Ăn mãi vẫn cứ thấy đói thì đó là tín hiệu sớm của 5 vấn đề có thể sinh bệnh, béo phì, chị em không thể xem thường
Đói vốn là dấu hiệu tự nhiên khi cơ thể bạn đang "đòi" thức ăn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó là tín hiệu bệnh mà không phải ai cũng biết.
Cảm giác đói bụng là một phản ứng tự nhiên, báo hiệu cho cơ thể biết là đã tới lúc cần nạp thêm năng lượng. Lúc này, dạ dày sẽ liên tục "kêu gào" và sôi lên cho đến khi bạn ăn no, nếu nhịn đói quá lâu còn khiến bạn trở nên cáu kỉnh và không thể tập trung làm bất cứ việc gì.
Dựa trên một số nghiên cứu, khoảng thời gian lý tưởng giữa các bữa ăn thường dao động trong khoảng 3 – 5 giờ. Thế nhưng vẫn có một số người, dù mới ăn cách đây không lâu nhưng lại thấy đói bụng ngay lập tức. Nhưng đáng sợ hơn là bạn sẽ có xu hướng tăng cân, nhất là mắc bệnh nếu ăn nhiều mỗi khi thấy đói như vậy.
Theo các chuyên gia, đừng tưởng thấy đói bụng liên tục là bình thường, bởi đó là dấu hiệu ban đầu của một số tác nhân gây bệnh. Nếu chị em đang mắc phải thì cần phải đi khám ngay, cụ thể là 5 vấn đề sau:
1. Đói liên tục do ngủ không đủ giấc
Trong nhịp sống quay cuồng như ngày nay, hầu như rất nhiều người phải rơi vào tình trạng thiếu ngủ vì quá bận rộn. Từ công việc cho đến chuyện riêng tư, nhà cửa, con cái, ăn uống… đều chiếm hầu hết thời gian khiến bạn phải rút ngắn thời gian ngủ. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên cảm giác đói liên tục.
Theo Laura Dilz – chuyên gia dinh dưỡng tại trang sức khỏe Lime&Green chia sẻ, mất ngủ chính là nguyên nhân làm giảm hormone leptin chịu trách nhiệm "thông báo" lên bộ não rằng bạn đã no. Chưa kể nó cũng làm tăng ghrelin – một hormone có vai trò làm tăng cảm giác thèm ăn và cơn đói bụng.
"Khi một người ngủ không đủ giấc, cơ thể họ thường không nhận biết được khi nào no nên có xu hướng ăn nhiều hơn. Thiếu ngủ cũng góp phần gia tăng các loại bệnh tim mạch, bệnh mất trí Alzheimer và béo phì" – Laura nhận định.
Để thoát khỏi vấn đề này thì không còn cách gì khác là phải ngủ đủ. Mỗi đêm cần ngủ 7 – 8 tiếng để quá trình trao đổi chất diễn ra đúng quy tình.
2. Do bạn ăn quá nhiều calo rỗng
Calo rỗng là cụm từ ám chỉ những thực phẩm không cung cấp năng lượng, chỉ có mỗi hàm lượng calo cao. Việc thỉnh thoảng ăn các món này vẫn có lợi cho sức khỏe, nhưng nếu ăn nhiều thì dễ gây tăng cân, béo phì và làm bạn ăn mãi không thấy no.
Lấy ví dụ, những thực phẩm chứa calo rỗng như khoai tây chiên, xúc xích, bánh kẹo… luôn khiến bạn ăn liên tục mà vẫn không thấy thỏa mãn. Thành phần của chúng không chứa chất dinh dưỡng hỗ trợ cảm giác no. Chưa kể chúng còn làm cơ thể tích tụ mỡ thừa và gây nên nhiều bệnh về tim mạch.
"Bạn không cần phải ăn ít hơn để giảm cân, chỉ cần biết thông minh lựa chọn những thực phẩm ít calo nhưng giàu năng lượng là được. Nhất định phải tránh xa các món có calo rỗng" – Ilana Muhlstein, chuyên gia sức khỏe tại 2Bmindset cho hay.
3. Do cơ thể đang phiền muộn, stress
Ít ai biết rằng, ăn uống là một biện pháp để cơ thể chống lại cảm giác căng thẳng. Nguyên nhân là do khi bạn stress, nó sẽ cản trở sản sinh hormone có lợi giúp làm dịu tâm trạng và thúc đẩy bản thân ăn nhiều món chứa tinh bột hơn. Nhưng oái oăm thay, những thực phẩm này lại khiến tình trạng căng thẳng kéo dài. Cuối cùng bạn sẽ không thể nào thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này.
Vậy nên một khi biết được "thủ phạm" là do stress, chị em cần thay đổi những món đầy dầu mỡ bằng rau xanh và trái cây. Hãy tạo cho mình một sở thích riêng để làm sau những giờ làm việc căng thẳng, nhất là phải nghỉ ngơi hợp lý cho cơ thể được thoải mái.
4. Do bạn uống không đủ nước
Tuy không phải là thuốc tiên nhưng nước lại có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Nước không chỉ giúp cơ thể sảng khoái mà còn tăng cường trao đổi chất, giúp mỡ thừa bị đốt cháy nhanh chóng. Nhưng khi uống không đủ nước, bạn sẽ nhầm lẫn giữa cơn khát và cảm giác đói, cuối cùng khiến bạn luôn thấy đói và ăn nhiều hơn trong vô thức.
Chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Summer Yule cũng cho hay, một trong những dấu hiệu cho thấy cơ thể bị thiếu nước là nước tiểu màu vàng đậm. Nếu không muốn mập lên và mắc bệnh, phụ nữ cần phải uống đủ 6 – 8 cốc nước mỗi ngày và ăn thêm trái cây, rau quả để hấp thụ nước nhiều hơn.
5. Do tác dụng phụ của thuốc hoặc có vấn đề về sức khỏe
Một nguyên do khác khiến bạn thấy đói liên tục dù đã ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ chính là vì tác dụng phụ của thuốc. Theo bà Summer Yule, một số loại thuốc chống trầm cảm hay thuốc chứa corticosteroid đều có tác dụng phụ là tăng cảm giác thèm ăn. Vậy nên một khi mắc phải dấu hiệu này, bạn phải đến bác sĩ để tham khảo ý kiến và đưa ra phương án xử lý, tuyệt đối không tự ngưng dùng thuốc.
Bên cạnh đó, những cơn đói bụng dai dẳng cũng là tín hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường, hạ đường huyết và cao huyết áp. Trên thế giới cũng có một tình trạng bệnh hiếm gặp mang tên Prader-Willi, khiến con người mất nhận thức về tâm thần, ngôn ngữ và hành vi. Những ai mắc phải hội chứng này đều phải được giám sát, chăm sóc và điều trị suốt đời nên hãy cảnh giác.
Theo Sparkpeople, Healthline