5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách, kịp thời và cách phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Đuối nước khi đi bơi có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng thương tâm. Nhiều người phải trả giá bằng cả mạng sống. Không ít vụ là do không kịp thời sơ cứu hoặc cứu không đúng cách.

Mùa hè là mùa đi bơi. Và dù bạn đi bơi ở bể, ngoài sông hồ hay du lịch biển... đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khó lường trước. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), nhiều ca đuối nước xảy ra vào mùa hè, ở cả người lớn và trẻ em, có cả người biết bơi. Có cả trường hợp người xuống cứu cũng gặp nạn thương tâm…

Đuối nước có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng thương tâm. Nhiều người phải trả giá bằng cả mạng sống. Không ít vụ đuối nước tử vong là do không kịp thời sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Chính vì thế, bất cứ ai cũng nên trang bị cho mình quy trình sơ cứu nạn nhân đuối nước đúng cách để cứu người kịp thời.

Đi bơi mùa hè: Tiết lộ quy trình cứu người bị đuối nước kịp thời - Ảnh 1.

Đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi, tại Việt Nam có đến gần 2000 trẻ em đuối nước mỗi năm. Theo chia sẻ của TS.BS Lê Ngọc Duy – Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương: Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ, nếu sơ cấp cứu không đúng trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề dù sau đó có được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực do quá trình thiếu oxy não kéo dài.

5 bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em đúng cách

Bước 1. Gọi trợ giúp

Cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.

5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách, kịp thời và cách phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè - Ảnh 2.

Bước 2. Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách

Đây là bước rất quan trọng, có hai phương pháp là cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.

- Cứu đuối gián tiếp: Sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước,…) để cứu người trẻ đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh. Tùy theo tình hình, tính chất của mỗi trường hợp cụ thể mà người cứu đuối lựa chọn phương án cứu để phù hợp, an toàn và hiệu quả.

- Cứu đuối trực tiếp: Xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân; cứu đuối trực tiếp nên dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện hoặc đối tượng không chuyên có kỹ năng bơi và cứu đuối.

5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách, kịp thời và cách phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè - Ảnh 3.

Bước 3. Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không

Khi trẻ được đưa lên bờ, ngay lập tức xem trẻ có thở không bằng cách nhìn lồng ngực của trẻ có di động không? Đặt tai của bạn gần miệng và mũi trẻ có cảm thấy không khí thở ra của trẻ ở trên má của bạn không? (thở ngáp được xem là không thở). Trong khi kiểm tra hơi thở, bạn cũng có thể lay gọi trẻ để xem đứa trẻ có phản ứng không.

Bước 4. Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay

Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng.

Nếu nghi ngờ chấn thương cổ: Hãy di chuyển trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm.

5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách, kịp thời và cách phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè - Ảnh 4.

Kỹ thuật ấn góc hàm

Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm).

5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách, kịp thời và cách phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè - Ảnh 5.

Kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm

Tiến hành hồi sức tim – phổi (CPR) cho trẻ bằng cách:

- Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ. Thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.

5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách, kịp thời và cách phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè - Ảnh 6.

Hà hơi thổi ngạt cho trẻ

- Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay).

Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.

5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách, kịp thời và cách phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè - Ảnh 7.

Ép tim ngoài lồng ngực

Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn

Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

Một số chú ý khi cấp cứu trẻ đuối nước và những sai lầm cần tránh

Không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ.

Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.

Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.

Cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

Người cứu không biết bơi nhưng lại cố gắng nhảy xuống nước gây nguy hiểm tính mạng.

Đi bơi mùa hè: Tiết lộ quy trình cứu người bị đuối nước kịp thời - Ảnh 5.

Phòng tránh đuối nước khi đi bơi mùa hè

Đối với trẻ nhỏ

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...

2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy...).

4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…).

5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

Đi bơi mùa hè: Tiết lộ quy trình cứu người bị đuối nước kịp thời - Ảnh 6.

6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.

8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò,…).

9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.

Đối với trẻ lớn và người lớn

- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.

- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Chia sẻ