đặc biệt lòng trắng trứng), sữa... Dị ứng sữa là dị ứng thức ăn hay gặp nhất và thường biểu hiện rất sớm ngay từ những tháng đầu đời.
Các triệu chứng dị ứng thức ăn
Khi bị dị ứng thức ăn, trẻ thường có những biểu hiện như sau:
- Da: nổi ban đỏ ngứa quanh miệng, trong miệng hoặc phát ban đỏ toàn thân, phù môi, phù quanh mắt, phù mặt.
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
- Mắt, mũi: ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi.
Trong trường hợp dị ứng nặng: có thể có phù thanh môn, co thắt phế quản dẫn đến khó thở, thở rít, tụt huyết áp. Các triệu chứng này thường xuất hiện và tiến triển nhanh, thậm chí, có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Do vậy, khi nghi ngờ con bị dị ứng với 1 loại thức ăn nào đó, cha mẹ cần đưa con đi bác sĩ để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ nên loại bỏ thức ăn đó ra khỏi danh sách các món ăn của con.
Nguồn: Kidspot