2021 - Một năm bùng nổ "chuyên gia câu view câu like" mẹo chữa bệnh, bí quyết làm đẹp khiến dân tình náo loạn không biết nên tin vào đâu

TH,
Chia sẻ

Giới chuyên gia cho rằng đây là một năm bùng nổ với những cách chữa bệnh, chia sẻ bí quyết làm siêu rẻ, siêu hiệu quả từ các "chuyên gia" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết đâu là sự thật.

Năm 2021, mạng xã hội có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh những "nhà mạng" cũ như Facebook, Zalo... thì Tiktok bỗng nổi lên như cồn nhờ tính viral mà nó đem lại. Sự phát triển của nền tảng mạng xã hội cũng trở thành "mảnh đất" màu mỡ để tin tức giả bành trướng. Chưa bao giờ các "chuyên gia" trên MXH "mọc" lên nhiều như thế. Thậm chí, giới chuyên môn trong lĩnh vực y tế sức khỏe cho rằng đây là một năm bùng nổ với những "cách chữa bệnh, bí quyết làm đẹp siêu rẻ, siêu hiệu quả" từ các "chuyên gia tự phong" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết đâu là sự thật.

Dạo một vòng quanh Tiktok, bạn sẽ thấy tràn lan những thông tin chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, vóc dáng, làm đẹp da, cho đến phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ nội khoa... được chia sẻ bởi những "chuyên gia" Tiktok. Điểm chung của những "chuyên gia Tiktok" này là tự nhận mình là chuyên gia, tự mình phát ngôn những chủ đề đậm tính chuyên môn sức khỏe cứ như bản thân đã được đào tạo qua trường lớp làm bác sĩ, y tá, chuyên gia sức khỏe...

1. Nhiều trào lưu "chữa bệnh" được "chuyên gia tự phong" chia sẻ

Năm 2021 xuất hiện nhiều trào lưu chữa bệnh "đi vào lòng đất" được "chuyên gia Tiktok" chia sẻ nhưng sự thật là nếu làm theo, bạn có thể gặp họa đáng tiếc. 

Ví dụ như trường hợp của một Tiktoker thấy mình có dấu hiệu mắc Covid-19 liền mua quả dừa về nấu nước uống cho hết, khẳng định mình đảm bảo 5K nhưng lại không đeo khẩu trang trong giao tiếp.

Tiktoker uống nước dừa chữa Covid-19

Điều đầu tiên khi bạn nghi ngờ mình mắc Covid-19 là mua que test nhanh. Nếu có kết quả cần báo bên y tế đến làm xét nghiệm PCR để xác định đúng là mình nhiễm Covid-19 hay không, từ đó có hướng điều trị kịp thời. Tuyệt đối không có chuyện thấy có dấu hiệu mắc Covid-19 liền đi mua trái dừa tươi về nấu nước uống cho hết. 

Hành động và lời nói của Tiktoker này vô hình trung làm cho nhiều người hiểu lầm rằng đây là cách chữa Covid-19 mới, siêu dễ, siêu hiệu quả, dẫn đến tâm lý chủ quan khi phòng chữa bệnh. Nếu người phụ nữ này đã bị Covid-19 mà còn làm như vậy thì thật sự nguy hiểm, có thể gây lây nhiễm rộng ra ngoài cộng đồng.

Mạng xã hội Tiktok trong năm qua xuất hiện rất nhiều video bẻ xương bẻ khớp với mục đích chữa bệnh cho những người gặp vấn đề xương khớp. Theo đó, bạn chỉ cần đến gặp những "thầy thuốc" này sẽ được nắn chỉnh xương khớp để thực hiện đúng chức năng của nó. Những tiếng kêu rắc rắc khi các chuyên gia này bẻ trở thành niềm thích thú của nhiều Tiktoker.

Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định, nguyên nhân gây ra những tiếng kêu rắc rắc thực ra là do thoát khí, ma sát trong khi cử động của khớp, gân và dây chằng, bề mặt khớp thô ráp do bị mất đi lớp sụn trơn hoặc bị thoái hóa. Tóm lại, tiếng kêu của khớp hoàn toàn không phải do hành động nắn chỉnh khớp hiệu quả. 

Trong thực tế, nhiều người bẻ khớp không kêu nhưng hành động này lại tháo gỡ lại những đoạn bị chèn ép và giúp bệnh nhân thoát được cơn đau tức thì. Còn ở trên mạng xã hội hiện nay đang xuất hiện trào lưu bẻ xương khớp rắc rắc từ các "chuyên gia Tiktok" chẳng qua là thể hiện, "biểu diễn" thay vì trị đau nhức cho bệnh nhân. 

