Xét cho cùng, ngày Tết chỉ phải rửa mấy mâm bát, đâu đến nỗi phải than trời, oán đất

Tố Uyên,
Chia sẻ

Nhiều người than thở việc rửa bát, dọn dẹp ngày Tết là công việc cực nhọc và chẳng khác nào bóc lột sức lao động phụ nữ, nhưng tôi thì không nghĩ vậy.

Xét cho cùng, ngày Tết chỉ phải rửa mấy mâm bát, đâu đến nỗi phải than trời, oán đất - Ảnh 1.

Gần đây, trong một group tâm sự kín, tôi thấy đến 2-3 bài than thở về việc chị em phải “quẩy” hết 5-6 mâm cỗ một mình khi nhà chồng hay người yêu có cỗ. Rồi khi chia sẻ sự khó chịu này với chồng thì không được thông cảm, thành ra vợ chồng lục đục chỉ vì mấy cái bát.

Ngay dưới những chia sẻ này là hàng ngàn bình luận kêu ca khác của hội chị em cùng hoàn cảnh. Rất nhiều người cũng đã bày mưu cho nhau để tết này về khỏi phải rửa bát, dọn dẹp, nấu cỗ. Nếu không thì cũng phải có đồng minh vào làm cùng.

Sau khi đọc qua một lượt các bình luận như vậy, tôi tin chắc có đến 90% những người bày mưu cho nhau như vậy tết này vẫn phải âm thầm “quẩy” hết đống nồi niêu xoong chảo một mình cho coi.

Xét cho cùng, ngày Tết chỉ phải rửa mấy mâm bát, đâu đến nỗi phải than trời, oán đất - Ảnh 2.

Năm nay đã là năm thứ 7 tôi đi làm dâu. Nhà chồng tôi thì ở tít dưới quê. Mỗi dịp nhà có đám giỗ, đám cưới, đám hỏi…đều tổ chức linh đình. Mà lạ một cái là chỉ có con dâu, cháu dâu là xắn tay áo vào làm thôi còn mấy ông con trai và người già thì ngồi xơi nước.

Tôi lại là cháu dâu trưởng tộc nên những dịp này không thể trốn tránh được. Mấy năm nay bố mẹ chồng già yếu, một mình tôi phải đi chợ, chỉ đạo nấu nướng và dọn dẹp hết. Tết đến mâm cao cỗ đầy tôi cũng chỉ vội vàng ăn được mấy miếng rồi cuống lên dọn dẹp, phục vụ khách khứa ấy chứ.

Một hai năm đầu tôi cũng rất khó chịu về vấn đề này. Hồi mới cưới, chồng tôi còn chịu nghe vợ ca thán, chứ vài năm sau là anh lảng đi. Có lần cãi nhau, anh còn bảo một năm có dăm ba bữa cỗ với tết nữa, mình là dâu trưởng thì cố chịu đựng một tí cho nhà cửa ấm êm.

Video: Clip bé trai 2 tuổi cặm cụi rửa bát thu hút 2 triệu lượt xem 

Hơn nữa, cả xã hội đi làm dâu, có thấy ai kêu đâu mà tôi cứ mặt nặng mày nhẹ suốt vậy. Nói với chồng thấy không được gì, tôi cũng từng áp dụng đủ mọi chiêu trò để “trốn cỗ”, “trốn tết” nhưng sự tình sau đó còn khó xử hơn. Cuối cùng, việc vẫn đến tay tôi đấy thôi.

Đã không thay đổi được tình hình vậy thì sao không nhìn tình hình ở một góc độ khác. Tôi thấy chị em cứ kêu ca phải rửa 2-3 mâm bát một mình không ai phụ giúp. Thực ra điều này không đúng vì đám cỗ nào chẳng có 3-4 người phụ. Khi mình ngồi yên rửa bát thì họ lăng xăng chạy đi dọn dẹp, quét nhà, tiễn khách rồi. Nên không thể nói là không ai phụ được.

