3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ

Lanxiang,
Chia sẻ

Nhân dịp kỉ niệm 124 năm ngày sinh lãnh tụ Hồ Chí Minh, hãy cùng điểm lại ba bộ phim điện ảnh ấn tượng nhất về Bác.

Hẹn gặp lại Sài Gòn

Có thể nói, Hẹn gặp lại Sài Gòn là bộ phim đầu tiên và cũng là thành công nhất về đề tài Hồ Chí Minh. Bộ phim của đạo diễn Vân Long được sản xuất vào năm 1990 nhân dịp kỉ niệm 100 năm sinh nhật Bác. Câu chuyện trong phim kể về những năm tháng Bác Hồ sống và học tập ở Huế trong giai đoạn 1895 – 1901 và 1906 – 1909 dưới cái tên Nguyễn Tất Thành. 20 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành đầy ước mơ hoài bão, và luôn đau đáu trong lòng nỗi đau giống nòi, nỗi đau mất nước. 

Với tư tưởng "muốn nên nghiệp lớn, phải ra biển cả", Nguyễn Tất Thành đã vào Phan Thiết dạy học rồi lên Sài Gòn với hi vọng tìm đường ra nước ngoài. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã gặp gỡ và có cảm tình với Út Vân - một cô gái xinh đẹp, nền nã và dịu dàng. Tuy nhiên, gác lại tất cả tình cảm cá nhân, người thanh niên yêu nước đã rời bến Nhà Rồng ra đi để tìm ra con đường cứu dân tộc mình thoát khỏi kiếp sống lầm than. Trước khi đi, Nguyễn Tất Thành đã để lại lời hẹn ước với Út Vân, và cũng là với đất nước "hẹn gặp lại Sài Gòn". 

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 1

Trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, diễn viên Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành. Có thể nói, Tiến Hợi là người có ngoại hình và phong thái giống nhất trong số những diễn viên vinh dự được hóa thân thành Bác. Bằng tất cả tình cảm kính yêu dành cho Bác, bằng sự nỗ lực, tìm tòi và học hỏi của bản thân, Tiến Hợi đã tái hiện thành công hình ảnh của chàng thanh niên yêu nước, đau đáu nỗi đau nước nhà Nguyễn Tất Thành, đem đến nhiều xúc cảm khó phai trong lòng khán giả. 

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 2

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 3

Bên cạnh đó, nhân vật Út Vân của NSƯT Thu Hà cũng góp phần làm nên thành công của Hẹn gặp lại Sài Gòn. Dù là một diễn viên miền Bắc, song Thu Hà đã vào vai một thiếu nữ Sài Thành nền nã, dịu dàng "rất ngọt". Để rồi khi bộ phim khép lại, chúng ta còn nhớ mãi hình ảnh người con gái nhỏ bé, mong manh song cũng rất mạnh mẽ, kiên cường bên cạnh chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành.

Hà Nội mùa đông năm 46

Bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 được sản xuất năm 1997. Bộ phim đưa người xem quay trở lại Hà Nội vào năm 1946, khi đất nước đang ở thế "ngàn cân treo sợi tóc". Lúc này, thực dân Pháp đã lộ rõ âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trong thời điểm cam go này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách vô cùng hợp lý và sáng suốt. 

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 4

Hà Nội mùa đông năm 46 đã đem đến cho người xem những thước phim đầy xúc động về Bác trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bác lặng lẽ suy nghĩ cân nhắc tình thế cách mạng, Bác trầm ngâm hỏi vị tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang: "Có thể giữ Hà Nội được bao lâu?", Bác và Trung ương, Chính phủ rời Hà Nội trở lại Việt Bắc trong đêm chúng ta nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc 19 tháng 12 năm 1946 với lòng quyết tâm sục sôi "nhất định sẽ trở về Hà Nội". Mọi tình tiết trong phim đều khiến chúng ta thêm ngưỡng mộ và kính yêu Người cha già - linh hồn của dân tộc.

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 5

Trong Hà Nội mùa đông năm 46, diễn viên Tiến Hợi một lần nữa được vào vai Bác. Nếu trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, Tiến Hợi thể hiện thành công hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trung thực, trong sáng, hoài bão, thì trong Hà Nội mùa đông năm 46, anh lại lột tả được sự kiên định, sáng suốt và đầy quyết đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Có thể nói, với Hà Nội mùa đông năm 46, đạo diễn tài năng Đặng Nhật Minh, cùng dàn diễn viên xuất sắc, đã làm nên một câu chuyện điện ảnh xúc động về Bác. Bộ phim sau đó đã gây được tiếng vang lớn tại nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế. 

Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông

Bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông sản xuất vào năm 2003. Bộ phim kể lại quãng thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sống tại Hong Kong. Để thoát khỏi tai mắt của thực dân Pháp và chính quyền Anh tại Hong Kong, Nguyễn Ái Quốc đã lấy tên là Tống Văn Sơ. Bằng tài trí, sự kiên trung và tấm lòng nhân hậu của mình, cùng với sự trợ giúp của luật sư Loserby, các đồng chí người Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã phá vỡ được âm mưu của kẻ thù để trở về nước, tiếp tục lãnh đạo phong trào Cách mạng non trẻ.

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 6

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 7

Trong Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, diễn viên Trần Lực vào vai Bác dưới cái tên Tống Văn Sơ. Để hóa thân vào vai diễn này, Trần Lực đã phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu về Bác. Không chỉ xem phim tài liệu, tranh ảnh, sách báo... viết về Người, anh còn tìm đến ông Vũ Kỳ - người từng làm thư ký của Bác để tìm hiểu về những thói quen sinh hoạt, nét tính cách nổi bật và thường ngày của Bác. Chính vì thế, dù ngoại hình không giống Bác như Tiến Hợi nhưng Trần Lực vẫn được đánh giá cao nhờ thể hiện thành công tâm hồn và cốt cách của vị cha già dân tộc.

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 8

Với nội dung sâu sắc và dàn diễn viên xuất sắc, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã vinh dự giành giải Cánh diều vàng đặc biệt của Hội điện ảnh Việt Nam. Bộ phim cũng được công chiếu tại nhiều địa phương trên cả nước và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Chia sẻ