Đây chỉ là một trò lừa đảo của các "chuyên gia Tiktok" để nhiều người đang có vấn đề đau nhức xương khớp tìm đến thi nhau vặn bẻ cho kêu sướng tai, giải tỏa tâm lý chứ thực chất không đem lại tác dụng chữa bệnh như bạn kỳ vọng.

2. Hàng loạt "chuyên gia" thi nhau dạy tập tăng chiều cao và khắc phục hõm mông

Năm 2021, nổi bật nhất trong các video tập luyện trên Tiktok là hàng loạt "chuyên gia Tiktok" thi nhau vào dạy tập tăng chiều cao và khắc phục hõm mông. Thế nhưng giới huấn luyện viên cũng liên tục lên tiếng vạch trần sự thật đây chỉ là những trò lố lừa bịp những người thiếu hiểu biết về chuyên môn.

Chỉ cần lên Tiktok và đánh cụm từ "tập hõm mông", bạn sẽ thấy cho ra hàng loạt các kết quả tìm kiếm. Vô số các "chuyên gia" lên đây chia sẻ bài tập giúp khắc phục tình trạng hõm mông với những lời tựa có cánh như "khắc phục hõm mông, tăng mông", "bí kíp cải thiện hõm mông sau 2 tuần", "làm đầy hõm mông"...

Thực tế thì, khu vực hõm mông có những dải trắng chạy dọc xuống dưới. Đây chính là gân chứ không phải cơ. Nếu bạn tập thì các nhóm cơ ở bên ngoài - đây được gọi là cơ mông lớn, bên trong là cơ mông nhỡ, bé và cơ hình quả lê. Khi bạn tăng cường tập để lấp đầy hõm mông thì khu vực cơ mông sẽ càng ngày càng to nhưng vùng hõm mông sẽ càng ngày càng võng xuống thôi vì trong này không có cơ để tập cho to lên được. 

Thế nhưng vì những lời quảng cáo có cánh từ các "Tiktoker", chị em vẫn ầm ầm lưu video về tập với tâm lý mông sẽ to, hõm mông sẽ hết. Thực tế, nó chỉ giải quyết khâu tâm lý, giúp bạn tin hõm mông của mình được lấp đầy mà thôi! Sau một thời gian dài tập như vậy, hoặc bạn sẽ nản vì chẳng có hiệu quả gì, hoặc mông to thêm mà hõm mông cứ càng hõm sâu. Mục tiêu tập luyện giữ dáng đẹp xinh bỗng chốc vụt tắt. Lúc đó, bạn lại chỉ biết ôm hận. Niềm tin vào các "chuyên gia Tiktok" đã khiến bạn phải ngậm ngùi đắng cay.

Năm qua cũng có rất nhiều "Tiktoker" dạy tăng chiều cao với phát ngôn không tưởng như "chân dài hơn 7cm trong vòng 20 ngày", "tăng 22cm chỉ trong hè 2021", "6 bài tập tăng chiều cao hơn 5cm hiệu quả trong độ tuổi phát triển", "bài tập tăng chiều cao hiệu quả chỉ 5 phút mỗi ngày" dành riêng cho những người siêu bận rộn vừa đốt mỡ vừa cao lên, "6 bài tập tăng chiều cao và đốt mỡ hiệu quả cho mọi độ tuổi", "7 bài tập giúp tăng chiều cao 10cm trong 3 tháng", "8 bài tập giúp giảm cân và chân dài hơn 5cm trong một tháng"...

2021 - Một năm bùng nổ "cách chữa bệnh, bí quyết làm đẹp" của những "chuyên gia" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết nên tin vào đâu - Ảnh 5.

Những lời quảng cáo được thổi phồng từ khiến nhiều bạn trẻ không khỏi háo hức. Cao là đẹp. Cao là xinh. Cao là thu hút. Ai cũng lao đầu vào tập để cao. Nhưng làm một thời gian, nếu bạn trong độ tuổi dậy thì thì đúng, mình có cao lên thật rồi. Thế nhưng, các huấn luyện viên cùng khẳng định, quá tuổi lớn rồi thì biết sao bây giờ, đầu gối đã cốt hóa thì có tập đằng trời cũng chẳng cao lên nổi. Ấy mà chủ nhận của các bài tập này lại dám ngang nhiên khẳng định những câu gây "nổi sóng" như trên.

Các huấn luyện viên cũng nhấn mạnh, không có chuyện cứ tập một thời gian như trong những bài quảng cáo là tăng 10cm sau 20 ngày tập. Tùy vào mỗi thời điểm chứ không phải cứ tập một thời gian là sẽ cao lên ngay. Tập luyện là cả một quá trình dài bền bỉ và chăm chỉ tập luyện sẽ tốt hơn để có thể tăng chiều cao cũng như tăng cường sức khỏe. 

