Ấm ức vay tiền mẹ đẻ nộp cho mẹ chồng

Tầm Xuân,
Chia sẻ

Chẳng lẽ từ giờ, tháng nào cô cũng phải về nhà vay tiền mẹ đẻ để đóng cho mẹ chồng ư?

Lan và Thành (Hoàng Mai, Hà Nội) là một đôi vợ chồng mới cưới. Hai vợ chồng trẻ đều làm công ăn lương nên thu nhập cũng chỉ gọi là tạm đủ chi trả cho những nhu cầu của cuộc sống.

Bố mẹ chồng cô đều có lương hưu, không cần phiền đến con cháu. Nhưng ngay ngày đầu tiên cô về làm dâu, mẹ chồng đã gọi 2 vợ chồng ra để giao hẹn: “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát - các cụ đã dạy rất đúng. Từ giờ các con đã là vợ chồng, là một gia đình riêng trong cái gia đình lớn này rồi. Mẹ cũng nói thẳng luôn, 2 đứa từ mai đóng tiền ăn cho mẹ hàng tháng để mẹ đi chợ lo cơm nước!”.

Nghe mẹ chồng nói năng từ tốn lại có lí thế nên Lan cũng vui vẻ, còn thầm đồng tình với sự thẳng thắn của bà. Nhưng khi nghe bà nói ra con số tiền ăn mà vợ chồng cô phải đóng thì cô thật sự sốc.

Cô và Thành đi làm cả ngày, vị chi chỉ ăn ở nhà một bữa tối. Sáng ra bà đã tuyên bố là cả nhà thân ai người đấy tự túc rồi. Thế mà bà đề nghị mỗi người phải nộp 3 triệu, 2 vợ chồng là 6 triệu. Như vậy, vì tiền ăn sáng, ăn trưa 2 vợ chồng cô lại phải tự bỏ thêm ra, vô hình chung riêng tiền ăn không đã đội lên rất cao.

Tuy trong lòng đầy thắc mắc và ấm ức nhưng là dâu mới nên Lan đành im lặng không nói gì. Thành bên cạnh thì gật đầu không suy nghĩ.

Ấm ức vay tiền mẹ đẻ nộp cho mẹ chồng 1
Tháng nào Lan cũng luôn trong tình trạng thảm hại về tiền bạc (Ảnh minh họa).

Xong tiết mục tiền ăn, bà lại tiếp lời: “Mẹ chỉ có Thành là con trai duy nhất, các chị gái em gái nó đã lấy chồng theo chồng. Bố mẹ cả đời nuôi thằng Thành khôn lớn, lo cho học hành đàng hoàng, giờ có công ăn việc làm tử tế… Mà phận làm con cái thì phải có trách nhiệm báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ chứ, 2 đứa nói có phải không? Bố mẹ đang dành tiền đi du lịch châu Âu, mà lương hưu thì ăn tiêu thôi đã hết. Vậy mỗi tháng…”.

Bà nói lấp lửng, nhát gừng như vậy, Lan thừa hiểu ý mà muốn gì. Nhưng cô không biết lên tiếng ra sao vì còn đang méo mặt khi nghĩ tới quỹ lương eo hẹp của mình và chồng. Trong lúc ấy, Thành đã nhanh nhẩu: “Mẹ dạy chí phải! Mẹ không nói thì con và Lan cũng biết phải làm gì mà. Vậy đi, mỗi tháng ngoài tiền ăn thì chúng con sẽ biếu thêm bố mẹ một khoản gọi là cho bố mẹ an hưởng tuổi già!”.

Nghe con trai nói vậy, bà cười tươi đầy mãn nguyện, nhân tiện “hét giá” luôn. Con số bà đưa ra làm Lan sốc tập 2: 2 triệu/tháng. Nếu cứ chiếu theo đề nghị của bà thì sau khi đóng tiền 2 khoản đó cho bà xong, cô và Thành vừa hay nhẵn túi, đến tiền đổ xăng cũng chẳng còn.

Trước khi kết thúc câu chuyện bà còn nhấn mạnh: “Cứ đầu tháng 2 đứa liệu liệu đóng tiền cho mẹ, đừng để mẹ phải nhắc nhé!”.

Về phòng ngủ, Thành hồ hởi bảo Lan: “Tiền lương của anh, ngoại trừ giữ lại ăn sáng ăn trưa và tiêu vặt, còn lại anh sẽ đưa hết cho em chi tiêu. Em cố gắng tính toán, tiết kiệm để có khoản để dành nhé! Anh tin tưởng em đó!”.

