Ai cũng ôm khát vọng về miền đất hứa, nhưng có khi chưa kịp chạm chân đã phát hiện “thiên đường” chỉ là tên một nhà nghỉ ven đường

Phong Linh,
Chia sẻ

Đặt chân đến miền đất hứa là khát vọng của bất cứ ai, nhưng nó luôn kèm theo một cái giá, mà không phải ai cũng có đủ sức để trả.

Ai cũng có một miền đất hứa để mộng mơ

Ai cũng có một miền đất hứa của riêng mình. Có người vùng đất hứa là nơi đô thị với những cao ốc lung linh đèn hoa, ngập tràn những thương hiệu đắt đỏ và vô số cơ hội làm giàu. Nhưng vùng đất hứa của người khác có thể chỉ là nơi thiên nhiên hoang sơ, những cánh rừng tĩnh lặng và muông thú hiền hòa. Đó là nơi mà mọi thứ đều an lành, nơi mà mỗi ngày trôi qua người ta luôn được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Với mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và xã hội hiện đại, việc xây dựng, phát triển đất nước mình trở thành “miền đất hứa”, là nơi hoàn hảo để sinh sống và lập nghiệp cho mọi người, bao gồm cả những người di cư, luôn được xem là đích đến cuối cùng. Nhưng có một điều kỳ lạ, là miền đất hứa thường gắn với những cuộc thiên di. Hiếm ai, ngay từ đầu chọn chính quê hương là miền đất hứa của mình. 

Bản năng tò mò và khát vọng khám phá của con người thường gợi ý (ngầm) với họ về những miền đất hứa xa xôi, nơi họ “dễ sống”, có cơ hội thành công và hạnh phúc hơn là quê nhà. Đất hứa của dân tỉnh lẻ có thể là những thành phố lớn sôi động như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, đất hứa của những người thành phố có thể là Anh, là Mỹ, Canada, Phần Lan, Thụy Sĩ, đất hứa của những người muốn ẩn cư là dãy Himalaya, là Tây Tạng…

Ai cũng ôm khát vọng về miền đất hứa, nhưng có khi chưa kịp chạm chân đã phát hiện “thiên đường” chỉ là tên một nhà nghỉ ven đường  - Ảnh 1.

Những người trẻ ở tỉnh lẻ, nhất là những người xa lạ với công việc đồng áng có xu hướng thích lên thành phố kiếm ăn, vì tin rằng "giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố". Thành phố giống như một cứu cánh, một nơi sáng sủa, vui vẻ, náo nhiệt và dễ kiếm tiền. Ở nhiều vùng quê, người ta cũng đua nhau đi xuất khẩu lao động. Có những làng châu Âu, làng Đài Loan, những mái nhà 4 - 5 tầng thi nhau mọc lên, những ngôi mộ tổ hoành tráng được xây dựng để chứng minh cho sự khấm khá của những người đi đến miền đất hứa. Nghe nói, có những người đã bỏ cả tỷ đồng cho chuyến phiêu lưu xuất ngoại, tìm môi trường sống mới như thế.

Cũng có nhiều người sống ở thành phố lâu, tiếp cận với thế giới nhiều ôm khát vọng trở thành công dân toàn cầu. Vùng đất hứa của họ là một chốn họ được phát huy tối đa năng lực, được khẳng định bản thân, con cái họ có môi trường học tập tốt nhất.

Vươn đến những nơi (tin là) tốt đẹp và có nhiều cơ hội hơn, đó là khát vọng lành mạnh của tất cả mọi người. Nó thúc đẩy những dòng chảy di cư nội bộ tại một đất nước và những dòng chảy di dân, tị nạn trên thế giới. Nó khiến những “thế giới” va chạm nhau, và trong xu hướng toàn cầu hóa công dân, nó tạo nên sự sôi động, giao thoa văn hóa và kinh tế mạnh mẽ ở thời đại này. 

Việc những người Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ đạt được thành công ở Mỹ, trở thành nguồn lao động ở Anh, ở Nhật Bản hay sự hình thành tự nhiên những khu phố Hàn Quốc, khu phố Tây ở Việt Nam không còn là chuyện lạ lẫm, và nơi ai đó ra đi để tìm chân trời mới lại là vùng đất hứa khiến ai khác hài lòng cũng bình thường nốt, miễn là người ta còn cảm thấy ổn với lựa chọn của mình.

Đôi khi, “thiên đường” chỉ là tên một nhà nghỉ ven đường 

Ai cũng cần có một miền đất hứa để mơ nhưng nhỡ đâu, "thiên đường" chỉ là tên một motel ven đường với bảng hiệu bắt mắt?

