1001 chiêu né cảnh sát giao thông (P1)

Theo AnNinhThuDo,
Chia sẻ

Hầu hết người vi phạm luật an toàn giao thông đều tìm đủ mọi cách để né tránh, thậm chí chống đối cảnh sát, và chiêu thường gặp nhất là "giở võ say".

Khi “ma men” giở  “võ say”

Tháng An toàn giao thông được phát động, công việc của CSGT vốn dĩ đã nặng nề nay lại thêm phần vất vả hơn. Cùng với việc đẩy mạnh phân luồng tổ chức giao thông, các chuyên đề xử lý vi phạm liên quan đến dừng đỗ… CSGT còn tập trung xử phạt những lỗi về người điều khiển phương tiện uống rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép. 

Ghi nhận của PV tại ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi, mặc dù đã được lắp hệ thống đèn đỏ nhưng chiều nào cũng vậy, Đội CSGT số 7 cũng phải bố trí ít nhất 6 CBCS trong đó có 1 chỉ huy đội trực tiếp hướng dẫn, phân luồng điều hành giao thông. Lý giải về thực trạng này, Trung tá Nguyễn Minh Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết: “Ngoài lý do đường chật người đông, nguy cơ ùn tắc giao thông tại ngã tư này lúc nào cũng thường trực vì những “ma men” dừng đỗ xe bừa bãi ở dọc đường Nguyễn Xiển trước cửa quán bia, nhà hàng. Khi họ rời quán trong trạng thái nồng nặc mùi bia rượu, ngồi sau vô lăng và chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong một phút họ không làm chủ được tốc độ”. 

Cố thủ trong xe là chiêu thường thấy của các ma men.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Minh Tiến, các hàng quán trên thành phố hiện nay mọc lên như nấm với hàng nghìn người bất kể vào thời điểm nào trong ngày cũng có thể say sưa “chén chú chén anh”, nhưng để xử lý được một trường hợp uống rượu, bia điều khiển phương tiện không phải là điều đơn giản. Nhiều người giả say để trốn tránh sự kiểm tra của CSGT. Dẫn chứng, cũng tại ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi, Đội CSGT số 7 phát hiện lái xe Tạ Thu Nguyên (SN 1972), ở Hòa Bình điều khiển xe ô tô BKS: 28H-6300 đi sai làn đường cùng với những biểu hiện khác thường, đã yêu cầu lái xe dừng lại để kiểm tra. Thay vì đỗ gọn vào lề đường, xuống xe xuất trình giấy tờ, Nguyên cứ ngồi lỳ trong xe.

Hành vi của lái xe đã khiến dòng phương tiện phía sau bị dồn ứ lại mỗi lúc một nhiều hơn. Sau đó dù CSGT đã đưa được chiếc xe vi phạm lên vỉa hè nhằm tránh ùn tắc nhưng Tạ Thu Nguyên vẫn ngả lưng vào ghế, mắt lim dim giả vờ say và ngủ, phớt lờ yêu cầu xuống xe để giải quyết của CSGT. Phải đến khi rất nhiều người dân chứng kiến vụ việc và bất bình với thái độ của lái xe đã lao vào trợ giúp CSGT, lúc này lái xe Nguyên mới chịu xuống xe sau khi gọi rất nhiều cuộc điện thoại cho bạn bè nhờ can thiệp không được CSGT tiếp nhận. Nhưng cũng phải hàng chục phút sau, việc kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở mới được CSGT làm xong vì thái độ thiếu hợp tác của lái xe.

Thổi một hơi mất 30 phút

Thống kê của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP cho thấy, thực tế hiện nay có tới 90% số trường hợp vi phạm rượu bia khi bị CSGT kiểm tra, xử lý đã viện dẫn đủ mọi lý do để mong thoát lỗi. Ví như tại ngã tư Trần Hưng Đạo-Trần Thánh Tông vào trưa 9-9, tổ công tác xử lý chuyên đề rượu, bia của Đội CSGT số 4 đã gặp không ít “ma men” trong tình trạng loạng choạng từ trong các quán bia, rượu lao ra đường. Nhiều người bất chấp nguy hiểm phóng thật nhanh vọt qua chốt xử lý và không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT. Phải đến khi có sự hỗ trợ của trinh sát, tổ công tác mới có thể dừng được xe người vi phạm để kiểm tra.

Thổi một hơi mất hơn 30 phút.

Hơi thở sặc sụa mùi rượu, bia và vẫn còn chưa hết chếnh choáng sau bữa liên hoan với nhóm bạn, lái xe Nguyễn Quốc Việt, ở Quan Hoa, Cầu Giấy luôn miệng lè nhè không chịu ngậm vào máy đo nồng độ cồn với lý do… nhìn không rõ. Còn anh Trần Quang Phát, ở Hà Đông khuôn mặt đỏ gay sau khi được CSGT yêu cầu kiểm tra cũng từ chối ngậm vào ống thổi vì sợ mất vệ sinh. Phải đến khi CSGT đưa ra bằng chứng ống thổi là loại dùng 1 lần, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thì lúc này lái xe Phát mới miễn cưỡng chấp hành. Tuy nhiên, lái xe chỉ ngậm vào miệng chứ nhất quyết không thổi. Sau 30 phút, với thái độ kiên quyết nhưng cũng mềm dẻo của CSGT, máy đo cho ra kết quả nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe Phát đã vượt quá mức quy định cùng với quyết định xử phạt hành chính kèm theo.

Cũng theo ghi nhận của PV, dọc phố Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn hay đường Xã Đàn… vào buổi trưa và tối khuya được xem là “thiên đường” cho các “ma men”. Không ít người khi đi từ quán bia, rượu ra và phát hiện CSGT đã quay xe bỏ chạy hoặc kín đáo dùng khẩu trang che kín mặt. Ngoài ra, những lý do “giời ơi” mà chỉ có thể khi say hoặc cố tình giả vờ say họ mới có thể viện dẫn như đau răng, miệng bị nhiệt và thậm chí là dị ứng với mùi nhựa để trốn tránh không ngậm ống thổi cho CSGT đo nồng độ cồn. 

Trung tá Nguyễn Văn Tài - Đội trưởng Đội CSGT số 3 thông tin: Đó là những trường hợp uống “vừa vừa”, còn nhiều người khi “tới tầm” thì chẳng kiêng dè, nể sợ bất cứ điều gì. Rượu vào lời ra cùng với thái độ thách thức pháp luật, trong quá trình xử lý, việc CBCS bị người vi phạm lăng mạ không phải là chuyện hiếm gặp. Trong cơn say và dưới góc nhìn của họ lúc này thì pháp luật và sự an toàn tính mạng của bản thân và người khác chỉ là thứ yếu, đứng sau những tiếng hô “trăm phần trăm” kéo theo tốc độ kinh hoàng khi điều khiển phương tiện trên đường.
Chia sẻ