6 sàn thương mại điện tử khởi động hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang

Thu Trang,
Chia sẻ

Khách hàng được xem chương trình livestream do chính bà con nông dân Bắc Giang thực hiện tại vườn và được chọn mua hàng trực tiếp với cơ hội chốt đơn đặc biệt chỉ 16.000 đồng/kg.

Từ sáng nay (6/6), 6 sàn thương mại điện tử lớn là Sen đỏ, Vỏ sò, Tiki, Postmart, Lazada và Shopee khởi động chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” được quản lý bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Khách hàng được xem chương trình livestream do chính bà con nông dân Bắc Giang thực hiện tại vườn; được chọn mua hàng trực tiếp với cơ hội chốt đơn đặc biệt chỉ 16.000 đồng/kg.

Shopee tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ chi phí vận hành kho và vận chuyển sản phẩm, quyết tâm giao hàng ngay trong ngày cho người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM.

Sàn Tiki phối hợp tối đa với Tập đoàn Central Retail quảng bá trên tất cả các kênh Zalo-Facebook-Hotline Big C và triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu thụ tại các siêu thị. Tiki dự kiến xuất bán 100 tấn vải trong 4 ngày đầu và trích 5% giá trị đơn hàng, ủng hộ Bắc Giang phòng, chống dịch.

6 sàn thương mại điện tử khởi động hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang  - Ảnh 1.

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được bán trên Lazada.

Postmart thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam là thương hiệu khá quen thuộc với người tiêu dùng các sản phẩm nông sản, thực phẩm; cùng Lazada - một trong những sàn thương mại điện tử có lượng người truy cập mua sắm cao nhất tại Việt Nam cũng đang triển khai tích cực chương trình này.

Sàn Vỏ Sò thuộc Viettel đã có kinh nghiệm trong đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương, Sóc Trăng nên lần này sớm làm việc với các nhà vườn, các hợp tác xã tại các địa phương toàn tỉnh Bắc Giang, cập nhật thông tin, cho phép khách hàng lựa chọn nhận sản phẩm theo ngày và đặt đơn trước khi thu hoạch.

Sen đỏ không chỉ tham gia hỗ trợ giải bài toán đầu ra cho vải thiều Lục Ngạn - đặc sản Bắc Giang, với mục tiêu 100 tấn trong đợt bán đầu tiên, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Sàn thương mại điện tử Sen đỏ còn thông tin, gọi đây là cuộc chuyển giao "công nghệ bán hàng đặc biệt và thần tốc”.

Đợt mở bán này Sen đỏ học được nhiều kinh nghiệm hậu cần từ đợt bán vải thiều Thanh Hà cùng với logistics thuận lợi sẽ đưa nông sản lên sàn đảm bảo giữ độ tươi ngon nhất, giá tốt nhất.

“Một phần quan trọng và mới là Sen đỏ đưa công nghệ livestream đến với bà con trồng vải Bắc Giang để trực tiếp livesream bán hàng trên app và Facebook. Sen đỏ cũng làm việc chặt chẽ với tỉnh để xe đi ra - vào chở vải đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch. 

Về lâu dài, Sen đỏ coi đây là hoạt động thường xuyên kể cả khi dịch đã đi qua, từ đó tạo kênh bán hàng mới cho bà con nông dân, thúc đẩy nền nông nghiệp sạch, góp phần hỗ trợ và tôn vinh thương mại bền vững”, ông Dũng cho biết.

Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối chủ trì, điều phối hoạt động này. Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hóa truyền thống, giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố và xuất khẩu.

Các bên liên quan đã thống nhất triển khai phương án thu mua, bảo quản, vận chuyển logistics thương mại điện tử và chuẩn bị các hoạt động truyền thông, quảng bá, nhằm đáp ứng tốt nhất mọi đơn hàng, trên nguyên tắc đảm bảo giữ chất lượng tối đa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của Cục Xúc tiến Thương mại, tính từ ngày 14/5 đến nay, đã có khoảng 3 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được tiêu thụ trên Lazada. Con số này không lớn, nhưng đây là những trái vải đầu mùa, được bán với giá thành tốt. Riêng sàn thương mại Sendo trong ngày 24/5 vừa qua đã bán hết 6 tấn vải thiều chỉ sau một ngày.

Sử dụng và khai thác các nền tảng công nghệ để thông thương hàng hóa là một trong những hướng đi đang được quan tâm hiện nay. Bởi chúng ta không thể cứ mãi kêu gọi "giải cứu" nông sản, mà các bên cần bắt tay, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ để người nông dân không bị động, ngắt quãng mỗi khi có sự cố xảy ra./.

Chia sẻ