10 tháng tuổi: Bé tinh nghịch vô cùng

Hương Nguyễn,
Chia sẻ

Không ít mẹ phải than rằng "trông bé tuổi này thật mệt".

Bé đã biết bò nhanh hơn rất nhiều, khả năng "phá" đồ chơi cũng "siêu" hơn và đặc biệt là một số bé đã lẫm chẫm biết đi rồi, không cần mẹ đỡ hay dắt đâu nhé.

Chuyện ăn uống của bé

Nhu cầu dinh dưỡng của bé đang thay đổi, bé cần thêm năng lượng để duy trì hoạt động cho cả ngày. Tuy nhiên, dạ dày của bé còn rất nhỏ, nên bé cần thêm các bữa ăn phụ để bổ sung năng lượng và dưỡng chất cho các hoạt động của cơ thể.

Tại thời điểm này, mẹ nên cho bé tập dần với việc ăn bằng tay hoặc bằng muỗng (thìa), uống nước bằng ly (cốc) để khuyến khích bé phát triển tính tự lập.

Trẻ trong tháng tuổi này vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ và ăn bốn bữa cháo có thịt, rau xanh, dầu ăn. Khi nấu cháo cho bé, nên bổ sung 3 phần gạo, một phần cá, trứng, tôm, hay đậu và hai muỗng cà phê dầu ăn để đủ chất dinh dưỡng cho bé chóng lớn.
 

Giấc ngủ của bé

Tháng này bé có thể ngủ ngày ít hơn. Để bù lại, hãy để bé ngủ lâu hơn vào ban đêm. Hoặc bé cũng có thể giảm từ 2 giấc ngủ ngày xuống còn 1 giấc vào khoảng gần trưa.

Ngôn ngữ của bé

Sự kỳ diệu của cụm từ trẻ thơ sẽ bắt đầu từ đây. Bé bắt đầu gọi “ma”, “ba” khiến mẹ mừng rơn. Nhưng đừng vội vui quá sớm, vì đây chưa phải là biểu hiện bé biết nói, đơn giản đó chỉ là những cụm từ bé quen miệng thôi.

Vào tuổi này, bé mới chỉ hiểu được những điều người lớn nói qua âm điệu của giọng nói. Bé bắt đầu hiểu nhiều cụm từ đơn giản; do đó, quan trọng hơn hết là mẹ nên tiếp tục trò chuyện cùng con. Ví dụ, nếu bé tới bình sữa và ê a, mẹ có thể trỏ vào bình sữa và trả lời: "Bình sữa của con đấy".

Mẹ càng nói chuyện nhiều với bé như: khi nấu cơm, khi đi chơi, hoặc khi mặc quần áo, bé sẽ càng nhận biết sớm hơn về giao tiếp. Một số ít bé có thể nói được nhiều từ năm đầu đời còn hầu hết các bé đều có vốn từ khá bị động.

Đứng và đi

Khi bắt đầu tập đứng, lực ở chân vẫn còn yếu, trong quá trình di chuyển thì lực được dồn hết vào đầu ngón chân.

Sau khi đứng vững thì lực ở chân mạnh hơn. Khi bé đứng cầm vật gì đó thì bé không muốn ngồi nữa.

Để giúp bé tập đi, bố mẹ có thể cho bé bám, vịn vào các đồ vật trong nhà hoặc xe tập đi vững chắc.
 

Kỹ năng của bé

Bé khám phá hết cái này đến cái khác; có thể dùng tay để sờ, chọc, ném mọi thứ... Bé cũng đã biết sử dụng thành thạo ngón tay nên có thể mở nắp hộp, xoay tay cầm...

Kỹ năng xã hội "nở rộ" khiến bé cười với bất kỳ ai mà bé gặp (hoặc bé có thể nhút nhát, giấu khuôn mặt bé khi có người lạ hỏi chuyện). Bé lặp lại âm thanh, cử chỉ và thậm chí vẫy tay chào tạm biệt khi thấy mẹ đi ra khỏi cửa.

Nhận thức

Dù không nhìn thấy người hay đồ vật thì bé vẫn biết rằng các đồ vật đó có tồn tại. Trước đây khi không thấy bóng dáng mẹ, bé thường nhìn quanh và khóc vì nghĩ là mẹ đã biến mất thì giờ đây bé đã hiểu mẹ không biến mất. Dù đang chơi một mình nhưng bé cũng biết mẹ đang ở đâu đó.

Giai đoạn này, trí lực của bé có sự phát triển nhanh chóng. Bé sẽ liên tục nghiên cứu các loại hình dạng (hình tròn, hình vuông, hình tam giác…), kích cỡ (lớn, nhỏ, cao, thấp) và ghi nhận những sự khác biệt giữa các đối tượng. Bé cũng hiểu rằng những thứ xuất hiện lớn hơn hoặc nhỏ hơn có thể là do khoảng cách.

Bé bắt đầu biết tự hào về những gì bé làm được, nên việc khen ngợi, khuyến khích các nỗ lực của bé sẽ giúp bé tự tin vào bản thân hơn.

Chia sẻ