Xuất khẩu lao động, tìm cơ hội làm việc là điều rất bình thường ở bất cứ đâu, nơi con người khao khát có cuộc sống hạnh phúc và sung túc hơn - ngoài vòng luẩn quẩn ở quê nhà, nhưng câu chuyện là, người ta tuyệt vọng - hy vọng đến mức nào, sẵn sàng trả cái giá nào để có tấm vé đến miền đất hứa?

Gia đình anh Minh, chị Hoài, hồi ở Sài Gòn là những người sung túc và có địa vị, vợ là doanh nhân, chồng là bác sĩ, hạnh phúc với gia đình nhỏ, nhưng vẫn bỏ hết đi Úc sống, vì với họ, đó là nơi bình yên, không bon chen. Họ cũng chênh vênh một thời gian, vật vã để bắt đầu lại với những công việc mới, giờ đã mua được nhà, có một mảnh vườn xinh nhiều rau trái, nhưng cũng phải đánh đổi chút đỉnh. Bàn tay quen dùng dao mổ của bác sĩ phẫu thuật, nay đã trở thành bàn tay làm mộc, làm vườn; công ty, thương hiệu hàng chục năm chăm chút của chị vợ đành giao lại cho người khác; và tạm biệt những cuối tuần tụ tập nội ngoại hay hội bạn thân... 

Nhưng ít ra họ còn hạnh phúc và có thành công mới, trong khi nhiều người không được thế. Như Đức, chàng trai 20 tuổi, quê Hưng Yên, vừa bị trục xuất về sau 2 năm đi Nhật diện du học sinh chẳng hạn. Gọi thế cho oai với làng xóm, chứ thực ra, Đức đi xuất khẩu lao động trá hình, lách luật để làm thêm gấp đôi, gấp ba giờ quy định của nước sở tại, hòng kiếm tiền hồi lại món nợ bố mẹ vay để cho Đức tìm miền đất hứa. Đức bảo, bạn bè cậu đầy đứa làm chui, cứ lẩn trốn cảnh sát thôi, làm được ngày nào hay ngày đó, để có tiền mà trả nợ, có vốn lận lưng chứ.

Cũng có những trường hợp tìm được miền đất hứa của mình bằng con đường hợp pháp và vinh hoa, như được cấp học bổng du học chẳng hạn; nhưng không muốn bị gửi về nhà sau vài năm, họ tìm cách "ăn gian", câu thêm thời gian cư trú để kéo dài thời hạn để tìm đường trở thành công dân hạng 1 của nước sở tại.

Ai cũng ôm khát vọng về miền đất hứa, nhưng có khi chưa kịp chạm chân đã phát hiện “thiên đường” chỉ là tên một nhà nghỉ ven đường  - Ảnh 2.

Mà chẳng cứ người Việt, ở các nước đang phát triển khác, nhiều người cũng đang mơ mộng về miền đất hứa như thế. Họ bằng nhiều cách ôm hy vọng là cứ nhắm mắt vào chịu đựng rồi mở mắt ra đã đến thiên đường.

Nhưng sự thật là, dù đi theo con đường nào, hợp pháp hay bất hợp pháp, những người đi tìm miền đất hứa ở nước ngoài phải tìm kiếm công việc, cạnh tranh với người bản địa và những người di dân khác để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, trả nợ... Nếu không có giấy tờ hợp pháp, họ thường không thể tìm kiếm được các công việc chính thức, không được pháp luật bảo vệ và có thu nhập ổn định, không thể tiếp cận với các dịch vụ cơ bản trong đời sống, từ chăm sóc sức khỏe cho tới nhà ở. Thay vào đó, họ phải làm các công việc nặng nhọc, bất hợp pháp, có thể bị chủ sử dụng lao động bóc lột, trả công một cách rẻ mạt... và có thể bị trục xuất, bắt giữ bất cứ lúc nào. 

Đích đến cuối cùng của họ, dù hợp pháp hay không, vẫn là sự đổi đời. Họ hy vọng sẽ được đổi cho một cuộc đời khác tốt đẹp hơn thứ họ đang có ở quê hương. Đó có thể là một cuộc đời thênh thang xe cộ, một cuộc đời nhà cao cửa rộng, một cuộc đời thảnh thơi dung dị, nhưng có thể lắm, đó là một cuộc đời chìm sâu trong ánh đèn các căn hầm trồng cần sa, một cuộc đời quần quật nô lệ trên tàu biển, một cuộc đời cong lưng ở những công trường nguy hiểm, một cuộc đời không phân biệt khóc cười nơi nhà thổ tối ám.

