Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân

Bài và ảnh: Min,
Chia sẻ

Hơn 20 năm qua, kể từ ngày chị mở cái quán cơm trưa bình dân này thì hơn 90% là phục vụ cho dân lao động nghèo. Từ phụ hồ, bán vé số cho tới những người buôn gánh bán bưng, chắt chiu từng đồng lẻ một. Chị hiểu nên cứ vậy mà chị thương, thương như một người thân của chính mình.

Đất Sài Gòn tính ra không trù phú, đi đâu cũng thấy toàn người là người. Nhưng được cái thiên nhiên giao đãi công bằng nên thị dân ở cái đất này đều dư giả một thứ đặc sản mà họ sẵn sàng cho không - đó là chữ tình. Thứ sản vật tình người này, từ muôn đời nay đã góp phần làm nên một kiểu văn hoá rất riêng giữa lòng thành thị, nó giúp nối những mảnh đời, những câu chuyện riêng của mỗi cá thể để rồi giúp họ trở thành... người thân. Dù cho giữa họ, không có chút liên hệ huyết thống nào trong lồng ngực.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 1.

Quán cơm trưa nhỏ xíu, nép mình bên hông căn nhà 80/102 Trần Quang Diệu, quận 3.

Chẳng hạn như thằng nhỏ sinh viên dưới quê lên ở trọ, sáng nào trước khi đi học cũng sà vào làm ly đen đá của bà cô bán nước đầu hẻm, hai ba lần quen mặt nhớ tên, tự dưng họ thành người thân. Hoặc cô bé xa quê lên Sài Gòn làm việc, chiều nào cũng ghé mua vài ba tép hành, một hai củ tỏi ở cái sạp chợ chiều của bà cụ trong hẻm gần nhà, vậy là họ thành người thân.

Hay như bà chủ tên Trinh của quán cơm trưa nằm ở con hẻm ngoằng ngoèo quận 3 có tuổi đời hơn 20 năm này, đã trở thành người thân của những anh, những chú thợ hồ tứ xứ, quê miền Trung, miền Tây đang làm công trình ở Sài Gòn chỉ vì trưa nào cũng ghé ăn.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 2.

Chị Trinh bán xong, nghỉ tay đứng nói chuyện với những "người thân" xa lạ của mình.

Quán cơm trưa hơn 20 năm phục vụ cho dân lao động bình dân, bà chủ thuộc "nết" ăn của từng người

"Ờ bán lâu làm như quen hơi, nhớ mặt nên bữa nào không thấy là nhớ đó. Nghĩ cũng tội, xa xôi quá bỏ vợ bỏ con lên Sài Gòn làm kiếm tiền gửi về quê, nên có dám ăn uống sang trọng gì. Ăn dĩa cơm 25 ngàn là quá lắm rồi, chứ sáng hay chiều là tự nấu ăn" – chị Trinh cười cười nói, như thể chị đã quá quen với những người dân lao động, bám mình giữa cái đất Sài Gòn này để kiếm sống qua ngày rồi.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 3.

Bán hoài, chị Trinh thuộc hết "nết" ăn cơm trưa của từng người.

Mà chị hiểu cũng phải thôi, bởi hơn 20 năm qua, kể từ những ngày đầu một tay chị mở cái quán cơm trưa bình dân này thì hơn 90% là phục vụ cho dân lao động nghèo. Từ phụ hồ, bán vé số cho tới những người con xa xứ đang cam chịu phận buôn gánh bán bưng, chắt chiu từng đồng lẻ một. Chị hiểu nên cứ vậy mà chị thương, thương như một người thân của chính mình, để rồi chị thuộc làu cái "nết" ăn của từng vị khách mối.

"Đó, ông chú đó chỉ ăn cơm sườn ram, không rau cỏ gì hết. Thằng kia thì đặc biệt dân miền Tây mà không ăn nước mắm, chỉ ăn nước tương. Thằng này thì lúc nào cũng cơm thêm, mà nó mê cà tím chị làm lắm, nó nói giống vợ nó dưới quê hay làm. Ông anh bận cái áo muốn rách làm đôi kia thì chỉ độc một món cá kho tộ" - chị Trinh vừa kể, vừa chỉ tay từng người để minh chứng cho cái chuyện chỉ cần có cái tình thì bộ nhớ của người Sài Gòn dư sức chứa những thứ chi tiết về tánh tình, sở thích của những "người thân" xa lạ.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 4.