Lan nghe chồng nói thế mà toát mồ hôi hột. Anh nói nghe thì hay lắm, tin tưởng vợ lắm nhưng sao Thành không thử một lần nhìn vào tổng số lương 2 người có mà nghĩ? Nhưng nghĩ là nghĩ vậy, 2 người vừa cưới được mấy ngày, cô chẳng muốn vì tiền mà mâu thuẫn. Hơn nữa, khoản đóng góp cao đó chồng đã vui vẻ chấp nhận. Cô ý kiến ý cò, anh lại nghĩ cô tính toán, keo kiệt với cả chính mẹ chồng thì phiền!

Từ tháng đó, tháng nào Lan cũng luôn trong tình trạng thảm hại về tiền bạc. Lương của Thành trừ đầu trừ đuôi đi, đưa lại cho cô đã chẳng còn bao nhiêu. Thế mà có tháng anh còn bớt xén để đi nhậu, mua đồ… đủ thứ phát sinh.

Cô cũng vậy, cuộc sống còn bao nhiêu thứ cần tiêu chứ nào có phải mỗi ăn uống. Vậy là lương 2 người chẳng đủ để nộp cho mẹ chồng, nói chi đến tích lũy. Lần nào mà cô chẳng phải rút trong số tiền tiết kiệm mẹ cho cô làm của hồi môn khi về nhà chồng để bù vào (Khi về nhà Thành, bố mẹ chồng không cho vợ chồng cô xu nào, kể cả tiền mừng cưới. Thành cũng chẳng có tiền để dành).

Mọi chuyện cứ êm ru như thế, bố mẹ chồng sung sướng lắm vì con cái có hiếu, nộp tiền đầy đủ theo yêu cầu mà không cần biết lương chúng nó được bao nhiêu. Nhưng khi quỹ riêng của Lan cạn kiệt thì cũng là lúc rạn nứt xuất hiện.

Bao nhiêu khoản chi tiêu, tiền thì hết mà sắp đến hạn nộp cho mẹ chồng rồi, Lan bèn than thở với Thành. Anh ngạc nhiên hỏi: “Tiền anh giao cho em quản lí hết mà, sao giờ lại hỏi anh?”.

Lan than nghèo kể khổ những khó khăn mà cô phải co kéo trong thời gian qua thì Thành thản nhiên: “Phụ nữ thì phải biết vun vén! Em không làm được thì là em kém. Người ta khó tới đâu cũng khéo co cho ấm được. Em còn sướng đấy vì anh đưa lương về cho em, chứ đầy thằng nó không đưa lương cho thì vợ cũng phải chịu!”.

Lan lại chẳng dám phàn nàn với chồng nữa, đành dày mặt đến “khất” mẹ chồng. Khi nghe cô ấp úng trình bày hoàn cảnh, mẹ chồng Lan tối sầm mặt lại. Bà nhìn cô một cái khiến Lan thót tim rồi bỏ đi không thèm nói một lời với cô.

Hôm sau, Lan hỏi vay tiền vài cô bạn nhưng chúng nó toàn giao hẹn 1 tuần phải trả, đứa thì đòi 3 - 5 ngày. Lan dở khóc dở cười. Cô hiểu đứa nào cũng khó khăn, cho cô vay tiền được như vậy là tốt lắm rồi. Nhưng lúc đó cô chưa lĩnh lương, lấy đâu mà trả.

Cực chẳng đã, Lan đành vác mặt về vay mẹ đẻ. Nói vay cho oai chứ thực ra mẹ cô cũng chẳng hy vọng con gái trả lại. Ông bà có lương hưu, không bao giờ đòi con gái đóng góp, biếu xén gì, còn cho thêm là đằng khác.

Tháng này muộn 5 ngày, mẹ châm trước. Nhưng từ tháng sau đừng để tình trạng này xảy ra nữa đấy!” - Lúc cầm tiền Lan đưa, mẹ chồng cô buông một câu đầy nghiêm khắc rồi cất vội tiền đi.

Lan đau đớn nghĩ, giờ tiền để dành đã hết, tiền lương thì chỉ có bấy nhiêu không tăng đồng nào. Chẳng lẽ từ giờ, tháng nào cô cũng phải về nhà vay tiền mẹ đẻ để đóng cho mẹ chồng ư?



Chia sẻ