3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Những Kiều bào chân chất, luôn hướng về quê hương

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Theo nhiều tiểu thương tại chợ Đào Hương (thành phố Paske, Lào), họ phải cố gắng bám trụ để có thể sống được nơi xứ người trước khi được trở lại quê hương.

Chúng tôi dừng chân tại thành phố Pakse, tỉnh Champasak sau một hành trình khám bệnh từ thiện dài từ huyện Thà Tèng (tỉnh Sekong). Nơi đây được xem là thủ phủ của phía Nam nước Lào và cũng là nơi tập trung rất nhiều người Việt ly hương đến sinh sống.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 1.

Một góc chợ Đào Hương (Lào).

Ngôi chợ người Việt trên đất Lào

Điều cảm nhận đầu tiên khi đến Pakse là sự thân thuộc đến lạ kỳ. Rất nhiều hàng ăn, quán nước, địa điểm du lịch ngoài tiếng địa phương còn kèm theo tiếng Việt phía dưới.

Hỏi ra thì được biết, nhiều người Việt Nam từ các tỉnh dọc miền Trung đã chọn sang đây lập nghiệp và ít nhiều có những thành công.

Chợ Đào Hương (hay chợ Pakse) nằm đối diện khách sạn nơi chúng tôi trú lại một ngày trước khi về nước chính là một trong những biểu tượng của người Việt tại Nam Lào.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 2.

Các loại mắm bán ở chợ Đào Hương.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 3.

Cá tra dầu sông Mekong được bày bán rất nhiều.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 4.

Nhiều loại hàng hóa độc đáo không có ở Việt Nam.

Vào năm 1999, thời điểm sau khi chợ Pakse cũ bị xuống cấp vì hỏa hoạn, bà Lê Thị Lượng, một doanh nhân gốc Việt (quê Thừa Thiên Huế) đã đề xuất xin chính quyền địa phương được bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng chợ, với mong muốn giúp đỡ người nghèo địa phương và những người Việt xa quê có nơi buôn bán.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 5.

Hàng hóa tại đây được bày trí rất giống ở Việt Nam.

Đào Hương, cách gọi của người địa phương dành cho vị nữ doanh nhân trở thành tên của ngôi chợ.

Sau 2 năm trời xây dựng, chợ Đào Hương được khánh thành với tổng cộng khoảng 700 gian hàng. Kể từ đó đến nay, tiểu thương mua bán tại đây chủ yếu là người Việt Nam hoặc người Lào gốc Việt.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 6.

Những người buôn bán ở Lào vô cùng thân thiện, không chèo kéo khách.

Dù rất mệt mỏi sau nhiều giờ ngồi xe, chúng tôi cũng cố gắng tạt vào để tìm hiểu về cuộc sống của bà con quê hương mình tại đây.

Đúng như lời giới thiệu, ngôi chợ mang dáng vóc và cách hoạt động của quê hương với những sạp quần áo, giày dép, đồ gia dụng quen thuộc.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 7.

Xe lôi máy khá phổ biến tại Champasak.

Phía đối diện là sạp buôn bán hải sản với hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng. Đặc biệt nhất không thể không nhắc đến các loại khô và cá đặc thù tại các nước thuộc lưu vực sông Mekong như khô nhái "vũ nữ chân dài", khô cá sặc bổi, khô cá lóc.

Ngoài ra, người Việt cũng biết cách mang hương vị quê hương như các loại nem, chả, khô bò… đến với xứ người.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 8.

Cá làm khô được bán thành từng xiên.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 9.

Một sạp thịt heo tại chợ.

Ở chợ Đào Hương, phương tiện xe máy lôi, xích lô máy vẫn còn khá thịnh hành và dường như là cách thức di chuyển chính của người dân.

Bất chợt, phóng viên cảm thấy như đang ở quê nhà khi chứng kiến hình ảnh những cặp vợ chồng đèo nhau trên xe gắn máy, trên đầu đội những nón bảo hiểm được trang trí nhiều hình vẽ dễ thương.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 10.

Kip Lào là tiền được sử dụng tại đây. Ngoài ra nếu muốn đổi ngoại tệ, bạn cũng có thể đến các tiệm vàng.

Chợ Đào Hương hoạt động từ 8 giờ sáng đến tận 16 giờ chiều. Nhìn cảnh nhộn nhịp của nơi này, nếu không được giới thiệu trước có lẽ chúng tôi không ngờ chợ Đào Hương đã từng xảy ra một vụ cháy kinh hoàng.

