Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa

Theo Dantri,
Chia sẻ

Trở về với không gian văn hóa, không gian gia đình của người Hà Nội xưa, cùng say trong cách thưởng trà của các sĩ phu Bắc Hà… Đó là những nét đẹp văn hóa tinh túy của người Tràng An được tôn vinh trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc hòa chung không khí náo nức của ngày hội văn hóa đang diễn ra trên khắp các vùng miền Tổ Quốc.

Tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) đã diễn ra chương trình “Giới thiệu nét không gian gia đình Hà Nội xưa”. Được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2004, đình Đồng Lạc là một địa điểm tham quan văn hóa thú vị bởi nơi đây hội tụ cả 3 yếu tố: không gian sống – không gian tín ngưỡng – không gian văn hóa làng nghề của người Hà Nội xưa.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 1

Đình Đồng Lạc

Mang đặc trưng của những ngôi nhà trong khu phố cổ Hà Nội, đình Đồng Lạc hẹp và sâu, nằm trong khu vực phố cổ vốn được mệnh danh là “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cơ”. Đình được xây dựng từ thời vua Lê (thế kỷ XVII) và đã nhiều lần được tôn tạo, nâng cấp trong suốt hơn 300 năm qua.

Trước hết, đình được biết tới là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Theo các tài liệu chép tay và truyền miệng, ngôi đình này thờ 3 vị thần giữ thành: thần Cao Sơn trấn thủ phía Nam, thần Linh Lang giữ yên phía Tây và thần Bạch Mã bảo vệ phía Đông.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 2

Bàn thờ được đặt trên tầng hai của đình

Xưa kia, đình Đồng Lạc còn có tên gọi thân thuộc là đình chợ bán yếm lụa. Cái tên này bắt nguồn từ việc xưa kia người dân bày bán các sản phẩm yếm lụa trong đình. Các tài liệu chữ Hán được tìm thấy trong đình cũng giới thiệu con phố Hàng Đào xưa kia vốn nổi tiếng với nghề bán yếm. Như vậy, đình Đồng Lạc còn là một không gian của văn hóa làng nghề.

Phường Hàng Đào xưa là nơi cư ngụ của những người làm nghề nhuộm lụa quê gốc Hải Dương. Họ mua lụa từ các làng lân cận về giặt trắng rồi nhuộm màu hồng đào cho thiếu nữ mua về may yếm. Cả con phố rực rỡ một màu hồng đào, vì thế mà phố có tên là Hàng Đào.

Cho tới tận thời Pháp thuộc, Hàng Đào vẫn nổi tiếng với nghề bán lụa. Sau này, do không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu của người Pháp, dần dần phố không còn bán lụa nữa. Ngày nay, người dân ở đây chỉ còn bán quần áo may sẵn.

Năm 1941, một gia đình người Việt đã mua lại ngôi đình và xây thêm một tầng làm nơi thờ cúng cho dân làng. Tầng trệt là nơi gia đình mở hiệu bán thuốc lá và dùng làm nơi để ở. Vậy nên đình Đồng Lạc còn là không gian sinh hoạt của một gia đình người Hà Nội xưa.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 3

Một nếp cầu thang dốc đứng đặc trưng trong lòng phố cổ

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 4

Những ngôi nhà hẹp và sâu trong phố cổ thường có những khoảng sân trong hay còn gọi là "giếng trời" như thế này

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 5

Chiếc đèn dầu "Hoa Kỳ" - một trong những đồ gia dụng quen thuộc trước đây

Tại Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), khách du lịch và người dân địa phương đã được chiêm ngưỡng nghệ thuật pha trà và thưởng trà của người Hà Nội xưa cùng các tiết mục dân ca quan họ Bắc Ninh.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 6

Đình Kim Ngân

Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh tao, thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật ẩm thủy. Để pha trà một cách nghệ thuật yêu cầu sự công phu, cầu kỳ, sau này được nâng lên thành nghệ thuật, lễ nghi. Cách pha trà và thưởng trà biểu thị mức đọ mến khách và tâm đắc với vị khách chủ nhà đang tiếp chuyện, đồng thời “khoe khéo” sự tinh tế của chủ nhân.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 7

Một quán nước được dựng trước cổng đình rất hấp dẫn người dân

Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ được các sĩ phu Bắc Hà xưa gọi là “ngọc diệp hồi cung” (lá ngọc về cung). Trước khi uống, bình trà và tách uống trà phải được làm nóng bằng nước sôi. Nước trà pha lần một được gọi là “cao sơn trường thủy” (núi cao sông dài), người ta không uống nước này mà chắt ra. Đây là cách “tráng trà” để bụi bẩn trôi đi và cọng trà khô ngậm nước sẽ lắng xuống chứ không nổi lên.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 8

Các bước xao chè được thực hiện tại chỗ

Nước trà pha lần hai gọi là “hạ sơn nhập thủy” (xuống núi lội sông). Lần này, người ta đổ nước tràn miệng bình để bụi trà trôi ra hết, sau đó, lại dội nước sôi lên nắp ấm trà để giữ nhiệt. Nước hai là nước ngon nhất, hương đậm – vị thơm. Lúc rót trà phải nhanh tay rót đều các chén, tách lúc này được kê khít miệng lại với nhau và vòi ấm chạy quanh vòng.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 9

Chè được pha với đầy đủ các bước cẩn thận để mời khách tham quan thưởng thức

Dâng chén trà lịch sự nhất là ngón giữa đỡ đáy chén, ngón trỏ và ngón cái chạm miệng chén. Dáng tay như thế gọi là “tam long giá ngọc” (ba rồng đỡ ngọc). Người dâng trà và người nhận đều phải cung kính cúi đầu. Đỡ chén trà bằng tay phải, trước khi uống, đưa chén trà sang tay trái, mắt nhìn theo, rồi lại đưa chén sang tay phải. Đây gọi là “du sơn ngoạn thủy” (ngắm núi nhìn sông). Khi uống, lòng bàn tay phải quay vào trong, che thân chén. Trước đó, đưa chén trà lên mũi thưởng hương, sau đó mới nhấm nháp từng ngụm nhỏ.

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 10

Mời trà

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 11

Mời trầu

Thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa Hà Nội xưa 12

Biểu diễn quan họ

Chia sẻ