Về Hải Phòng tham dự lễ hội "quan thề không tham nhũng"

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Đây là cách người dân ngày nay gọi nôm na một lễ hội cổ truyền đã đi vào sử sách: Lễ hội Minh Thề diễn ra hàng năm vào ngày 14 tháng Giêng tại đền - chùa Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).

Phục hồi lại nét văn hóa quý

Theo sử sách còn lưu lại, Lễ hội Minh Thề có từ trước năm 1561. Do biến cố lịch sử, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nét văn hóa độc đáo này không còn được duy trì tổ chức hàng năm như trước nữa. Đến năm 1993, nhân dịp cụm di tích đền - chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nhân dân địa phương đồng lòng bắt tay phục hồi lại lễ hội truyền thống này.
 
Chủ tế cắt tiết gà trước Đài Thề để làm lễ uống máu ăn thề.
 

Người được ghi nhận có công lao, dày công trong quá trình kiếm tìm tư liệu, đi thực tế để phục hồi lại lễ hội là ông Phạm Đăng Khoa - nguyên Phó Trưởng ban quản lý di tích đền- chùa Hòa Liễu. Ông tìm gặp các cụ cao niên đã nhiều năm tham dự lễ hội để ghi lại các thủ tục, lễ nghi... rồi sưu tầm lại tư liệu, sau đó tự dịch những tư liệu cũ và soạn thảo lại.

Sau đó, ông còn cẩn thận lấy ý kiến của các cụ cao niên trong làng để có một sự thống nhất cho việc phục hồi, tổ chức lại lễ hội nhằm duy trì nét đẹp văn hóa quý của địa phương. Đến năm 2001, làng Hòa Liễu đã tổ chức lại Lễ hội Minh Thề lần đầu tiên.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba gian xưa cũ, ông Khoa say sưa với câu chuyện về lễ hội. Tương truyền, vào giữa thế kỷ XVI, bà Vũ Thị Ngọc Toản - vợ của Vua Mạc Đăng Dung được tôn làm Thái Hoàng Thái Hậu. Bà đã đến ấp Lan Niểu (tức thôn Hòa Liễu ngày nay) tự bỏ tiền của và vận động 35 người thuộc hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều Mạc góp tiền tu tạo lại ngôi chùa cổ.

Thái Hoàng Thái Hậu tự bỏ tiền ra mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo, (tức mua đất hiến cho chùa). Trong phần diện tích đó, một phần để thêu hương khánh tiết lễ hội, diện tích lớn nhất chia cho dân đinh cày cấy không phải chi trả tiền thuế, gây quỹ đẩy mạnh mọi hoạt động của địa phương như làm đường, giúp đỡ người nghèo...

Cắt máu ăn thề
 
Sau khi đã chia đất cho dân đinh cày cấy hưởng bổng lộc và góp phần xây dựng kinh tế địa phương, để tránh việc nảy sinh tư lợi cá nhân, tiền bỏ túi riêng, Thái Hoàng Thái Hậu đã cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh Thề với bốn nội dung chính quy định cho đại diện của mỗi tầng lớp những điều được làm, không được làm.
 
Đối với những người có chức sắc trong làng phải quyết tâm giữ gìn của công. Nếu lấy của công làm của tư thì “nguyện chư thần đả tử” (bị thần linh đánh chết); người dân thì phải thật thà, không ai lấy của ai bất kể lúa má, hoa màu, vườn cây, hoa quả. Nếu lấy cắp của nhau “nguyện chư thần đả tử”; những người làm công chức, nông dân, tri thức thì phải ăn ở phân minh, không dùng quyền uy để chèn ép người khác, không bao che kẻ trộm cắp, người nào không thực hiện được điều này, sẽ bị thần linh soi xét, xử phạt.

Lễ hội Minh Thề được tổ chức vào 8 giờ sáng ngày 14 tháng Giêng hàng năm. Một đài thề được dựng sẵn trước cửa đền, chiếc mũ cũ của Thành hoàng làng trước đây được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề. Quan chức, dân chúng dự lễ xếp theo thứ tự ở nơi hội thề. Trước đài thề vẽ một vòng đường kính khoảng 2m, ở giữa vẽ một vòng tròn gọi là vòng thiêng.

Lễ nghi phải có một con gà trống đẹp (gà mã vàng hoặc mã trắng). Chủ tế cắt tiết gà nhỏ huyết vào bình rượu trên đài thề. Rượu được chuyển cho chủ tế và các vị đại diện tham gia phần lễ uống như thể ghi nhận lời thề đã tấu lên trước đó. Tiếp đến, rượu được chuyển cho các vị cao niên trong làng. Uống xong, lễ tất (hoàn thành) chuyển sang phần hội cũng đọc văn, sau đó dâng hương theo thứ tự quy định và tổ chức các trò chơi dân gian như vật, đánh cờ, kéo co...

Chia sẻ