Xin đừng giục con lấy vợ

Hạ Long,
Chia sẻ

Gần đây, trên mạng lan truyền đến chóng mặt clip người mẹ giục con trai lấy vợ. Clip tuy chỉ có hai phút ngắn ngủi nhưng gây nên một cơn sốt không nhỏ vì vấn đề không của riêng ai: Lấy vợ đi; lấy chồng đi.

Xin đừng giục con lấy vợ - Ảnh 1.

Không ít người cảm thấy ngán ngẩm trước việc phải giải thích câu: Khi nào thì cưới vợ… Ảnh minh họa

Những câu hỏi khó

Chắc chắn rằng chẳng ai trong số người Việt chúng ta chưa từng nghe thấy câu nói đó. Có thể là anh, chị em, bạn bè hay hàng xóm đều đã từng/đang/sẽ bị giục lấy chồng/lấy vợ bất chấp việc liệu họ đã có người để lấy không và đã sẵn sàng để lấy chưa.

Không ít người cảm thấy khá ngán ngẩm trước việc người khác can thiệp quá sâu vào những vấn đề riêng tư của mình.

Những chuyện như hẹn hò yêu đương, kết hôn, mang thai, sinh con đẻ cái, thu nhập đáng lẽ chỉ nên là vấn đề cá nhân của riêng một người, họ sẽ tự chia sẻ khi có nhu cầu. Nhưng dường như bất cứ ai, từ cha mẹ cho đến những người quen cả năm mới gặp một lần cũng có thể vô tư hỏi: Có người yêu chưa? Bao giờ thì cưới? Đã có bầu chưa? Và cả những lời giục giã lấy chồng/lấy vợ đi! Đẻ thêm đứa nữa đi! Ai nói những lời ấy cũng cho rằng mình đang quan tâm mà đâu biết rằng thực ra là mình đang tọc mạch.

Chuyện cha mẹ già mong con cái đã nhiều tuổi kết hôn là chuyện bình thường, nhưng chắc chắn mong muốn ấy cũng không thể bằng người trong cuộc. Ai chẳng muốn được ổn định, được có người cùng sẻ chia cuộc sống, được cùng áp má kề vai từng đêm, có người chăm sóc và cùng sinh con đẻ cái. Nhưng cuộc sống không phải bài toán để dùng những phép tính mà giải được. Hầu hết tất cả mọi người trên đời này đều không thể có được những thứ hoàn toàn thỏa nguyện mong ước, thế gọi là "sở cầu bất đắc”.

Kết hôn là chuyện của hai người: Hãy tôn trọng họ được không?

Kết hôn là chuyện quan trọng của cả đời người và nó cũng chỉ nên là việc của duy nhất một người với người mà họ cùng chia sẻ cuộc đời. Người ta chỉ nên kết hôn khi bản thân họ đã sẵn sàng, khi họ mong muốn được chung sống với người đó. Kết hôn cũng là một đánh dấu sự trưởng thành. Sau khi kết hôn, nghĩa là người đó phải tự chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, phải có trách nhiệm với cả một gia đình nhỏ, với người bạn đời và những đứa con trong tương lai.

Đáng lẽ người ta phải trưởng thành chín chắn rồi, có tài sản tích lũy rồi thì mới kết hôn nhưng buồn cười thay là hầu hết cha mẹ Việt Nam lại mong con cái kết hôn để trưởng thành, kết hôn rồi mới tích lũy tài sản. Hệ quả là nhiều người còn bồng bột non dại đã bước vào cuộc hôn nhân một cách vụng về lóng ngóng, túng thiếu trăm bề rồi dẫn đến khủng hoảng hôn nhân và gia đình tan vỡ chỉ vì còn thiếu kinh nghiệm sống và cả thiếu tài chính.

Hôn nhân nên được xây dựng từ nền tảng tình yêu. Nhưng nhiều người chỉ vì áp lực từ gia đình và xã hội mà cưới vội vàng khi bản thân chưa sẵn sàng, miễn cưỡng theo kiểu tặc lưỡi cho xong. Nhiều người chơi xổ số nhưng hiếm người trúng độc đắc, việc kết hôn vội vàng cũng như chơi xổ số vậy. Có nhiều cha mẹ từ động viên khuyên nhủ đến giục dồn dập, sử dụng tới cả cây “vương trượng” lòng hiếu thảo, dù con cái có sắt đá đến mấy cũng phải bị khuất phục mà cưới cho cha mẹ vừa lòng chứ không phải để bản thân hạnh phúc”.

Vừa rồi có một vụ án gây rúng động Indonesia, người thanh niên đã giết chết bà hàng xóm trong cơn tức giận vì liên tục bị hỏi bao giờ lấy vợ và cười nhạo khi chàng trai bị “ế”. Liên tục đường link về vụ án được chia sẻ. Clip Đã lấy chồng chưa của ca sĩ Bích Phương cũng hot không kém, dù đã ra mắt một năm thì giới trẻ vẫn chia sẻ MV này lên trang cá nhân. Thậm chí trên mạng còn xuất hiện một số trang bán áo phông in sẵn dòng chữ “Chưa có người yêu! Có sẽ giới thiệu! Cưới sẽ mời! Xin đừng hỏi!”. Tưởng đùa mà những chiếc áo kiểu này vẫn bán đắt như tôm tươi mỗi dịp Tết, nhiều người xa quê về thăm nhà.

Hôn nhân đã khó nhưng tình yêu càng không phải thứ dễ dàng. Hầu hết cha mẹ đều cho rằng một người không xấu xí, gia đình bình thường, có việc làm thì đều dễ dàng có được người yêu, nhất là những người đẹp trai, xinh gái, lương cao, gia đình có điều kiện thì “thiếu gì người theo”. “Ngày xưa bố mẹ lấy nhau có yêu ngày nào đâu mà vẫn sống hạnh phúc đến tận bây giờ”. Các cha mẹ đã quên mất rằng tình yêu phải bắt đầu từ sự rung động chứ không phải bằng lý trí. Tất cả sự từng trải cam chịu của một người trung niên không thể đặt vào vị trí của một người thanh niên còn đang nhiều những cảm xúc và có những nhu cầu cao hơn về mặt tinh thần thay vì chỉ lo cơm ăn áo mặc như thời xưa.

Kết hôn dẫu sao đi nữa cũng chỉ nên là chuyện của riêng hai người. Bao giờ lấy, lấy ai chỉ nên để tự chính người đó quyết định. Ai cũng phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình dù khổ đau hay sung sướng bởi vì đâu ai có thể chịu đựng thay. Cha mẹ chỉ nên đứng ngoài cuộc, đừng tạo thêm áp lực kết hôn cho con cái trong cuộc sống xô bồ vốn dĩ đã đầy áp lực và cô đơn này. Cha mẹ ơi! Xin đừng giục con cái kết hôn!


Chia sẻ