3. "Bí quyết làm đẹp" được quảng cáo lên tận mây xanh

Năm 2021 là một năm người dùng Tiktok được "mãn nhãn" với những màn chăm sóc da được quảng cáo lên tận mây xanh nhưng có giá siêu rẻ, thậm chí có sẵn trong nhà bếp. Chỉ với vài nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm, bạn có ngay khuôn mặt láng mịn, làn da trẻ hóa là những điều mà các "chuyên gia Tiktok" liên tục lăng xê. Tuy nhiên, các phương pháp làm đẹp da kiểu này đều không đạt chuẩn y khoa nhưng khi được tuyên truyền rất rộng rãi trên Tiktok, được thần thánh hóa về công dụng đã khiến người xem rất dễ bị nhầm lẫn.

Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok đang truyền tay nhau hình ảnh một cô gái dùng những quả cà chua đông đá cắt đôi sau đó di lên mặt. Theo cô gái này, đây là cách làm đẹp da không cần phải sử dụng mỹ phẩm đắt tiền nhưng có hiệu quả hơn cả mong đợi.

Năm 2021: Một năm bùng nổ cách chữa bệnh, chia sẻ bí quyết làm đẹp siêu rẻ siêu hiệu quả của những "chuyên gia" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết nên tin vào đâu - Ảnh 4.

Thế nhưng, các chuyên gia da liễu nhận định, cà chua hay bất cứ loại quả nào cũng như nguyên liệu đắp mặt nạ nào từ thiên nhiên nói chung là những đồ bạn phải tự chuẩn bị. Đây là phương pháp chăm sóc da không chuẩn y khoa, rau củ hiện nay cũng khó đảm bảo chất lượng, nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, chất bảo quản cao. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn do để trong tủ lạnh, dưỡng chất khó thẩm thấu vào da, dễ có nguy cơ phản ứng axit tự nhiên trong trái cây.

Trước đó, một Tiktoker khác đăng tải cách làm đẹp da với mặt nạ trứng gà, sữa tươi cũng bị nhiều bác sĩ da liễu cảnh báo. Để dưỡng da bằng cách đắp mặt nạ trứng gà sữa tươi, bạn chỉ cần lấy một lòng đỏ trứng gà đem trộn với sữa tươi, thêm chút bột lô hội. Sau đó thoa hỗn hợp vừa làm lên mặt, đóng thêm một lớp nilon bên ngoài mặt cố định, thư giãn vài chục phút, sau đó tháo mặt nạ dễ dàng nhờ lớp nilon cuốn trôi.

Năm 2021: Một năm bùng nổ cách chữa bệnh, chia sẻ bí quyết làm đẹp siêu rẻ siêu hiệu quả của những "chuyên gia" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết nên tin vào đâu - Ảnh 5.

Mặt nạ trứng gà sữa tươi là một trong những kiểu mặt nạ đắp lên da rất được ưa chuộng kiểu dân gian. Tuy nhiên, đắp trứng gà được bác sĩ da liễu khuyến cáo dễ gây nhiễm khuẩn cho làn da, nhất là với những người đang có mụn viêm trên da. Tình trạng viêm nhiễm có thể nặng nề hơn, da đang có mụn có thể phát triển nhiều mụn hơn, thậm chí xuất hiện nhiều mụn mủ...

Kinh dị nhất là khi "chuyên gia" Tiktok khoe da trắng mịn không tì vết nhờ đắp mặt nạ dưỡng da có 2 thành phần là nước mắm và ớt tươi kèm một viên thuốc màu trắng không rõ thành phần cụ thể là gì. Chỉ sau vài phút nhào trộn hỗn hợp trong máy, chủ nhân liền cho ra lò một chiếc mặt nạ trông như chiếc bánh tráng và đắp thẳng lên da mặt.

Năm 2021: Một năm bùng nổ cách chữa bệnh, chia sẻ bí quyết làm đẹp siêu rẻ siêu hiệu quả của những "chuyên gia" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết nên tin vào đâu - Ảnh 6.

Ngay sau đó, chuyên gia da liễu đã lên tiếng phản bác đây là clip câu view, gây sốc. Trong chăm sóc da nói chung cũng như chăm sóc da chuẩn y khoa nói riêng, chưa từng có tiền lệ đắp mặt nạ làm từ nước mắm và ớt tươi. Tất nhiên, việc dùng nước mắm, ớt tươi đắp lên da mặt sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường như da bị tổn thương, sưng da, thậm chí bỏng da...