Hỏa hoạn không thiêu rụi được tinh thần người Việt

Rạng sáng ngày 17/5/2016, khói bất ngờ bốc lên tại phía Tây của chợ Đào Hương. Thật nhanh chóng, ngọn lửa lan rộng diện tích lên đến 6.000 mét vuông, 90% tiểu thương thiệt hại nặng nề trong vụ cháy, là người Việt.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 11.

Ông Thanh vui vẻ khi bán được hàng cho khách.

Chị Dương Thị Hoa (48 tuổi, quê Huế) là người bán tạp hóa tại chợ Đào Hương hơn 7 năm nhớ lại, thời điểm đó rất nhiều bà con người Việt kêu trời vì tài sản bị thiêu rụi nặng nề. Thậm chí có người từng màn trời chiếu đất, định quay trở lại quê hương. "Lúc đó tôi có bệnh phải về Việt Nam chữa trị, nhưng nghe gia đình ở đây nói là cháy rất lớn. Chính quyền phải huy động cả lực lượng cứu hỏa của tỉnh Salavan sang hỗ trợ" – chị Hoa chia sẻ.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 12.

Một shop đồ của người Việt.

Sinh ở Lào nhưng cha mẹ là người gốc Huế, anh Hùng (34 tuổi) phụ gia đình bán đồ lạp xoong 14 năm. Nhớ lại sự việc đau buồn, Hùng kể:

"Lúc đó là buổi tối, gia đình tôi đang ở nhà thì nghe có hàng xóm hớt hải chạy sang báo cháy chợ. Khi chạy ra đến nơi, hàng hóa tích trữ của gia đình tôi đã thành tro hết rồi" – Hùng nói bằng tiếng Việt lơ lớ.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 13.

Người Việt vực dậy rất nhanh sau vụ cháy năm 2016.

Bằng sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Lào cùng chính quyền địa phương, các tiểu thương gốc Việt sớm gác lại nỗi đau để đứng lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, cảnh buôn bán tấp nập ở chợ lại được phục hồi.

"Chúng tôi cố tìm cách nhập hàng ở nơi sản xuất để giảm giá thành nhiều nhất. Hàng hóa như giày dép, quần áo thì nhập tại biên giới Thái Lan. Nông sản một số là dùng nguồn tại chỗ, một số cũng nhập từ Việt Nam. Ở Lào dễ sống hơn, giá cả buôn bán cũng cao hơn nên dễ thích nghi" – Chú Thành (49 tuổi), người bị cháy 3 sạp giày dép tại năm 2015 chia sẻ.

Chị Phi Thị Oanh (quê gốc Quảng Bình) cho biết đã lập gia đình với một Việt kiều và sinh sống tại Champasak gần 10 năm.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 14.

Chị Oanh cùng con gái rất vui khi có người Việt ghé thăm.

Người phụ nữ này chia sẻ, cuộc sống ở Lào rất bình yên, dễ chịu nên dù có biến cố thì cũng rất nhanh khôi phục. Dù vậy chị vẫn muốn sau này khi con lớn lên sẽ đưa con về Việt Nam sinh sống nếu có điều kiện, để bé không quên nguồn gốc quê hương mình.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 15.

Chị cho biết sẽ về Việt Nam nếu có cơ hội.

Hoa (25 tuổi, quê Huế) nói cha mẹ cô cũng đã sang hẳn Lào để sinh sống. Cô hiện đang làm việc tại một tiệm bán điện thoại di động ở chợ Đào Hương.

Dù vậy, một ngày nào đó Hoa sẽ về Việt Nam sinh sống, nếu có thể.

3 năm sau vụ cháy kinh hoàng ngôi chợ của người Việt tại Lào: Muốn về nước lắm, nhưng phải sống được trước đã - Ảnh 16.

Nụ cười của cô gái tên Hoa làm ấm lòng người xa xứ ở Lào.

"Chúc mọi người Việt Nam làm ăn phát đạt, ngày càng giàu có. Mình sẽ về nhưng bây giờ phải sống được trước đã" – Hoa nói.

Chia tay ngôi chợ tại thành phố Pakse, chúng tôi nhận ra người Việt dù ở nơi nào cũng luôn hướng về quê hương. Và dù đã qua nhiều thế hệ sinh sống ở đây, họ vẫn cố giữ ngôn ngữ của dân tộc, những tập tục, thói quen của nơi chôn nhau cắt rốn.

Chia sẻ