Bạn không thay đổi ngay 10 cách đi siêu thị này thì bảo sao tiền chi tiêu lại “đội” lên
Đi siêu thị một cách khôn ngoan cũng là phương án giúp bạn tiết kiệm được tiền chi tiêu.
Chi phí cho thực phẩm và các mặt hàng tạp hóa là một trong những khoản chi lớn mỗi tháng. Nó là khoản tiêu dùng thiết yếu, nếu bạn cắt giảm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Đi siêu thị một cách khôn ngoan cũng là phương án giúp bạn tiết kiệm được tiền chi tiêu. Nếu còn đang mắc những sai lầm dưới đây khi đi mua sắm thì bạn hãy sửa ngay nhé.
1. Đi mua sắm khi đang đói
Đi mua hàng khi đang đói vừa khiến chúng ta mệt mỏi lại dễ rơi vào xu hướng mua nhiều hơn những thứ mình không cần. Nhất là đồ ăn, khi đói bạn sẽ có cảm giác mình “ăn được cả thế giới”.
Đây là một sai lầm khá “kinh điển” mà nhiều người biết rõ nhưng vẫn mắc phải. Bạn hãy chú ý ăn no, hoặc ít nhất là ăn lót dạ ở nhà trước khi đến siêu thị, vừa có sức lực để mua đồ vừa bảo vệ được ví tiền.
2. Không giới hạn thời gian đi siêu thị
Nếu bạn muốn chi tiêu ít hơn khi ở siêu thị, hãy dừng ngay việc nhàn nhã dạo quanh các kệ hàng. Khi không có những đứa trẻ nghịch ngợm đi cùng, nhiều người thường thảnh thơi dạo khắp siêu thị mà không chú ý đến thời gian. Các nghiên cứu thực tế đã chứng minh rằng bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn khi ở cửa hàng lâu hơn.
Hãy tự giới hạn thời gian cho mỗi lần đi siêu thị của bản thân, sao cho nó chỉ đủ để bạn kịp mua những thứ cần thiết trong danh sách.
3. Đi siêu thị nhiều hơn 1 lần/tuần
Bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn khi dành thời gian lâu hơn ở cửa hàng. Tương tự, tần suất đi siêu thị càng lớn thì bạn càng có khả năng cao đưa ra các quyết định mua sắm thừa thãi.
Khi trong nhà thiếu món đồ gì đó, chúng ta thường muốn đi mua nó ngay lập tức. Chính điều đó khiến tần suất ghé thăm siêu thị tăng lên. Và trong mỗi lần ấy, thay vì chỉ mua món đồ mình cần, chúng ta lại thường mua thêm nhiều thứ không cần thiết.
Nếu mặt hàng đó không thật sự cần thiết, bạn hãy trì hoãn việc mua sắm. Chỉ nên giới hạn số lần đi siêu thị là 1 lần/tuần, tối đa cũng dừng ở con số 2, cho dù gia đình bạn có nhu cầu mua sắm lớn.
Ít đi siêu thị hơn, chẳng những bạn tiết kiệm được tiền mua sắm mà còn hạn chế tiền xăng xe đi lại.
4. Không kiểm kê thực phẩm có ở nhà trước khi đi mua sắm
Đã bao nhiêu lần bạn phải quay trở lại siêu thị vì phát hiện ra mình quên mua thứ gì đó? Để rồi sau đó bạn phải mua tạm ở cửa hàng nhỏ gần nhà với giá cao hơn.
Chính vì vậy mà công đoạn kiểm tra các nguyên liệu nấu ăn có tại nhà trước khi đi mua sắm trở nên rất quan trọng. Căn cứ vào những gì còn lại, bạn hãy lập danh sách các mặt hàng cần mua. Chỉ với cách làm đơn giản ấy, chúng ta sẽ luôn mua đủ thứ mình cần, không thừa cũng không thiếu.
