Áp giá “cắt cổ” khách dịp lễ

Theo Người lao động,
Chia sẻ

Tình trạng “chặt chém” xảy ra tại nhiều điểm nóng du lịch trên cả nước trong khi đường dây nóng của các sở, ngành không nhận được thông tin phản ánh nào.

Dịp nghỉ Tết Dương lịch  rơi vào thứ sáu kết hợp với 2 ngày nghỉ cuối tuần và lại trùng với sự kiện Festival Hoa Đà Lạt khiến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở nên quá tải.

Qua đêm trên xe, ngoài bờ hồ

Lợi dụng dịp lễ, không ít cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống tại Đà Lạt tăng giá gấp 3 lần so với ngày thường. Chiều 1-1, sau mấy giờ đi bộ rã rời qua nhiều tuyến đường, gia đình anh Vũ Văn Vinh (ngụ tỉnh Ninh Thuận) mới tìm được một phòng nghỉ bình dân nhưng giá lên đến 800.000 đồng/đêm. Thế nhưng, anh Vinh còn khá may mắn vì tìm được chỗ ngủ qua đêm. Đoàn của anh Trương Văn Học gồm 10 người, thuê xe từ tỉnh Vĩnh Long lên Đà Lạt dù đã đi nhiều nơi kiếm phòng nghỉ nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Cuối cùng, đoàn quyết định ngủ trong xe, ngày mai tiếp tục tìm phòng nghỉ.

Trong khi đó, rất đông khách lẻ từ các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các huyện của tỉnh Lâm Đồng lên Đà Lạt du lịch bằng xe máy quyết định thức trắng đêm vui chơi bên hồ Xuân Hương. Chị Nguyễn Thu Thảo (ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết nhóm của chị gồm 6 người, đi du lịch bằng xe máy. Cả nhóm lên Đà Lạt vào trưa 1-1, vì không thể tìm được phòng nghỉ nên đã đốt lửa, ăn đồ nướng, vui chơi bên hồ Xuân Hương qua đêm.

Theo UBND TP Đà Lạt, trong dịp Festival Hoa Đà Lạt và Tết Dương lịch 2016, ước tính TP đón từ 450.000-500.000 du khách.

Các điểm du lịch ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng rơi vào tình trạng quá tảiẢnh: THẠCH THẢO
Các điểm du lịch ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng rơi vào tình trạng quá tải Ảnh: THẠCH THẢO

Chèo kéo khách trước Khu Du lịch Suối Tiên (TP HCM)Ảnh: GIA MINH
Chèo kéo khách trước Khu Du lịch Suối Tiên (TP HCM) Ảnh: GIA MINH

Giữ xe hốt bạc

Dịp này, nhiều điểm trông giữ xe máy tại Đà Lạt vô tư “chặt chém”. Vào ban đêm, giá giữ xe từ 10.000-20.000 đồng/xe trong khi giá ghi trên vé chỉ 2.000 đồng/xe. Ngoài giá phòng nghỉ tăng mạnh, không ít điểm ăn uống nhỏ lẻ, các nhà hàng tại khu vực trung tâm đã nâng giá bán lên bất thường. Không ít quán cà phê, điểm ăn uống cũng tăng giá gấp đôi.

Tại TP HCM, lượng khách đến các bến xe mua vé về quê, đi chơi lễ tăng cao khiến nhiều bãi giữ xe quá tải. Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) dù bố trí 2 bãi giữ xe khá rộng nhưng vẫn không đủ chỗ do lượng phương tiện gửi tăng đột biến. Nhiều người phải gửi xe bên ngoài ở những điểm tự phát với giá cao hơn từ 2-3 lần phí gửi trong bến. Các tuyến đường xung quanh khu vực Bến xe Miền Đông như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13 và nhiều hẻm xuất hiện hàng chục điểm làm dịch vụ giữ xe “ăn theo” với giá từ 15.000-20.000 đồng/xe máy/ngày đêm. Thậm chí, tại khu vực này còn có một đội ngũ “cò” đến mồi chài hành khách vào các điểm giữ xe tự phát với giá 30.000 đồng/xe máy/ngày đêm. Tương tự, tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), hành khách phải gửi xe bên ngoài với giá từ 10.000-20.000 đồng/xe máy/ngày đêm.

Ở nhiều điểm vui chơi của TP xuất hiện không ít dịch vụ ăn theo để “chặt chém”. Ghi nhận tại đoạn trước cổng Khu Du lịch Suối Tiên (quận 9), cổng Thảo Cầm Viên (quận 1), hàng chục người bán hàng rong đến chèo kéo, mời mọc khách mua hàng khiến nhiều người không khỏi bức xúc ngày đầu năm.

