8 bước cho con bú bình an toàn mẹ phải ghi nhớ

Mẹ Ong Bông,
Chia sẻ

Cho con bú bình tưởng chừng là một việc đơn giản và vô hại với trẻ, nhưng sự thật là trẻ có thể tử vong nếu không được bú bình đúng cách.

Nếu bạn dự định cho con bú bình thì không thể bỏ qua những lưu ý cụ thể về an toàn dưới đây. Hãy đảm bảo rằng, tất cả mọi người thay bạn cho bé bú những lúc bạn vắng nhà đều hiểu và nắm vững những điều này để bé không gặp những tai nạn đáng tiếc khi bú bình như sặc sữa và tử vong.

Mua bình và các phụ kiện đi kèm 

Bạn cần mua vài cái bình và núm vú, cũng như dụng cụ tiệt trùng. Không có bằng chứng nào về việc loại núm bình này thì tốt hơn loại khác, nhưng một vài bình sữa có hình dạng hoặc cấu trúc đặc biệt khiến chúng khó vệ sinh toàn diện hơn các loại khác. Bình sạch sẽ là cực kỳ quan trọng vì thế những bình sữa có thiết kế đơn giản, dễ rửa và tiệt trùng có thể là lựa chọn tốt nhất của bạn.
 
Chuẩn bị cho trẻ bú 

Hãy đảm bảo bạn đã tiệt trùng bình sữa và núm bình cẩn thận. Nếu bạn sử dụng sữa mẹ vắt ra, hãy lưu ý cần phải tiệt trùng cả dụng cụ vắt sữa và kiểm tra sữa không bị hỏng trước khi cho bé bú. Nếu bạn sử dụng sữa công thức, hãy lưu ý pha đúng hướng dẫn trên hộp sữa. Rửa tay sạch sẽ trước khi pha sữa và cho con bú


Mẹ đừng quên giao tiếp bằng ánh mắt với con khi cho con bú bình. (Ảnh minh họa)

Cho trẻ bú bình thế nào cho đúng

Hãy đảm bảo tư thế ngồi của bạn thật thoải mái. Bạn bế trẻ trong lòng theo tư thế dốc, để đầu trẻ luôn cao hơn so với phần cơ thể còn lại. Tuyệt đối không cho trẻ bú bình khi đang nằm dù nằm nghiêng hay nằm ngửa vì trẻ có thể bị nuốt vào quá nhiều hơi hoặc bị sặc sữa. 

Giữ đầu trẻ để trẻ có thể thở và mút sữa thoải mái. Quệt nhè nhẹ núm bình lên môi trẻ để trẻ tự giác há miệng và tự mút núm vú. Không nên nhét trực tiếp núm bình vào mồm bé khi bé chưa sẵn sàng. 

Không nên cho bú khi bé quấy khóc hoặc ngừng ngay nếu bé đang quấy khóc và vặn vẹo quá nhiều vì như thế bé có thể nuốt cả hơi trong khi bú gây trào ngược dạ dày. 

Luôn giữ cho núm vú đầy sữa trong khi trẻ bú bình
 
Khi cho trẻ bú bình, luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa, nếu không con bạn có thể sẽ nuốt phải hơi, khiến trẻ rất dễ bị nôn, trớ. Không nên để bình sữa nằm ngang, sẽ khiến núm vú không được đổ đầy sữa khiến trẻ bú phải hơi trong bình. Nếu núm vú bị bẹp trong khi con bú, hãy nhẹ nhàng chọc một ngón tay sạch vào góc miệng của bé để bé có thể bú tiếp được.   

Vỗ ợ hơi cho trẻ 

Đôi khi con cần dừng lại một chút trong khí bú và có thể cần được vỗ ợ hơi, đặc biệt nếu bạn thấy con đang bú mà trở nên khó chịu hay quấy khóc, hãy dừng cho trẻ  bú và vỗ ợ hơi cho con  trước khi tiếp tục cho con ăn. 

Khi con nhả núm vú ra và biểu hiện đã bú no, bế trẻ thẳng lưng, ngực áp vào một bên ngực của bố hoặc mẹ, mặt tựa vào hõm vai bố hoặc mẹ và nhẹ nhàng vỗ lưng để trẻ ợ hơi. Có thể con sẽ trớ ra một ít sữa, nếu con trớ ra quá nhiều hoặc nôn thành vòi rồng, hãy vệ sinh mũi và miệng cho trẻ thật sạch sẽ sau khi trẻ nôn xong. 

Không nên bắt trẻ tiếp tục bú sau khi  nôn, trớ xong trừ khi con có biểu hiện muốn bú thêm. Hãy kiểm tra xem lỗ ở trên núm bình có quá to hay không, sữa chảy vào miệng trẻ quá nhiều và quá nhanh cũng có thể gây ra nôn, trớ. 

Sau khi vỗ ợ hơi cho trẻ xong, hãy bế con thẳng lưng thêm một lúc nữa rồi mới đặt con xuống, cũng không đung đưa, rung lắc hay đùa giỡn với trẻ . Hãy đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao khoảng 15 phút trước khi cho bỏ gối ra và để con nằm các tư thế khác. 


Bú bình đúng cách sẽ giúp bé tận hưởng bữa ăn của mình vui vẻ hơn. (Ảnh minh họa)

Bỏ đi những phần sữa thừa 

Đừng quên bỏ đi những phần sữa thừa trong bình dù là sữa mẹ hay sữa công thức sau khi con đã bú xong.

Cho trẻ bú theo nhu cầu

Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu về năng lượng khác nhau nên các con cũng sẽ bú lượng sữa theo khác nhau.Cho trẻ bú khi trẻ đòi, không ép trẻ bú khi trẻ không muốn, không ép trẻ bú thêm khi trẻ biểu hiện đã no vì có thể khiến dạ dày của con quá tải, gây ra hiện tượng nôn trớ hoặc trào ngược dạ dày. 

Đừng để con lại một mình 

Không bao giờ được để con một mình nằm bú với một bình sữa dựng đứng vì nó có thể khiến trẻ bị sặc sữa. Sau khi cho con bú xong, hãy luôn để ý tới các biểu hiện của trẻ. 

Hãy tham gia một khóa học sơ cấp cứu cơ bản để biết bạn nên làm gì trong các trường hợp con bị sặc, hóc và ngừng thở tạm thời.
Chia sẻ