6 nghề căng thẳng nhưng vẫn lắm người... mê

Hoàng Anh (Theo Careerbuilder),
Chia sẻ

Có những người thích công việc nhàn hạ, an phận với mức lương làng nhàng miễn sao được nhàn thân. Nhưng cũng có những người lại đam mê những công việc căng thẳng, đòi hỏi sự tập trung cao độ.

Mỗi công việc đều đi kèm với những căng thẳng nhất định. Ngay cả những người thực sự yêu thích công việc của mình nhiều khi cũng không tránh khỏi những lúc stress vì áp lực. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, một công việc thực sự thì không thể thiếu yếu tố căng thẳng, điều quan trọng là bạn có dám đối diện hay không mà thôi. Sau đây là những nghề căng thẳng nhưng nhiều người vẫn muốn theo đuổi, với những lý do khác nhau:

1. Biên tập viên

Được đánh giá là một lĩnh vực tiềm năng trên thị trường lao động trong giai đoạn từ 2010-2020, nghề biên tập viên đòi hỏi sự cẩn thận, chi tiết nhưng cũng phải nhanh nhạy, tốc độ. Khi mà các phương tiện truyền thông trực tuyến phát triển, các công ty đa phần đều có trang web riêng, nhiều trang tin tức ra đời. Nghề biên tập viên càng được trọng dụng và áp lực đi kèm với khối lượng công việc cũng tăng theo.

6 nghề căng thẳng nhưng vẫn lắm người... mê 1
(Ảnh minh họa)

Phải làm việc với deadline chặt chẽ và chịu trách nhiệm cao về thông tin được công bố khiến đầu óc các biên tập viên luôn trong trạng thái căng như dây đàn. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một nghề giá trị bởi càng làm việc căng thẳng, người ta càng phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn. Hơn nữa, việc đem đến cho độc giả những bài viết có giá trị cũng là một điều được đánh giá cao. Theo các chuyên gia tư vấn, những người làm nghề biên tập viên nên ứng dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến, sử dụng các công cụ kỹ thuật số hỗ trợ và xây dựng hình ảnh bản thân trên mạng xã hội để tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường việc làm.

Mức lương bình quân của nghề này là 60.490 USD/năm (tương đương 1,3 tỷ đồng/năm)

2. Điều phối viên tổ chức sự kiện

Là một công việc hấp dẫn nhưng ai cũng phải công nhận rằng, đi kèm với vai trò hết sức quan trọng, những người làm nghề này phải chịu không ít áp lực và căng thẳng. Không chỉ xử lý hậu cần, thực hiện chương trình cho khách hàng, điều phối viên còn phải theo dõi sát sao mọi khâu tổ chức để chắc chắn không có gì sơ suất, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, sự kiện có thể xoay theo hướng khác. Đây là một trong 10 nghề được website tuyển dụng CareerCast đánh giá là căng thẳng nhất năm 2012.

6 nghề căng thẳng nhưng vẫn lắm người... mê 2
(Ảnh minh họa)

Dù vất vả nhưng vẫn nhiều người vẫn thích làm điều phối viên tổ chức sự kiện bởi họ luôn tìm thấy ở đó sự mới mẻ, sự thay đổi mỗi ngày, không bao giờ bị gò bò, lặp lại, không sự kiện nào giống sự kiện nào... Một điều thú vị nữa là công việc này đem lại cho bạn niềm hạnh phúc khi chinh phục được khách hàng, đem được giá trị, tầm nhìn của một người đến với nhiều người.

Mức lương bình quân của nghề này là 49.840 USD/năm (tương đương 1,05 tỷ đồng/năm).

3. Giám đốc PR&Marketing

Công việc của giám đốc PR&Marketing là làm thế nào để có được những khách hàng thuê bạn đứng ra xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đôi khi là giải quyết mọi rắc rối với báo chí. Như một phát ngôn viên của công ty, bạn có trách nhiệm như người đại diện trước mặt các khách hàng, giải đáp mọi thắc mắc của họ. Khi công ty đối mặt với khủng hoảng, bạn cũng là người phải đứng ra dập lửa.

6 nghề căng thẳng nhưng vẫn lắm người... mê 3
(Ảnh minh họa)

Vị trí này giúp bạn trải nghiệm nhiều điều thú vị, thỏa sức thể hiện sự sáng tạo và chứng kiến hiệu quả mà nó đem lại. Nếu bạn thích diễn thuyết trước công chúng, thích suy nghĩ tự lập trên đôi chân của mình, bạn sẽ thấy đây là một nghề thú vị.

Mức lương bình quân của nghề này là 105.690 USD/năm (tương đương 2,2 tỷ đồng/năm).

4. Kinh doanh bất động sản

Nền kinh tế ổn định giúp nghề kinh doanh bất động sản có nhiều công việc hơn. Khách hàng của bạn luôn kỳ vọng thiếu thực tế về nhà cửa, đất đai, có người thậm chí còn ảo tưởng bán ngôi nhà của mình với giá "khủng" để mua một ngôi nhà hoành tráng hơn trong khi giá cả thực tế không cho phép. Bạn sẽ dành thời gian, công sức để giúp khách hàng tìm được một ngôi nhà như mong muốn và hưởng tiền hoa hồng. Để đi đến thỏa thuận cuối cùng, bạn phải nỗ lực rất nhiều, nhiều lúc còn bị stress vì công việc không xuôi chèo mát mái. Đây là nghề khá phù hợp cho những ai thích hoạt động, không muốn ngồi một chỗ trong văn phòng.

6 nghề căng thẳng nhưng vẫn lắm người... mê 4
(Ảnh minh họa)

Mức lương bình quân của nghề này là 51.170 USD/năm (tương đương 1,07 tỷ đồng/năm).

5. Giáo viên trung học

Giáo viên trung học được coi là một trong những nghề căng thẳng nhất bởi họ phải dạy dỗ những thanh thiếu niên ở tuổi mới lớn, bướng bỉnh và thích quậy phá. Chưa kể, nhiều giáo viên còn phải đối diện với tình trạng quy mô lớp học lớn, tài chính thiếu thốn nên khó khăn càng thêm chồng chất. Họ cũng phải chịu trách nhiệm về thành tích học tập của học sinh, thậm chí nhiều khi còn hứng chịu thái độ thiếu tôn trọng từ phụ huynh khi con cái của họ gặp rắc rối. 

6 nghề căng thẳng nhưng vẫn lắm người... mê 5
(Ảnh minh họa)

Dù căng thẳng nhưng đây là công việc có giá trị, nhất là khi người giáo viên nhìn thấy học trò của mình đạt được thành tích cao.

Mức lương bình quân cho nghề này là 56.760 USD/năm (tương đương 1,2 tỷ đồng/năm)

6. Bác sĩ

Các bác sĩ phải chăm sóc sức khỏe cho vô số bệnh nhân mỗi ngày và căng thẳng là điều không thể tránh khỏi. Họ luôn bị áp lực với việc tìm phương pháp chữa bệnh cho các bệnh nhân, chưa kể nhiều khi còn có những sai sót xảy ra, họ bị bệnh nhân kiện tụng, người nhà bệnh nhân đe dọa... Tuy nhiên, đây vẫn là một nghề ý nghĩa với việc chữa bệnh, cứu người.

6 nghề căng thẳng nhưng vẫn lắm người... mê 6
(Ảnh minh họa)

Mức lương bình quân của nghề này là 91.250 US/năm (tương đương 1,9 tỷ đồng/năm).

Chia sẻ