Thứ hai, trong đám cỗ kiểu gì cũng có đủ đàn ông, trẻ em, người già….Bây giờ trẻ em thì chưa đến tuổi rửa bát, đàn ông thì xác định giúp được cái gì hay cái đó chứ không trông mong được. Chỉ còn đám bà già, mấy bà bác, cô, dì…

Mình là phận con dâu, cháu dâu lại còn trẻ, chẳng lẽ lên nhà ngồi xơi nước để đám người già lúi húi dọn dẹp với nhau. Nếu là các chị, các chị có cư xử được như vậy không? Hay lại xắn tay áo lên lao vào tranh nhau rửa.

Thứ ba, việc rửa bát dọn dẹp với nhà chồng cũng không hẳn là việc quá tiêu cực đâu. Vì khi rửa như vậy, ba bốn chị em túm tụm lại giúp nhau, vừa rửa vừa nói chuyện cho rôm rả lại gắn kết tình cảm. Đôi khi rửa bát sướng hơn dọn dẹp, do chỉ cần một cái chậu, một vòi nước mạnh là cứ ngồi yên một chỗ thôi.

Thứ tư, tôi thấy nhiều người bây giờ hay than thở về bình đẳng giới nhưng lại hiểu không đúng về khái niệm này. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng: tôi rửa bát thì anh cũng phải rửa bát, tôi nấu cỗ thì anh phải dọn dẹp.

Làm sao có thể như vậy, khi mà thể chất và tinh thần của đàn bà và đàn ông là không giống nhau? Theo tôi, cái gọi là bình đẳng giới, thực chất là bình đẳng hạnh phúc. Tức là đôi bên san sẻ với nhau để cả hai đều đạt được độ thỏa mãn tương đương.

Thứ năm, so với trước đây thì bây giờ chị em chúng ta đi làm dâu còn nhàn hạ và sung sướng hơn hẳn rồi đó. Các bà các mẹ xưa kia còn phải công dung ngôn hạnh, thờ chồng chăm con, việc gì cũng đến tay nhưng lại chẳng bao giờ được nói một câu công bằng cả. Suy cho cùng, chị em có kịch liệt phản ứng gay gắt thì chúng ta vẫn là phận đàn bà. Đàn bà vẫn phải vào bếp mà dọn dẹp thôi.

Còn nếu san sẻ việc rửa bát cho nhau xong vợ chồng cãi vã, mẹ chồng xót con trai bênh con…thì thà chị em rửa luôn đi cho nhà cửa ấm êm. Ngày tết cùng lắm có vài mâm bát, cứ vui vẻ mà rửa, than thở làm gì cho mệt mỏi.

Xét cho cùng, ngày Tết chỉ phải rửa mấy mâm bát, đâu đến nỗi phải than trời, oán đất - Ảnh 3.

Mà thật ra, xét cho cùng, chị em cũng đâu "ngán" mấy việc nhỏ này. Chỉ là chị em không muốn trải qua cảm giác bị "ăn hiếp" khi 1 mình đối mặt mà thôi. Thế nên, thay vì kêu than sao không học cách quán xuyến mọi thứ. Ví dụ như cùng hô hào mọi người xúm vào giúp đỡ, giao cho mỗi người một việc cho nhanh.

Trước kia, cứ tết xong trở về Hà Nội là hai bàn tay tôi khô nứt, bong tróc hết cả da tay. Có than với chồng thì anh chỉ biết khuyên tôi chịu khó. Một năm chỉ có vài ngày tết, không về quê cũng không được. Mà đã về thì các cô con dâu khác làm việc, tôi cũng đâu thể ngồi chơi xơi nước. Thế nên bây giờ, hễ ai bảo tôi vào rửa hết đống mâm bát kia đi thì tôi cũng vui vẻ mà làm. Tôi vui, chồng tôi vui, mẹ chồng tôi cũng vui và gia đình tôi được hạnh phúc. Thế thôi là đủ.

Chia sẻ