Ăn dặm đúng giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm ở trẻ

,
Chia sẻ

Để bé ăn dặm đúng cách và hiệu quả, cha mẹ cần lắng nghe lời những lời khuyên sau đây của các chuyên gia.

Khi nào nên bắt đầu cho bé ăn dặm?

Việc cho bé ăn dặm nên bắt đầu khi bé được khoảng 5 – 6 tháng tuổi khi bạn cảm thấy bé có những dấu hiệu cần ăn thêm bột ngoài sữa bộ hay sữa mẹ.

Những biểu hiện cho thấy bé cần được ăn dặm là bé thường xuyên thức giấc vào ban đêm  hoặc có biểu hiện bú nhiều hơn so với bình thường, thì đây là thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm.

Việc cho bé ăn dặm ở tháng thứ 6 tháng sẽ giúp thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới dị ứng thực phẩm.

Bạn càng cần phải thận trọng hơn nếu trước đó trong gia đình bạn có tiền sử dị ứng. Những phản ứng của cơ thể với thực phẩm, dị ứng và các bệnh trong phủ tạng sẽ giảm nếu bạn duy trì việc cho con bú mẹ tới khi bé hết 6 tháng tuổi.

Nếu bé có những biểu hiện muốn được ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi thì bạn nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên khoa đã.

Bạn cần lưu ý rằng những loại thực phẩm cần tránh nếu trẻ ăn dặm trước 6 tháng là: chất gluten, trứng, phô mai, các sản phẩm làm từ sữa, cá và các loài nhuyễn thể.
 
Biểu hiện nào cho thấy bé sẵn sàng ăn dặm?

Nếu bé có những biểu hiện sau đây thì chứng tỏ bé đã sẵn sàng ăn dặm:

- Có thể ngồi vững mà không cần đỡ

- Có thể tự cất cổ mà không cần đỡ

-Trọng lượng cơ thể tăng gấp đôi so với khi bé mới sinh ra

-Thường xuyên thức dậy vào ban đêm

-Bú nhiều hơn so với bình thường

- Biết nhai chóp chép: Bé nhà bạn có thể di chuyển thức ăn trong miệng cũng như biết nuốt. Ở thời điểm 6 tháng tuổi, bé cũng có thể đã mọc 1 – 2 răng.

- Háu ăn. Bé nhìn chằm chằm vào các món bạn ăn không rời mắt và luôn cố gắng để bốc thức ăn rồi cho vào miệng.

Tập cho bé ăn dặm như thế nào?

Thực phẩm để tập ăn cần đơn giản, dễ làm. Bạn đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng vội vì điều quan trọng lúc này là tập cách ăn, giúp bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới và ăn bằng thìa thay vì bú mút. Các thức ăn đầu tiên có thể là:

- Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng thìa.

- Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn, trộn với vài thìa sữa mẹ hoặc loại sữa bò bé đang bú.

- Một thìa bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước ấm hoặc sữa, 1 thìa nước cơm hòa với sữa.

- Tán nhuyễn vài thìa bí đỏ, bí xanh.

Ǎn dặm bao nhiêu là đủ?

- Trẻ 4-6 tháng: Lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa vài thìa (tăng dần) và cho bú thêm ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng, có thể tăng thêm 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng nửa bát. Các cữ sữa vẫn phải duy trì đủ theo yêu cầu của bé.

- Từ 6 đến 9 tháng: Ăn bột 2 bữa/ngày, mỗi bữa khoảng 1/2-2/3 bát với đủ 4 nhóm thực phẩm. Vẫn cho bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.

- Từ 9 đến 12 tháng: Ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng 2/3 bát mỗi bữa. Ǎn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như pho mát, bánh flan, rau câu, tào phớ đường. Sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày của bé.

Nói chung, lượng ăn của mỗi bé khác nhau tùy theo khả năng tiêu hóa, hấp thu. Có trẻ ăn nhiều hơn bú, cũng có trẻ bú nhiều hơn ăn. Vì vậy, bạn cũng phải uyển chuyển một chút. Điều quan trọng là bé đủ no và tăng trưởng tốt.

Nên tránh cho bé ăn những thực phẩm nào?

Một số loại thức ăn bạn không nên cho bé ăn trong năm đầu tiên. Các sản phẩm đó bao gồm: bơ đậu phộng, lòng trắng trứng, sữa tươi hoặc lúa mì, vì tất cả những thực phẩm đó có thể khiến bé dị ứng nếu như cho bé ăn quá sớm. Bạn càng phải đặc biệt chú ý nếu như bé bị dị ứng với loại thức ăn nào đó hoặc gia đình có tiền sử bị dị ứng thức ăn.

Các thức ăn như mật ong, trứng gà cũng không nên cho bé dưới 12 tháng tuổi ăn bởi vì bé có thể bị ngộ độc thức ăn.

Có nên cai sữa cho bé khi bắt đầu giai đoạn ăn dặm?

Các chuyên gia khuyên bạn thời điểm tốt nhất nên cai sữa cho bé là khoảng 12 – 18 tháng. Chính vì thế, khi bé mới bắt đầu ăn dặm ( bé khoáng 6 tháng tuổi) thì hoàn toàn không nên cai sữa cho trẻ.

Hơn thế trong giai đoạn tháng thứ 6 thì sữa mẹ vẫn được xem là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo dành cho bé yêu.

Cũng xin nói thêm rằng, cai sữa quá sớm sẽ khiến trẻ phải đối mặt với những hệ lụy nguy hại về sau, ví dụ như suy dinh dưỡng, biếng ăn…

Khổng Hà

Chia sẻ