5. Không mua số lượng lớn khi có giảm giá
Mua số lượng nhiều để dùng dần giúp bạn tiết kiệm số tiền đáng kể trong ngân sách thực phẩm. Bằng cách mua số lượng lớn khi các mặt hàng đó được giảm giá, bạn sẽ có được mức chi phí thấp nhất.
Thịt là một thực phẩm có giá thành cao và thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn gia đình. Bằng cách bảo quản trong tủ đông, bạn có thể mua số lượng nhiều thịt để dùng dần khi nó có ưu đãi về giá.
Tương tự với những mặt hàng khác, bạn luôn đông lạnh được mọi thứ từ pho mát đến các loại củ quả.
6. Chỉ mua sắm tại một siêu thị
Trở thành khách hàng thân thiết của một cửa hàng, bạn sẽ được đền đáp bằng những ưu đãi riêng. Tuy nhiên việc trung thành với một siêu thị lại không phải phương án tốt.
Hàng hóa tại các siêu thị khác nhau có thể được bán với mức giá chênh lệch. Ngoài ra, chỉ mua sắm tại một địa chỉ, rất có thể bạn đang bỏ lỡ cả loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn từ siêu thị khác.
Thêm nữa, bạn cũng đừng quên ghé qua chợ truyền thống để mua sắm thêm. Bởi vì thông thường giá cả ở chợ nông sản sẽ thấp hơn tại siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ khác. Bằng cách này, bạn chắc chắn tiết kiệm thêm tiền chi tiêu.
7. Không tối đa hóa các ưu đãi
Bạn hãy chú ý tận dụng tối đa các phiếu giảm giá và ưu đãi chiết khấu từ nhà bán hàng. Mua sắm qua ứng dụng điện thoại cũng là một cách để nhận được nhiều chương trình ưu đãi và cả miễn phí vận chuyển.
Một chút lười biếng, bỏ qua không thu thập các mã giảm giá, chương trình ưu đãi sẽ khiến bạn phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn mua sắm.
8. Không tìm các mặt hàng thay thế
Tất cả chúng ta đều có những món đồ yêu thích của mình. Tuy nhiên, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền bằng cách thay thế món đồ yêu thích bằng mặt hàng khác có giá thành rẻ hơn, mà chất lượng không khác nhau nhiều. Đó có thể là một sản phẩm đang được giảm giá hoặc đến từ thương hiệu kém nổi tiếng hơn. Bạn hãy thử áp dụng rồi sẽ phải kinh ngạc khi nhìn hóa đơn được giảm bớt đấy.
9. Không theo dõi giá cả các mặt hàng đắt tiền gia đình thường sử dụng
Hãy xác định từ 10 - 15 mặt hàng mà gia đình bạn sử dụng thường xuyên nhất, nhấn mạnh vào những sản phẩm đắt tiền hơn cả. Sau đó bạn theo dõi giá cả và tìm ra các chương trình khuyến mại liên quan đến chúng.
Khi chúng được giảm giá, hãy mua đủ số lượng để dùng cho đến đợt khuyến mại tiếp theo. Bằng cách tập trung vào loạt mặt hàng đắt tiền, mua nó ở mức giá thấp nhất, bạn sẽ tiết kiệm được tiền chi tiêu một cách tối đa.
10. Tin tưởng vào những tờ rơi khuyến mại
Nếu bạn đang có thói quen theo dõi các tờ rơi của siêu thị để đi mua sắm thì hãy cân nhắc lại nhé. Những gì được viết trên tờ rơi nhiều khi đang đánh lừa bạn. Bạn vào siêu thị vì thông tin giảm giá 50%, tuy nhiên đến nơi mới nhận ra chỉ có vài sản phẩm được giảm nửa giá, còn lại là khuyến mại nhỏ mà thôi.
Mục đích chính mà các tờ rơi được tạo ra là để đưa bạn vào bên trong siêu thị. Từ đó khiến chúng ta mua nhiều thứ không có trong dự định.