Xe cơm trưa của chị Trinh có rất nhiều món hấp dẫn.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 5.

Một phần cơm như vầy có giá 25 ngàn, cơm thêm không tính tiền, canh thêm không tính tiền, trà đá cũng miễn phí.

Dĩa cơm 2, 3 năm mới dám lên giá 1 ngàn và những nỗi sợ "hào sảng" rất Sài Gòn

Ngoài ra, đặc biệt ở cái quán cơm này, suốt hơn 20 dài đằng đẵng mà chị Trinh vẫn nào có dám lên giá đâu, hai ba năm mới lên vỏn vẹn 1 ngàn đồng cho mỗi dĩa. Cơm thêm chị còn không thèm lấy tiền, trà đá cũng cho không vì chị sợ: "Mắc quá, tụi nó tiền đâu mà ăn, tiền đâu mà để dành. Chị lời chút đỉnh nhưng ít ra chị không phải ở nhà thuê, không phải gửi tiền về quê cho tụi nó. Thôi, mình ngó lên không bằng ai, nhưng ngó xuống lại hơn rất nhiều người, giúp người ta được cái nào hay cái đó, tối về ngủ cũng ngon".

"Giúp người ta được cái nào hay cái đó" của chị đâu chỉ những thứ trên, mà nó còn là những khi thấy bà già bán vé số đi ngang tội nghiệp, chị biểu ngồi nghỉ mệt chút đi, chị bưng ra cho dĩa cơm trưa ăn cho no bụng, còn sẵn miệng gọi luôn bà già là "má". Ăn xong bà già nhíu cặp mắt e dè mờ đục, rút ra vài tờ bạc được cột thun gọn lỏn lận dưới lưng quần ra trả tiền, chị Trinh gạt ngang: "Thôi tiền bạc gì má, má ráng bán mà giữ được sức khỏe là con mừng rồi, khỏi lo gì hết".

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 6.

Một bà lão mua cơm xong vội vã mang về nhà.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 7.

Cứ tầm trưa, là khách hàng quen thân của chị Trinh kéo đến rất đông, sinh viên, văn phòng và nhất là những anh thợ hồ gần đó.

Hay anh "què" ăn xin, tay cầm 10 ngàn lẻ, đắn đo đứng ngoài trời nắng hỏi vọng vô quán "ở đây có bán dĩa cơm 10 ngàn hông?", chị không nói không rằng, phóng ra rước ảnh vô tới bàn ngồi, rồi lẹ làng làm dĩa cơm bưng ra kèm ly trà đá, xong mới đon đả trả lời: "Có tiền là có cơm, nhiêu cũng bán, riêng cha nội thì tui cho, ăn no lẹ lẹ đi còn đi kiếm tiền kìa. Mà trời Sài Gòn mùa này bắt đầu nắng, không kiếm cái nón đội vô đi cha".

Chuyện bán cơm trưa ngày rằm và những người thân "thời vụ" mà chị Trinh thương

Trưa thứ 5 vừa rồi, ghé vô ăn cơm trưa chỗ chị Trinh. Tự dưng thấy chị thờ dài rồi hỏi: "Ê em, hai ba ngày nữa là rằm tháng Giêng, chị không biết có nên mở quán bán cơm không nè. Rằm lớn nhiều người ăn chay, chị cũng không muốn bán món mặn trong ba cái ngày này. Mà ngặt là chị nghỉ thì đám thợ hồ hay ăn ở đây, trưa tụi nó đói bụng thì sao? Mấy chỗ rẻ rẻ gần đây người ta cũng nghỉ, rồi nhịn đói sao tụi nó có sức làm".

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 8.

Tới chừng rằm, nghỉ một bữa bả cũng sợ mấy anh thợ hồ ngồi ăn kế bên đói.

Tôi cao hứng chọc chị: "Riết rồi chị thương mấy ảnh như người thân ruột thịt. Tới nghỉ một bữa cũng sợ mấy ảnh đói. Sợ chị luôn".

"Quen thân gì bây, vài bữa nửa tháng, xong công trình là cả đám dông mất xác. Người thân đâu có ngộ dữ vậy. Chị mày bán ở đây lâu rồi, biết hết, toàn kiểu người thân thời vụ" - chị Trinh vừa làm cơm cho tôi, vừa bĩu môi phân bua.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 9.

"Chị mày bán ở đây lâu rồi, biết hết, toàn kiểu người thân thời vụ".