Chưa nhận được phản ánh của dân

Không chỉ ở trung tâm TP Nha Trang, tại Khu Du lịch Vinpearl Land, dịp Tết Dương lịch năm nay dự kiến đón từ 7.000-8.000 lượt khách/ngày. Công ty CP Du lịch Long Phú cho hay mỗi ngày, công ty đón khoảng 800-1.000 khách đến các khu du lịch Đảo Khỉ,  Suối Hoa Lan; tăng khoảng 20% so với thường ngày.

Ông Luyện Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch Khánh Hòa, khẳng định đường dây nóng ở Khánh Hòa 058.3528000 và 0947528000 sẵn sàng bắt máy 24/24 giờ để lắng nghe các ý kiến, phản ánh của du khách. Đến chiều 1-1, chưa có du khách nào phản ánh về tình trạng “chặt chém”, chèo kéo.

“Theo quy chế phối hợp với ban ngành về xử lý phản ánh của du khách mà UBND tỉnh Khánh Hòa mới ban hành, khi nhận được thông tin du khách phản ánh, chúng tôi sẽ báo ngay cho cơ quan chức năng. Trừ những vụ việc phức tạp như cướp giật, trộm cắp, còn những vụ việc khác như tăng giá phòng, chèo kéo, “chặt chém” du khách… lực lượng chức năng sẽ có mặt sau 15 phút” - ông Cường nhấn mạnh.

Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở sẽ tổ chức đoàn thanh tra liên ngành trong thời điểm lễ Tết.

Tại TP Đà Lạt, lãnh đạo UBND TP cho biết hiện có 3 đoàn kiểm tra liên ngành liên tục kiểm tra giá cả các dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại… nhưng vẫn chưa phát hiện cơ sở nào sai phạm. Đường dây nóng số 0941245245 do ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, giữ chưa nhận được phản ánh nào của du khách.

Huế, Đà Nẵng: Khách sạn 4-5 sao hút khách

Tại Đà Nẵng, dịp Tết Dương lịch đã đón gần 107.245 lượt khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2015; trong số này, hơn 50% là khách quốc tế. Trong dịp này, ở các khách sạn, resort 4-5 sao của Đà Nẵng, lượng khách quốc tế chiếm trên 80% tổng lượng khách. Công suất buồng phòng của nhóm khách sạn 4-5 sao và tương đương, biệt thự cao cấp ước đạt 65%-70%, ngày lưu trú bình quân của khách ước đạt 3-4 ngày.

Ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đợt nghỉ Tết Dương lịch năm nay, Huế đón lượng khách khá lớn, số lượt khách đặt phòng ở các khách sạn đạt khoảng 55.000 lượt, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, có sự biến động trong cách đặt phòng nghỉ. Nếu như những năm trước, khách đặt phòng chủ yếu ở khách sạn 3-4 sao thì năm nay số phòng ở khách sạn 4-5 sao khá kín chỗ. Khách sạn 4 sao đã được khách đăng ký trên 80% công suất phòng, còn khách sạn 5 sao trên 91%.

Vũng Tàu: Vắng khách du lịch

Đến chiều 1-1, nhiều nhà nghỉ, khách sạn tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn trống phòng. Mặc dù lượng khách không quá đông nhưng giá phòng tại đa số các nhà nghỉ, khách sạn bắt đầu tăng từ ngày 31-12-2015. Một số khách sạn giá chỉ tăng nhẹ hơn so với ngày thứ bảy, chủ nhật bình thường khác.

B.Vân - Q.Nhật - N.Giang


Kẹt xe kéo dài hướng về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) sáng 1-1 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Kẹt xe kéo dài hướng về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) sáng 1-1 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

22 người chết trong ngày đầu nghỉ lễ

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết trong ngày 1-1, cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 22 người, bị thương 25 người. Tất cả số vụ tai nạn và thương vong đều xảy ra trong lĩnh vực đường bộ. Ngoài ra, lực lượng CSGT đường bộ các địa phương đã kiểm tra, xử lý 9.056 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Cùng ngày, hàng vạn người dân đã rời Hà Nội về quê hoặc đi du lịch trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch khiến các đường phố và bến xe luôn chật kín người. Tại quầy bán vé của các bến xe ở Hà Nội, hành khách phải xếp hàng dài để có thể mua được vé. Vào khoảng 9 giờ cùng ngày, lượng người đổ ra ngoài quá lớn, có thời điểm khiến một số tuyến đường bị ùn tắc nghiêm trọng như: Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... Dòng phương tiện chôn chân tại chỗ hàng giờ, di chuyển rất khó khăn.

Lượng hành khách đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây của TP HCM tăng cao nhưng không xảy ra tình trạng quá tải. Hành khách tập trung trong các chặng ngắn từ TP HCM về các tỉnh miền Tây và từ Bình Định trở vào khu vực phía Nam. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết do đặc thù các tuyến xe đi về các tỉnh miền Tây là chặng ngắn nên hành khách chủ yếu mua vé rồi đi luôn trong ngày.

V.Duẩn - N.Hưởng -  G.Minh

Chia sẻ