"Ánh mắt cầu cứu của bé gái trong chiếc quần jean cùng tiếng gào khóc khi bị mẹ nhuộm tóc" và câu hỏi của nữ nhà văn: Tại sao họ cứ phải bắt con chịu cảm giác đó?

Hạ Uyên,
Chia sẻ

Nếu thực sự muốn tốt cho con trẻ, hãy làm cho chúng những gì mà chúng cần chứ không phải những gì mà bố mẹ cần.

Bố mẹ nào cũng muốn con mình được xinh đẹp nổi bật, nhận những ánh mắt lời khen ngưỡng mộ. Thế nhưng, ranh giới giữa việc giúp con chỉn chu, gọn gàng và ăn diện quá mức mà không nghĩ tới cảm nhận của con trẻ đôi khi rất mong manh. Có người biết con không thoải mái, con khó chịu, nhưng vì sở thích của mẹ, vì thể hiện sĩ diện và bộ mặt của gia đình nên cứ… mặc kệ.

Câu chuyện dưới đây từ nhà văn Lê Thanh Ngân, đồng thời là một bà mẹ hai con đang sống tại Hà Nội về vấn đề nói trên đang được nhiều người đồng tình và chia sẻ.

"Ánh mắt cầu cứu từ bé gái với chiếc quần jean cùng tiếng gào khóc khi bị mẹ nhuộm tóc" và câu hỏi của nữ nhà văn: Tại sao họ cứ phải bắt con chịu cảm giác đó? - Ảnh 1.

Nhà văn Lê Thanh Ngân.

Trong một lần đón Suboi ở trường, mình bắt gặp một bé gái học cùng lớp Boi đang lúi húi trong nhà vệ sinh vì không tài nào cởi được chiếc cúc quần jean bó sát mà em bé đang mặc. Thấy vậy, mình mới chạy vào hỗ trợ một tay. Sau một hồi loay hoay thì vấn đề cũng được giải quyết.

Theo lời kể của mẹ mình (khi đó là giáo viên của lớp), em bé là con của một gia đình có điều kiện khá giả, bố mẹ em bé đều là những người chơi hệ sành điệu bậc nhất trong nhóm những phụ huynh giàu có của trường. Ngày nào em bé cũng đến trường với những bộ trang phục được mix vô cùng chỉn chu, có khi cả hai tuần không thấy trùng lặp mẫu mã. 

Chỉ có điều, gu thời trang của mẹ bé thường ưu tiên cho những chiếc quần jean bó sát nên dù trông rất đẹp mắt nhưng lại khiến em bé thực sự rất khó chịu mỗi khi đến trường. Em bé không thể tự mình đi vệ sinh mà phải có sự hỗ trợ của cô giáo để cởi quần. Ngay cả trong lúc ngủ, bé cũng không thể yên giấc do chiếc quần bó sát gây cảm giác ngứa ngáy và nóng nực.

Lại có lần đi gội đầu ở tiệm, mình chứng kiến cảnh một bà mẹ đang ra sức dỗ dành một em bé mới chỉ khoảng 2 tuổi để bé chịu hợp tác ngồi yên cho cô chủ tiệm bôi thuốc nhuộm lên đầu. Nhưng càng dỗ dành, em bé càng gào khóc to hơn. Cuối cùng người mẹ phải chuyển sang chiến thuật quát tháo và cưỡng chế bằng cách ghì chặt em bé vào lòng. Thực sự, cảnh tượng đó khiến mình bị ám ảnh. Nhìn bé khóc giãy nảy lên đến bản thân mình không phải là mẹ mà còn xót hết ruột gan, mình mới bảo:

- Ôi em ơi. Chị nghe nói hình như thuốc nhuộm không tốt cho trẻ con đâu. Có sợ em bé bị xót da đầu không em? Mình là người lớn mà mỗi lần nhuộm tóc còn sợ ấy.

"Ánh mắt cầu cứu từ bé gái với chiếc quần jean cùng tiếng gào khóc khi bị mẹ nhuộm tóc" và câu hỏi của nữ nhà văn: Tại sao họ cứ phải bắt con chịu cảm giác đó? - Ảnh 2.

