"Ai chống lại vắc-xin, đeo biển báo để tôi tránh xa!": Chỉ trích gay gắt của bà mẹ có con lây bệnh sởi được rất nhiều người đồng tình

Nthuy,
Chia sẻ

Lời lẽ đanh thiếp thể hiện sự bức xúc cao độ của một người mẹ khi con gái 8 tháng tuổi lây bệnh sởi mà chưa kịp tiêm ngừa.

Bé Shira Goldschmidt ở Israel, mới 8 tháng nên chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin ngừa sởi (vắc-xin sởi chỉ tiêm cho các bé được ít nhất 1 tuổi).

Tháng 12 năm 2018, bé Shira bị chảy nước mũi rồi sốt tới 40 độ C. Mẹ cô bé, Fainy Sukenik, vội vã đưa con tới gặp bác sĩ nhi. Bác sĩ kết luận, Shira chỉ bị nhiễm virus thôi và bệnh sẽ chóng khỏi.

Nhưng chưa đầy 1 tuần sau, các đốm đỏ bắt đầu xuất hiện khắp trên cơ thể nhỏ bé của Shira. Bố mẹ bé biết rằng, con gái mình đã bị nhiễm bệnh sởi.

Bé Shira Goldschmidt ở Israel, mới 8 tháng nên chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Cô bé Shira gặp khó khăn trong việc ăn uống, hít thở. Thậm chí, bé quá yếu không thể ngẩng đầu lên nổi. Do đó, bố mẹ Shira đã đưa con gái tới phòng cấp cứu. Bác sĩ lập tức cho bé nhập viện để điều trị trong phòng cách ly. Hiện vẫn chưa rõ Shira nhiễm virus sởi như thế nào nhưng rất có thể, bé bị lây từ một người khác.

Bà mẹ 4 con cho biết, cô vô cùng tức giận vì con gái chưa đủ tuổi để tiêm vắc-xin ngừa sởi, quai bị, rubella. Sukenik buộc tội những người phản đối tiêm vắc-xin đã góp phần gây nên sự hoành hành trở lại của đại dịch này tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bản thân 3 con đầu của Sukenik đều được tiêm phòng đầy đủ. Nhưng do bé Shira chưa được 1 tuổi - độ tuổi tối thiểu trẻ em được tiêm mũi 3 trong 1 đầu tiên theo quy định tại phần lớn quốc gia, trong đó có Mỹ.

Sukenik bày tỏ với phóng viên CNN: "Không chỉ là các đốm ở một phần cơ thể. Chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi: trong miệng con, giữa các ngón tay, ngón chân. Tôi là một người mẹ đã có nhiều kinh nghiệm chăm con. Vậy mà tôi chưa từng chứng kiến một thứ gì tương tự như thế xảy ra với con mình".

Ai chống lại vắc-xin, đeo biển báo để tôi tránh xa!:  Chỉ trích gay gắt của bà mẹ có con lây bệnh sởi được rất nhiều người đồng tình - Ảnh 2.

Sukenik buộc tội những người phản đối tiêm vắc-xin đã góp phần gây nên sự hoành hành trở lại của đại dịch này tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở cả Israel và Mỹ, sởi – căn bệnh có độ lây nhiễm cao – đã lan rộng trong cộng đồng những người không tiêm vắc-xin hay sống tại những bang cho phép miễn tiêm vắc-xin vì lý do không liên quan tới y tế.

"Tôi vô cùng tức giận và bức xúc", Sukenik nhấn mạnh. "Trên Facebook của mình, tôi đã viết tâm thư gửi những người phản đối tiêm vắc-xin: 'Các người đang làm tổn thương con cái chúng tôi chỉ vì lựa chọn đó của các người".

Trong chia sẻ đăng trên Facebook tháng 12 năm ngoái, Sukenik còn viết: "Hãy cùng nói về quyền tự do lựa chọn ở đây, với những người tin rằng vắc-xin là quỷ dữ và là nguồn cơn của mọi tội ác. Hãy nhắc họ nhớ rằng, họ có quyền tin vào điều họ muốn. Nhưng có thể người khác phải trả giá để họ có thể hành động như mong muốn".

Sukenik gợi ý rằng, những người phản đối tiêm vắc-xin hoặc là sống cách ly với cộng đồng hoặc là đeo biển báo họ chưa tiêm vắc-xin lên người khi đi lại xung quanh. "Các bạn có thấy hổ thẹn khi mình không tiêm vắc-xin không? Không, chắc chắn các bạn không thấy xấu hổ rồi. Vậy nên, các bạn hãy đeo biển báo lên người, để tôi biết liệu có chọn cho các con tôi chơi cùng con các bạn hay không".

Những người phản đối tiêm vắc-xin hoặc là sống cách ly với cộng đồng hoặc là đeo biển báo họ chưa tiêm vắc-xin lên người khi đi lại xung quanh.

Ai chống lại vắc-xin, đeo biển báo để tôi tránh xa!:  Chỉ trích gay gắt của bà mẹ có con lây bệnh sởi được rất nhiều người đồng tình - Ảnh 4.

Hiện bé Shira đã bình phục, có thể đi lại bình thường.

Đợt dịch sởi nghiêm trọng thứ hai kể từ năm 2000

Đợt bùng phát sởi ở Mỹ bắt đầu từ năm ngoái, khi một đứa trẻ thuộc cộng đồng Do Thái đến từ New York chưa tiêm vắc-xin đã bị nhiễm bệnh trong một chuyến đi đến Israel. Bắt đầu từ đây, bệnh sởi lan truyền tới nhiều bang trên khắp nước Mỹ. Tháng trước, một người đàn ông được gọi là "Patient Zero" (Bệnh nhân số 0) đi từ Michigan đến New York và đã lây bệnh sởi cho ít nhất 43 người.

Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thông báo hồi tuần trước rằng, hiện có 555 ca mắc sởi được xác nhận ở 20 bang kể từ 1/1.

Mỹ tuyên bố "đã thanh toán" dịch sởi vào năm 2000. Nhưng kể từ đó, năm 2019 đang là năm có số lượng ca sởi cao thứ hai, sau năm 2014 với 667 ca sởi được phát hiện.

Khi một người mắc sởi ho, hắt hơi hay nói chuyện, những giọt nước mang mầm bệnh bắn vào không khí. Những người khác hít phải và sau đó lây bệnh.

Các triệu chứng biểu hiện trong 10-14 ngày sau khi bệnh nhân mắc sởi, bao gồm: sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban toàn thân.

Vắc-xin có tác dụng ngừa bệnh khoảng 97%. Nhưng những người chưa tiêm vắc-xin có tới 90% nguy cơ mắc sởi nếu họ hít thở không khí có virus – theo CDC.

Trên thực tế, cơ quan này cho biết, người chưa tiêm vắc-xin có thể mắc sởi khi bước vào một căn phòng mà người bị sởi vừa ở đó nhưng đã rời đi lâu nhất là từ 2 giờ trước.

Trở lại trường hợp bé Shira. Hiện bé đã bình phục, có thể đi lại bình thường. Nhưng các bác sĩ cho biết, cô bé có thể đối mặt với những biến chứng sau này.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, khoảng 10 năm sau khi một người bị sởi, họ có thể bị mắc một rối loạn thần kinh nguy hiểm tính mạng, có tên viêm não xơ hóa bán cấp tiến triển. "Nhiều năm nữa, tôi sẽ chưa thể nào sống yên ổn khi luôn thường trực nỗi lo sợ này", mẹ bé Shira thổ lộ.

Chia sẻ