Nhưng ngay cả bám trụ ở những miền đất hứa nội địa cũng không hẳn là dễ thở hơn. Nhiều người cũng đang chật vật để sống ở thành thị bằng mọi giá. Cái giá để chạm tay đến miền đất hứa có thể là áp lực phải thành công, là chật vật với tiền thuê nhà, làm việc điên cuồng, nai lưng trả góp tiền chung cư, để bố mẹ già ở quê nhà nhớ con mong cháu, là hy sinh cả tuổi trẻ để chuẩn bị cho con mình một cuộc đời khá hơn. Kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng mức chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ hơn, áp lực cạnh tranh lớn hơn, là vật lộn với tắc đường, ngột ngạt để đi làm, là xoay xở khó khăn để có hộ khẩu, để xin học trường tốt cho con...

Dù cho miền đất hứa họ đã chọn không hoàn hảo như họ kỳ vọng, và việc chạm đến nó phải trả giá bằng những giọt nước mắt rơi thầm, những cơn stress triền miên, ai cũng phải kiên cường mà sống tiếp.

Đâu cũng có thể là miền đất hứa, nếu người ta đủ yêu thương

Những áp lực đè nặng lên vai người đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền trả nợ, làm giàu, những cái chết của người tị nạn hay những phận người được tìm thấy trong những nông trại cần sa, những nhà thổ, công trường… ở châu Âu; sự bùng nổ dân số, nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường, tệ nạn ở nhiều thành phố lớn ở Việt Nam đã phần nào cho thấy sự khắc nghiệt của những miền đất hứa. 

Ai cũng muốn đi đến những chân trời mới, rồi ai sẽ ở lại và gắn bó với tận cùng mùi vị của đất đai, với những tàu cá và đảo nổi đảo chìm, với những cằn khô sỏi đá, với giấc mơ dựng cuộc đời trên đất đai quê hương? Nỗi hy vọng lớn của những người thiên di được tạo nên từ một tuyệt vọng lớn, từ sự sợ hãi không thể sống hạnh phúc và làm giàu từ quê hương. Nhưng may quá, vẫn còn những người ở lại, những người không bỏ chạy, không chọn cách kiếm tìm cơ hội từ một nơi xa, đối mặt với nguy nan, đối mặt với từng trắc trở đời sống, để đổi đời, để không dứt niềm lạc quan “còn da lông mọc, còn chồi lên cây”.

Đó là những người già cô đơn ở nhiều ngôi làng giàu lên nhờ xuất khẩu lao động. Đó là những người như Tuấn, một anh chàng nhiếp ảnh đã lăn lộn mãi ở Hà Nội với nghề nhiếp ảnh, có tài, nhưng không thể cạnh tranh nổi với hàng trăm người có tài khác. Tuấn về Hải Phòng, một vùng đất không được coi là hứa hẹn lắm nhưng cũng ít đối thủ để mở ảnh viện, và thành công rực rỡ. Đó là những người "sống giữa lòng thành phố nhưng mơ về thị trấn hoang", tìm cách sống vui ở những vùng xa. Đó là những Youtuber như Hùng, từ bỏ miền đất hứa của vạn người Hà Nội để khai phá miền đất hứa của riêng mình ở quê nhà Thái Nguyên, gây chú ý với kênh Youtube Ẩm thực mẹ làm.

Ai cũng ôm khát vọng về miền đất hứa, nhưng có khi chưa kịp chạm chân đã phát hiện “thiên đường” chỉ là tên một nhà nghỉ ven đường  - Ảnh 3.

Khó có thể so sánh cái giá phải trả của những người đi và những người ở; khó có thể nói ai sung sướng, hạnh phúc hơn ai, nhưng ở đâu cũng thế cả thôi, dễ điều này lại khó điều khác, khổ chuyện này nhưng sướng chuyện kia. Chẳng có nơi đâu thực sự hoàn hảo và dễ dàng, bởi nếu thật vậy, người ta đã chẳng đau đáu việc ở hay đi.

Hẳn nhiên, những cuộc di cư sẽ tiếp tục diễn ra, như nó vốn phải thế, không chỉ là hành trình từ những nước đang phát triển sang các nước phát triển, mà có cả chiều hướng ngược lại. Dù là di dân hay tị nạn, dù là ở hay đi, bản chất của chúng có lẽ cũng không khác nhau, đó là người ta tìm một chốn mà ở đó người ta tin rằng mình có thể an cư lạc nghiệp, ở đó người ta thấy mình được trọng dụng, được hạnh phúc. 

Và có một sự thật, là dù sống ở đâu, nhiều cơ hội (đồng nghĩa nhiều cạnh tranh, áp lực, nhiều chi phí) hay ngặt nghèo, người ta giàu hay nghèo cũng là do chính bản thân mình, sự nỗ lực, cần cù và trí tuệ của mình. Chẳng có nơi đâu là miền đất hứa nếu ta không vươn lên, và nơi đâu cũng là miền đất hứa, nếu ta thực sự yêu xứ sở ấy đến tận cùng cốt lõi, để thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, vật vã vì những khó khăn, mất niềm tin vào cuộc đời, ta bắt tay vào dựng xây nó.

Chia sẻ