Thật tình, như chị nói, thì đâu có ai chống lại được sự vận động quá lớn chốn thị thành Sài Gòn. Ở đây, ngoài những thị dân thủ cựu như chị, thì còn tràn ngập những tân dân tứ xứ từ nơi khác đến tìm kế sinh nhai. Nên người ta ở một chỗ không bền, đôi ba tháng lại gom đồ chuyển chỗ trọ, hàng xóm làng giềng nhiều khi sáng mở mắt ra là thấy nhà kế bên đã dọn đi đâu mất, trống huơ trống hoác. Ai cũng tặc lưỡi tự nhủ trong bụng "lại sắp có hàng xóm mới". Nên khái niệm "người thân thời vụ" của chị, cũng đúng quá còn gì.

Tôi định trả lời như trên nhưng chị đã vội nói thêm: "Mà lâu mau có quan trọng gì. Quan trọng là cách người ta sống với nhau. Đối đãi với nhau như ruột thịt thì dù có hai ba ngày cũng sẽ nhớ hoài. Tình nghĩa ở Sài Gòn là phải như vậy, chứ lạnh nhạt thờ ơ thì còn gì Sài Gòn. Chị quyết định rồi, rằm bán luôn, mà bán ít lại chút".

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 10.

"Tình nghĩa ở Sài Gòn là phải như vậy, chứ lạnh nhạt thờ ơ thì còn gì Sài Gòn".

"Ba là người tốt, sau này con gái của ba cũng phải là người tốt"

Bữa nào ghé ăn cơm mà nghe được mấy cuộc đối thoại của chị Trinh như trên là muốn rớt nước mắt. Tự hỏi trong bụng: cái tình của người Sài Gòn bao la dữ vậy hả ta? Ai sống giữa cái lòng thành thị này chỉ cần gặp những số phận bất trắc là tự khắc chìa bàn tay nắm lấy và nâng đỡ? Nó có bắt nguồn từ đâu không?

Không biết nữa, chỉ biết riêng trong phần số cuộc đời của chị Trinh, cái tính hào sảng của chị phần nào là ảnh hưởng từ ba. Có lần, chị kể cho nghe về người ba mà chị thương yêu nhất, mang ơn lớn nhất. Hồi đó, ông nội chị mất sớm, ba chị là anh cả nên phải nai lưng ra thay ba giúp mẹ, chăm lo cho đàn em nheo nhóc. Cả đời của ba chị cứ thế hy sinh, hết cho đàn em thì tới vợ con sau này. Và ông cũng dành một cái tình rất lớn cho những người nghèo khổ xa lạ, vô tình gặp đâu đó trên đường, dù khi đó ông cũng không khá giả gì cho cam.

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 11.

Cái hào sảng đối đãi với mấy người khổ khổ như người thân trong nhà của chị Trinh, có lẽ bắt nguồn từ ba chị.

Những lúc đó chị không hiểu lắm, đúng hơn là chị còn quá nhỏ để hiểu hết những hành động tốt của ba dành cho những người lạ, kiểu như một loại ân huệ lạ kỳ từ tiền kiếp mà ba chị phải trả vậy. Sau này do quá thắc mắc, chị có hỏi, ba trả lời: "Đó là cái chuyện bình thường bắt buộc phải có trong lòng của bất kỳ người tốt nào, ba là người tốt, sau này con gái của ba cũng phải là người tốt".

Bà chủ hào sảng của quán cơm trưa 20 năm giữa Sài Gòn: Chỉ cần có tình nghĩa, người dưng cũng hóa người thân - Ảnh 12.

"Sống giữa cái thành thị bon chen, hở ra là tiền đã đủ mệt rồi, đừng làm khó nhau nữa".

Vậy là từ đó, chị nghiễm nhiên trở thành một người tốt, tốt như cái cách mà ba đã làm, đã dạy cho chị. Chị biết, mỗi khi chị giúp một người thì ba chị ở trên kia cũng vui, bản thân chị hay mẹ chị, chồng chị, hai đứa con gái của chị, ai cũng vui. Mà người được giúp cũng vui. "Vậy thì tìm cách rút hết túi tiền của nhau để làm chi, trong khi đời người không bao lâu, giúp nhau một chút có khó gì. Sống giữa cái thành thị bon chen, hở ra là tiền đã đủ mệt rồi, đừng làm khó nhau nữa, chị nói đúng không em?".

"Dạ! chị nói đúng".

Chia sẻ