10 biểu hiện của người bị tổn thương tâm lý

Trung Hạ,
Chia sẻ

Người thường xuyên bị “tụt” cảm xúc, mất kiểm soát, dễ nảy sinh tiêu cực, đa phần có nhiều vết thương trong quá khứ.

Mục tiêu cuối cùng của mỗi người trên thế giới này là sống, tồn tại và hạnh phúc. Song có rất nhiều thứ cản trở chúng ta tìm thấy hạnh phúc, đó chính là những vết thương lòng, chuyện đau buồn trong quá khứ.

Không ai muốn mình sống chung với những điều tiêu cực, vì nó thật sự rất đáng sợ. Quan sát kỹ, bạn sẽ phát hiện người bị tổn thương tâm lý thường có 10 biểu hiện dưới đây:

10 biểu hiện của người bị tổn thương tâm lý, điều chỉnh ngay để chữa lành tâm hồn và sống hạnh phúc - Ảnh 1.

1. Quên có chọn lọc. Người từng chịu tổn thương không chỉ riêng tâm lý, mà cả thể xác thường có xu hướng thúc ép bản thân quên đi ký ức không mấy vui vẻ đó. Song không phải cứ muốn là làm được, có nhiều chuyện không phải muốn quên là cứ thế biến mất trong tâm trí. Nhiều người chịu vết thương lòng lớn đến mức để lại vết sẹo cả đời, do đó, họ chọn cách quên có chọn lọc. Điều gì còn giá trị thì vẫn giữ trong lòng, điều gì khiến bản thân mệt mỏi thì cố gắng cho chúng vào dĩ vãng.

2. Nhạy cảm. Người bị tổn thương tâm lý thường rất nhạy cảm, thật sự đúng với câu: “Cảnh buồn, người có vui đâu bao giờ”. Một vấn đề nhỏ, một lời nói, một ánh mắt hay một chiếc lá rơi trong mùa thu lạnh cũng đủ khiến họ suy nghĩ trằn trọc, đau lòng, thậm chí còn tiêu cực đến mức tự hủy hoại mình.

Tuy nhiên, không phải nhạy cảm lúc nào cũng xấu. Nhạy cảm giúp con người dễ dàng thấu hiểu, dễ đồng cảm, nhưng nếu đặc điểm này diễn biến theo chiều hướng tiêu cực thì hậu họa khôn lường.

10 biểu hiện của người bị tổn thương tâm lý, điều chỉnh ngay để chữa lành tâm hồn và sống hạnh phúc - Ảnh 2.

3. Hành vi trốn tránh. Chối bỏ điều khiến mình tổn thương là chuyện thường tình. Biểu hiện này rất phổ biến trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Gặp tai nạn trên con đường, nhiều người sẽ nảy sinh cảm giác sợ hãi, chán ghét, và không bao giờ hoặc cố gắng không đi lại con đường đó. Bởi lẽ lúc này, khoảnh khắc gặp nạn đã trở thành “bóng ma tâm lý” khiến họ trốn tránh.

Bị tổn thương bởi một kiểu người, bao gồm cả tình yêu, tình bạn và các mối quan hệ khác. Thế là sau này, nhiều người có một vài cảm giác “kỳ thị” đối với kiểu người đó, thường gắn cho đối phương cái mác theo sự nhận định của mình.

Điểm chung của những trường hợp này là đều trốn tránh để bản thân không bị tổn thương bởi điều tương tự.

4. Tâm trạng tiêu cực. Người thường xuyên bị “tụt” cảm xúc, mất kiểm soát, dễ nảy sinh tiêu cực, đa phần có nhiều vết thương trong quá khứ. Ngoài ra còn có những biểu hiện khác như phản ứng trì độn, khó cảm thấy hứng thú với sự vật, sự việc nào đó.

5. Rối loạn giấc ngủ, thường xuất hiện triệu chứng mất ngủ vào ban đêm. Khi trong đầu có quá nhiều cảm xúc phức tạp lẫn lộn, mất ngủ và khó ngủ là biểu hiện rõ ràng nhất. Tâm lý càng bất ổn thì giấc ngủ và đồng hồ sinh học của cơ thể con người dễ bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng này kéo dài thì sức khỏe đương nhiên xuống cấp và sự mất cân bằng trong tâm lý càng nghiêm trọng hơn.

10 biểu hiện của người bị tổn thương tâm lý, điều chỉnh ngay để chữa lành tâm hồn và sống hạnh phúc - Ảnh 3.

6. Tính cách thay đổi đột ngột. Người ta thường nói tính cách con người không dễ gì thay đổi, nhưng có một sự thật là nhiều người đã thay đổi tâm tính khác hẳn sau cú sốc tâm lý. Từ người hoạt bát trở thành người chỉ thích im lặng, đi đi về về một mình. Từ người lạc quan trở thành tiêu cực triền miên. 

Song không phải cú sốc tâm lý nào cũng gây ra hệ quả xấu. Không ít người sau khi bị cú sốc tâm lý (tùy thuộc vào vấn đề mà mỗi người gặp phải) thì trở nên nhiệt huyết hơn, không ngừng hoàn thiện bản thân, sống có giá trị. Cũng giống như trường hợp khi bị người yêu chia tay bất ngờ, đau khổ rồi lại thôi, sau đó là quá trình phấn đấu trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân. Ở đây nói đúng hơn chính là sự chuyển biến trong thói quen và cách nhìn nhận vấn đề, chứ không hẳn là sự thay đổi trong tính cách.

7. Ôm hận trong lòng, suy nghĩ nặng nề về hận thù. Bị tổn thương trong tâm lý, ít nhiều khiến con người ta giận dữ (đối với người khác hoặc bản thân). Do đó, việc ôm hận ghi thù cũng là chuyện dễ hiểu. Song tùy vào mức độ và tính cách mỗi người mà biểu hiện hận thù này được “hiện thực hóa” như thế nào.

8. Khó hòa nhập. Người không thể hòa nhập vào cộng đồng hoặc tập thể nào đó chưa chắc bị chấn thương tâm lý, nhưng người tự ti và có tâm lý bất ổn chắc chắn rất khó làm được điều này.

9. Dễ lo lắng với mọi thứ. Bất kể chuyện lớn hay chuyện nhỏ cũng đều có thể khiến kiểu người này lo lắng, bồn chồn, từ đó suy nghĩ phức tạp, tự vẽ ra viễn cảnh xấu trong tương lai. Trầm trọng hơn, nhiều người bị quá nhiều tổn thương trong quá khứ còn mắc chứng rối loạn lo âu, tinh thần yếu đuối, ngay cả một tiếng động lớn cũng khiến họ mất bình tĩnh.

10. Hành vi tự làm hại bản thân. Một số người chấn thương tâm lý nghiêm trọng sẽ xuất hiện suy nghĩ chán ghét bản thân, thậm chí làm tổn thương chính mình.

Chia sẻ