5 câu ba mẹ nói lúc tức giận sẽ làm con tổn thương

Thảo Hương,
Chia sẻ

Trong lúc bực mình, bố mẹ có thể nói ra một số câu chỉ để hạ hỏa nhưng lại mang đến tác động xấu đối với tâm lý của trẻ.

Chăm sóc và giáo dục con là một hành trình rất dài, đầy gian nan và thử thách đối với bất kì bậc phụ huynh nào. Quá chiều chuộng hay quá nghiêm khắc đều không phải là cách tốt nhất để dạy con. Thay vào đó, nhiều người cho rằng bố mẹ cần phải vừa mềm dẻo, vừa kiên nhẫn nhưng đồng thời cũng răn dạy và nghiêm khắc đúng lúc.

Tâm hồn trẻ nhỏ cũng như một tờ giấy trắng, phụ thuộc phần nhiều vào cách giáo dục của cha mẹ. Dưới đây là những câu trong lúc tức giận, nhiều ba mẹ vô tình nói ra làm trẻ bị tổn thương.

1. Có mỗi việc như thế mà cũng không làm được

Sẽ ra sao nếu ai đó chỉ trích vì bạn không làm xong việc gì đó. Và với trẻ nhỏ, sự khiển trách của bố mẹ càng khiến con tổn thương hơn. Một vấn đề đối với người lớn là dễ, nhưng đối với con lại khó khăn biết bao nhiêu. Con cần thời gian, công sức, sự hướng dẫn của ba mẹ để hoàn thành xong một nhiệm vụ nào đó.

Câu nói này được rất nhiều ông bố, bà mẹ sử dụng để hạ hỏa, thỏa mãn sự tức giận của bản thân nhưng vô tình lại khiến con tổn thương. Dần dần con sẽ bắt chước, có xu hướng nhắc lại những câu nói như vậy với người khác, bạn bè lúc nào không hay. Con cái chính là tấm gương phản ảnh cách giáo dục của cha mẹ, bởi vậy hãy nói với con những lời yêu thương thôi nhé.

2. Lại tè dầm, không biết thế nào là xấu hổ à

Trẻ mầm non hay tiểu học vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng tè dầm. Lý do có thể bởi hệ bài tiết không tốt, con uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc bé mơ những giấc mơ khó kiểm soát. Lúc này, điều ba mẹ cần làm là chuẩn bị cho con một nơi ngủ thật thoải mái, có thể dễ dàng giặt đi nếu bé không may tè dầm.

Có những trường hợp, bố mẹ còn tiết lộ chuyện này cho các phụ huynh khác, bạn bè của con khiến bé cảm thấy xấu hổ. Làm như vậy cứ nghĩ là tốt nhưng thật ra lại đang làm trẻ bị tổn thương, khó chịu. Đôi khi, sự tinh tế của bố mẹ thể hiện qua những việc như thế này.

Những lời ba mẹ nói ra lúc tức giận vô tình làm tổn thương tâm hồn con cái - Ảnh 1.

3. Nói bao nhiêu lần rồi vẫn không hiểu

Trẻ rất hồn nhiên, vô tư, không suy nghĩ hay nhớ về một vấn đề nào đó quá nhiều trừ khi chúng được lặp đi lặp lại thường xuyên. Sẽ là bình thường nếu như con bạn hôm nay làm bài tập sai, nhưng ngày mai vẫn tiếp tục sai lỗi y hệt như vậy. Con cần một quá trình để ghi nhớ và không tái phạm nữa.

Thế nhưng nhiều bố mẹ kỳ vọng quá nhiều ở trẻ. Thấy con 1, 2 lần không làm được là tỏ thái độ khó chịu, cho rằng bé không chịu tiếp thu, không tập trung nghe lời bố mẹ nói. Kèm theo câu quát trên, có những phụ huynh còn dùng hành động như đánh vào tay, người con.

Làm như vậy cứ nghĩ rằng trẻ sẽ nhớ nhưng thực ra con chỉ đang sợ hãi. Sợ bị bố mẹ mắng, chửi nên đôi lúc dù không hiểu bài con vẫn không dám bày tỏ ý kiến. Về lâu về dài, con ngại chia sẻ những bài khó và cha mẹ sẽ sớm mất kết nối với trẻ.

4. Tưởng gì, có thế cũng khoe

Có một câu chuyện như thế này. Cậu bé học lớp 4, có tên là Minh. Minh vốn không hề thích môn Toán. Do học không giỏi nên điểm Toán của Minh rất thấp, lúc nào cũng loanh quanh 2, 3 điểm. Thấy con mình có kết quả học quá tệ, bố mẹ Minh rất thất vọng.

Những ngày sau đó, cậu bé quyết tâm cố gắng hơn. Và sau đó, cậu bé đã được 6 điểm Toán, một con số tuy không lớn nhưng nó chứng minh cho sự nỗ lực và phấn đầu không ngừng. Cô giáo và bạn bè rất đỗi ngạc nhiên, ai cũng mừng cho Minh. Cậu bé háo hức vô cùng, mang bài kiểm tra với tâm trạng hạnh phúc về khoe bố mẹ.

- Mẹ ơi hôm nay con được 6 điểm môn Toán đấy ạ.

- Tưởng gì, 6 điểm mà cũng khoe. Thằng Tú ngồi cạnh được mấy, lại 9 chứ gì.

Minh im lặng, không nói gì. Cậu bé trở về phòng và khóc nức nở, lập tức vò nát bài kiểm tra và ném vào thùng rác. Từ đó trở đi, Minh không bao giờ cố gắng nữa vì cậu biết điều bố mẹ cần không phải là thấy con cố gắng mà là thành tích như con nhà người ta.

5. Bố mẹ không còn yêu con đâu

Khi con làm gì đó sai, bố mẹ rất hay đem những lời dọa nạt ra để khiến bé phải sợ. Một trong số đó là câu "Bố mẹ không yêu con nữa nếu con cứ như thế này". Điều này làm cho bé hiểu tình yêu cha mẹ dành cho mình không hề vô điều kiện. Nó có điều kiện, đó là con phải ngoan, phải nghe lời, không được cãi...

Thế nhưng, cách dạy con đúng không phải là đe dọa mà là cho trẻ thấy hậu quả khi làm sai. Ví dụ khi con không chịu đi ngủ, thay vì nói "Không ngủ là bố mẹ sẽ ghét con" thì nên nói "Bây giờ đã quá giờ rồi, nếu con không ngủ thì ngày mai sẽ không dậy được đâu, và sẽ bị mệt suốt cả ngày đó".

Làm cha mẹ vốn dĩ rất khó, càng khó hơn khi bạn muốn con biết nỗ lực. Hãy trân trọng và yêu thương con, biết chấp nhận những khuyết điểm của bé, và cố gắng tìm ra ưu điểm của con để phát triển. Có như thế, con mới chia sẻ, yêu thương và tin tưởng bố mẹ, tương lai cũng sẽ tươi đẹp, hạnh phúc hơn.

Nếu chỉ biết mỉa mai, trách móc, không xem trọng những gì con đang cố gắng là bố mẹ đã quá sai lầm. Chỉ cần con biết thay đổi, dù là chưa hoàn hảo nhưng cũng là cố gắng so với con của trước đây. Chỉ cần nhận được sự công nhận từ bố mẹ là con đã hạnh phúc rồi. Yêu thương con có nghĩa là đồng hành, là trở thành bạn, là công nhận mọi điều con đang cố gắng chứ không phải là bắt ép con hoàn hảo theo những gì mà cha mẹ mong muốn.

Chia sẻ