4. "Lò mổ" thẩm mỹ và cả những phương pháp làm đẹp xưa cũ nhưng bị đánh tráo khái niệm, lừa đảo khách hàng

Năm 2021 chứng kiến nhiều sự thay đổi trong làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ nói chung. Trong thế giới Tiktok, nổi bật là những chuyện tréo ngoe như xuất hiện "lò mổ" thẩm mỹ nhưng lại tưởng thế là cool ngầu, rồi cả những phương pháp làm đẹp xưa cũ nhưng bị đánh tráo khái niệm, lừa đảo khách hàng. Thế nhưng, nếu không tìm hiểu kỹ, bạn rất có thể gửi gắm mình vào một "lò mổ" thẩm mỹ, vào một spa tay ngang, tiền mất tật mang.

Cách đây không lâu, trên Tiktok lan truyền video hot boy "lò mổ" thẩm mỹ khiến dân tình một phen xanh mắt. Cụ thể, một nam thanh niên mặc quần áo phẫu thuật thực hiện phẫu thuật, nhưng không hiểu cao hứng kiểu gì khi mà đang thao tác trên khuôn mặt khách, anh chàng này đã kéo khẩu trang xuống và dùng tay múa máy, nhảy theo điệu nhạc vô cùng sôi động.

Năm 2021: Một năm bùng nổ cách chữa bệnh, chia sẻ bí quyết làm đẹp siêu rẻ siêu hiệu quả của những "chuyên gia" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết nên tin vào đâu - Ảnh 7.

Sau đó giới chuyên gia vào bình luận xôn xao đây đích thị là "lò mổ" thẩm mỹ. Nguyên nhân bởi, phòng tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ cho khách như trong video phản ảnh không đảm bảo quy chuẩn của một phòng mổ thông thường. Người thực hiện phẫu thuật mặc đồ bảo hộ hoàn toàn sai, trải săng, dán tóc mất vô khuẩn. Chưa kể, tác phong thực hiện cũng không phải của một bác sĩ.

Gần đây, phương pháp làm đẹp da mang tên cấy phấn má hồng cực kỳ thịnh hành. Theo như lời của những người quảng cáo phương pháp này, với phương pháp cấy má hồng baby, bạn sẽ không còn phải ngồi trang điểm hì hụi cả tiếng đồng hồ, không cần phải tốn tiền mua má hồng để sở hữu cặp má hồng như thiếu nữ tuổi 18, đôi mươi. Chỉ cần làm một lần duy nhất, bạn sẽ có ngay cặp má hồng dễ thương, lúc nào cũng ửng hồng như được đánh phấn, trông vô cùng tự nhiên, xinh xắn.

Thế nhưng, các bác sĩ thẩm mỹ nội khoa khẳng định, cấy phấn má hồng baby thực chất là xăm má hồng - phương pháp có từ rất lâu. Đây chính là chiêu trò lừa đảo, đánh tráo khái niệm khiến chị em mơ tưởng về phương pháp làm đẹp da mới cực hay ho mà thôi. Chưa kể, áp dụng sẽ khiến da bị tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ lên mụn, hạt màu trong thủ thuật xăm má hồng gây sạm da về lâu dài. Kinh dị nhất là sau khoảng 1 năm, má hồng chuyển thành má nâu, má xám...

Lời kết

Mạng xã hội phát triển, thông tin trên mạng xã hội vô cùng phong phú, đa dạng. Tiktok tất nhiên cũng không ngoại lệ. Thậm chí nó còn ngày càng phát triển mở rộng hơn. Thế nhưng, bên cạnh nhiều chia sẻ hữu ích thì cũng có những video câu like, câu view là chính, đi ngược lại chuẩn sức khỏe khoa học, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta cần luôn tỉnh táo trước những chia sẻ trên mạng xã hội. Hãy là những người dùng thông minh. Tuyệt đối không được làm theo các "chuyên gia Tiktok" nếu chưa kiểm chứng được đó có phải là bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn, được đào tạo bài bản hay không, cách làm đó có khoa học hay không... Một thông tin đăng tải trên mạng xã hội nói chung đọc, xem để biết đã, tin và làm theo hay không, bạn cần có phát ngôn từ chuyên gia uy tín, từ những nguồn uy tín, tránh những hậu quả đáng tiếc nhé!

2021 - Một năm bùng nổ cách chữa bệnh, chia sẻ bí quyết làm đẹp siêu rẻ siêu hiệu quả của những "chuyên gia" Tiktok làm dân tình náo loạn không biết nên tin vào đâu - Ảnh 10.