"Tóc vàng nó mới tây. Để tóc đen trông quê bỏ xừ ra". (Anh minh họa)

Người mẹ nọ thấy mình bảo vậy liền phản ứng:

- Ôi giời, không sao đâu chị. Có một tí thôi ấy mà. Bôi thuốc vẫn cách chân tóc 1cm, có chạm vào da đầu đâu. Nó khóc là do nó ăn vạ thế đấy. Con em, em hiểu hơn chị.

Nói đoạn bạn ấy quay sang quát con to hơn:

- Ngồi yên nào. Nhuộm cho cái tóc cho xinh không sướng thì thôi còn ăn vạ gì! Tóc vàng nó mới tây. Để tóc đen trông quê bỏ xừ ra.

Nghe bạn ấy nói vậy thì thực sự mình cứng họng không dám đáp lại thêm lời nào. Chỉ lẳng lặng nằm nhắm mắt giả như không nhìn thấy. Cũng từ hai sự việc đó, mình cứ nghĩ mãi về những bậc phụ huynh kia. Về cách mà họ thể hiện tình yêu với con mình.

Tình yêu kiểu như vậy, liệu có đáng sợ quá không?

Nhà văn Lê Thanh Ngân

Trẻ con vốn dĩ không mấy quan tâm đến những bộ trang phục chúng mặc, đôi giày chúng đi, kiểu tóc chúng buộc. Tất cả những gì mà chúng cần là một bộ trang phục ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và phải đảm bảo tiêu chí thoải mái.

Điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ khi đến trường là gì? Là học cách tự lập, học cách hoà mình vào tập thể, học cách thích nghi với môi trường có tính kỷ luật, học và khám phá những điều mới lạ ngoài phạm vi gia đình. Tự lập, vận động, khám phá ấy mới chính là những gì mà một đứa trẻ cần khi đến trường chứ không phải một bộ trang phục thời trang rườm rà, bó sát đến nỗi chỉ ngồi không cũng thấy mệt mỏi và khó chịu.

"Ánh mắt cầu cứu từ bé gái với chiếc quần jean cùng tiếng gào khóc khi bị mẹ nhuộm tóc" và câu hỏi của nữ nhà văn: Tại sao họ cứ phải bắt con chịu cảm giác đó? - Ảnh 4.

Ánh mắt cầu cứu của bé gái trong nhà vệ sinh với chiếc quần jean và tiếng gào khóc của em bé khi bị mẹ cưỡng chế nhuộm tóc thực sự khiến mình không thể quên được.

Một chiếc quần jean bó sát, một mái tóc xoăn vàng... chỉ thoả mãn được con mắt của cha mẹ nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì với đứa con bé bỏng của họ. Thậm chí, nó còn khiến chúng khó chịu, đau đớn và sợ hãi.

Vậy thì tại sao họ cứ nhất định phải bắt con cái chịu cảm giác đó? Để nhận được những lời khen tặng của người khác ư? Nếu những lời khen có giá trị tới như vậy thì sẽ ra sao nếu con cái họ không xinh xắn, giỏi giang như sự kỳ vọng của cha mẹ nó?

Một bộ quần áo dù không được thời trang, không làm đẹp lòng cha mẹ nhưng em bé có thể tự mình đi vệ sinh tại lớp, chạy nhảy nô đùa thoải mái mà không khó chịu, ngủ một giấc thông trưa ngon lành chẳng còn ngứa ngáy. Như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao?

Các cha mẹ à, làm cha mẹ thực sự là một việc rất khó. Khó ở chỗ chúng ta dù là người sinh ra con, nhưng lại không thể sống hộ con. Mang con đến cuộc đời nhưng lại không được sở hữu con. Bởi vậy, nếu thực sự muốn tốt cho con trẻ, hãy làm cho chúng những gì mà chúng cần chứ không phải những gì mà bố mẹ cần.

"Ánh mắt cầu cứu từ bé gái với chiếc quần jean cùng tiếng gào khóc khi bị mẹ nhuộm tóc" và câu hỏi của nữ nhà văn: Tại sao họ cứ phải bắt con chịu cảm giác đó? - Ảnh 5.

 

Chia sẻ