Từ râu tôm, ruột bầu tới lẩu tôm đồng

Đặng Tuyền, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Lẩu có nhiều loại và ăn thường có cảm giác nóng, ngán, chỉ ăn được mùa đông. Nhưng có một loại lẩu được sáng tạo riêng cho những ngày nắng nóng: lẩu tôm đồng.

Ca dao có câu:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon
 
Dù râu tôm và ruột bầu là hai thứ bỏ đi, nhưng vẫn được khen ngon. Ngoài việc khẳng định tình cảm vợ chồng khăng khít, câu ca dao kia còn rất đúng về nguyên lý ẩm thực. Theo anh Trịnh Hoàng Hưng, chủ nhà hàng lẩu Hong Kong, tại Lạch Tray, Hải Phòng, một trong những đầu bếp có tiếng trong cả nước thì tôm nấu với bầu sẽ rất ngọt, mát, tạo cảm giác hứng thú ăn uống trong những ngày nắng nóng.
 
Nấu canh tôm bầu rất đơn giản: làm sạch tôm (tùy nhu cầu mà làm nhiều hoặc ít tôm), giã nhỏ, tương tự như làm cua. Bầu gọt vỏ, băm dọc lấy phần thịt bên ngoài và bỏ ruột. Tôm không phải lọc nước như nấu cua mà chỉ cần cho tôm đã giã (hoặc xay) vào nồi nước lạnh, nấu bình thường như nấu cua: làm sao gạch (thịt tôm) nổi lên thành miếng, cho bầu vào để sủi lăn tăn là được nồi canh ngon. Cho một chút mắm tôm khô, nước mắm vào nồi canh, mùi sẽ thơm hơn. Canh tôm bầu nên ăn với cà pháo muối chấm mắm tôm, đúng kiểu dân dã.
 
Nồi canh tôm bầu phải đảm bảo: gạch tôm nổi lên trên mặt nước như thế này.
 
Người Trung Hoa sáng tạo ra lẩu. Nhưng lẩu vào Việt Nam, trở thành món ăn thuần Việt với lẩu cua đồng, nay thêm lẩu tôm đồng. Lẩu Trung Hoa luôn coi trọng độ sâu của nước, coi trọng tính bổ dưỡng. Lẩu cua đồng, tôm đồng thuần Việt lại coi trọng tính thanh, mát, ngọt của thực phẩm vùng nhiệt đới, đậm nét văn hóa sông Hồng.
 
Món lẩu tôm được làm cũng khá cầu kỳ. Tôm làm lẩu là loại tôm đồng, loại tôm sinh sản nhiều vào mùa hè. Ngon nhất là chọn được tôm trứng.
 
Nồi nước lẩu khi đã cho gạch tôm nhìn đầy hấp dẫn.
 
Tôm phải ủ đến độ vừa “chín”, đem giã ra, trưng lên với trứng, cô thành gạch. Nước dùng tương tự như lẩu cua đồng, dùng xương ninh để nước có độ ngọt. Cá băm nhỏ, làm thành chả. Gạch tôm, chả cá, một chút mắm tôm, một chút mắm chắt, một chút mẻ, dấm bỗng, me trong một nồi nước dùng sôi.
 
Rau để ăn với lẩu tôm đồng là: mướp (mướp hương là ngon nhất), mồng tơi, bí đao. Rau sống bao gồm: các loại kinh giới, xà lách, tía tô, … đặc biệt không thể thiếu hoa chuối. Tất cả được thái nhỏ, cuộn lớp vào nhau rất đẹp.
 
Lẩu tôm đồng ăn kèm với rất nhiều loại rau mát:
mồng tơi, mướp hương, rau sống thái chỉ, giá đỗ, ...
 
Mùa hè, mọi người ngại ăn lẩu, nhưng ăn lẩu tôm đồng lại mát. Chưa nói đến đồ nhúng. Riêng nồi nước lẩu đã rất hấp dẫn. Có vị chua thanh, ngọt, có mùi thơm của mướp, vị mát của bí đao… Tất cả là tổng hòa của mùi vị, màu sắc.
 
Khi ăn món lẩu tôm đồng, cảm giác hồn Việt rất rõ vì nó giống bữa cơm mùa hè truyền thống của làng quê: một bát cà pháo muối trắng ròn, một bát mắm tôm đỏ, mồng tơi, bí đao, mướp, rổ rau sống, … Món ăn phù hợp với tất cả mọi người, mọi tầng lớp.
 
Khởi nguồn món ăn này là ở Hải Phòng, lấy cảm hứng từ canh cua, canh tôm bầu và lẩu cua đồng. Làm món này cũng tương đối cầu kỳ, bạn không cần phải công phu chuẩn bị như người đầu bếp. Bạn chỉ cần làm tốt món canh tôm bầu, còn món ngon, hãy để người đầu bếp biến hóa và phục vụ bạn.
 
Đến Đồ Sơn, thể nào bạn cũng phải đi qua đường Lạch Tray và qua địa điểm ăn ngon nổi tiếng Hải Phòng để ăn lẩu tôm đồng.
 
Anh Trịnh Hoàng Hưng (Hưng râu), đầu bếp bếp sáng tạo ra món lẩu tôm đồng.
Bạn có thể đến nhà hàng Hongkong trên đường Lạch Tray để thưởng thức cũng như nhờ anh "truyền" bí quyết nấu món lẩu tôm đồng ngon khao cả nhả.
Chia sẻ