Món ngon làng cổ Đường Lâm

Kim Giang (tổng hợp),
Chia sẻ

Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng là nơi có những căn nhà tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Ở đây ,còn có những món ăn dân dã và tuyệt ngon.

Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 50 km. Nơi đây còn rất nhiều khu nhà cổ tuổi đời ngót ngét hơn 1 thế kỷ được làm bằng đá ong ngày hè mát mẻ, ngày đông ấm áp. Tới với làng Đường Lâm, khách du lịch không chỉ thăm quan những ngôi nhà đặc biệt đó mà còn được nhìn ngắm cảnh làng quê thanh bình, yên ả, quên đi sự mệt mỏi, ồn ào nơi phố xá nhộn nhịp.
 
Mỏi chân, khát nước và nếu bụng đói, ẩm thực làng Đường Lâm sẽ làm hài lòng bất cứ du khách nào từ ta tới tây. Những món đồ ăn chẳng cao lương mỹ vị, rất dân dã, giản dị, qua bàn tay khéo léo của những người đầu bếp thôn quê bỗng ngon lạ kỳ, cuốn hút từ ánh nhìn.
 
Người Đường Lâm có câu ca:

"Dù ăn bánh kẹo mười phương

Không bằng kẹo lạc bộn đường quê tôi

Trắng phau là phong kẹo dồi

Giòn tan kẹo bột, bồi hồi tình quê

Chè kho ngọt lịm đam mê

Nhớ cơm phố Mía, tìm về đường Lâm"

1 . Kẹo dồi
 
Món kẹo này thực ra không phải sinh ra ở làng Đường Lâm. Nhưng nếu ai đã từng qua thời "đồng nát đổi kẹo" ắt hẳn nhớ như in những kẹo đổi đồng nát như kẹo bột, kẹo kéo, kẹo dồi (mà bọn trẻ con hay tinh nghịch gọi là kẹo dồi chó)...
 


 
Món kẹo dồi của làng Đường Lâm cũng ra đời từ những ngày xa xưa đó và vẫn còn tồn tại tới ngày hôm nay. Thật thú vị, món kẹo này là "lời chào" du khách tới làng khi nó được bày bán ngay ở khu nhà đầu làng - nơi du khách hay gửi xe để vào thăm làng.
 

Ảnh minh họa.
 
Nguyên liệu làm keo dồi đơn giản, kẹo thường được làm từ mạch nha, đường và lạc nhưng cái khó lại nằm ở kì công của người làm bánh. Làm kẹo đòi hỏi người làm trước hết phải có sức khỏe tốt, có thế mới giải quyết được khâu làm vỏ kẹo. Vì nấu mạch nha cho đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng để “đánh” kẹo thành công. Với sức lực đôi tay quai búa của thợ rèn hay thợ đắp đê quật mãi cho đến khi đường trắng ra và dẻo quẹo.
 
2. Chè kho
 
Ảnh blog của Phương Loan.
 
 Món chè kho cũng là một món "mời chào" du khách tới với làng cổ. Nếu nhâm nhi kẹo dồi thấy ngon miệng, bạn đừng ăn quá tham, hãy dành bụng để thử vài miếng chè kho tuyệt ngon nơi đây.
 
 
Chè kho làm từ đỗ xanh đã được đồ lên, rồi cho đường, dùng chiếc đũa cái to đảo thật đều tới khi những hạt đỗ như nát ra, láng mịn. Chè kho ăn khi nguội, dùng dao sắn từng miếng nho nhỏ đôi ba ngón tay, vừa ăn, vừa nhấp môi với chè xanh thì sẽ thấy vị ngọt thơm dìu dịu lan tỏa rất dễ chịu.
 
3. Tương
 
Dạo một vòng những ngôi nhà đá ong với lối kiến trúc tuyệt đẹp, đi ngang qua sân nhiều nhà, nhất là ở làng Mông Phụ (trong khu làng cổ Đường Lâm), bạn ngỡ ngàng như mình lạc vào thế giới "xì trum" với những chiếc chum to rải rác đang "phơi nắng". Hỏi ra mới biết, đó là những chiếc chum đựng tương làm từ đỗ tương.
 
Để có được bát tương ngon cũng cầu kỳ, kiểu cách lắm. Đầu tiên phải kén kỹ  đỗ tương, hạt to, đều và bóng. Sau đó rang nhỏ lửa, quấy đều, chín vừa, khi đỗ tỏa mùi thơm, và ngả màu thì vừa ngon. Rang xong, xay nhỏ đỗ xanh đổ ra mẹt phơi một ngày, hôm sau bỏ vào chum sành, đổ nước vừa đủ và ngâm. Nước ngâm tương phải lấy ở giếng Nghè mới đủ độ mát và trong.

Ảnh minh họa. Theo blog của Phương Loan.
 
Gạo nếp làm tương phải chọn nếp cái hoa vàng, vị bùi, thơm và không xát trắng quá để giữ nguyên tinh chất dinh dưỡng của hạt gạo. Nếp đem đồ xôi, có mùi thơm gạo đầu mùa, hạt dẻo vừa phải là vừa ngon. Cho tương vào chum nước ngâm khoảng 4-5 ngày là lên men. Nếu thời tiết lạnh thì phải ngâm 5 ngày còn ngày nóng như mùa hè thì 4 ngày là gạo đã lên men. Khi đã ủ mốc xong, cho nước muối vào chum trước, tiếp là nước tương, bột đậu, sau cùng cho mốc. Sau đó quấy đều mốc với nước muối với nhau sao cho mốc hoà với tương đỗ, nước muối.
 

Khâu đánh tương cũng rất quan trọng. Buổi sáng mở nắp chum, quấy tương đánh đều từ dưới và phơi nắng cho đến tối thì úp nắp chum. Đánh tương liên tục khoảng 12 ngày đến 1 tháng để cho bay hết hơi mốc, cái tương chìm xuống, nước cốt tương nổi lên ngả màu vàng óng màu vàng hoa cải là màu đẹp nhất của tương. Chừng ấy chưa đủ, muốn tương ngon như ý phải chọn loại chum sành thật già, khi đánh kêu loong coong mới được.

4. Thịt quay đòn
 
Món thịt quay đòn cỏ vẻ như sinh sau đẻ muộn nhất ở làng cổ. Món này hiện tại được nhiều gia đình trong làng làm để thiết đãi khách du lịch theo tour, hay khách đã đặt trước.
 
Sở dĩ nói vậy vì không phải chỉ cần 1,2 tiếng là làm xong món thịt này, với một miếng thịt ba chỉ khoảng 1 kg, phải quay mất 6 tiếng mới ra thành phẩm. Vậy nếu muốn thưởng thức món thịt đặc biệt này, mà không muốn chờ đợi lâu, bạn nên "phím" trước chủ nhà.
 
 
Món thịt quay đòn này được chế biến rất cầu kỳ, qua rất nhiều khâu. Đầu tiên là khâu chọn thịt. Miếng thịt dùng nướng phải là thịt lợn tươi, phần ba chỉ có bì dày, lớp thịt, lớp mỡ đan xen đều nhau đúng như "ba chỉ". Một đầu bếp ở làng đường Lâm tiết lộ, anh phải đặt riêng loại thịt ba chỉ này ở lò mổ để người chủ lọc cả phần thịt sườn như thế miếng ba chỉ mới dày thịt, thịt giòn, thơm.
 
 
Tiếp đó là khâu tẩm ướp. Ngoài những nguyên liệu quen thuộc ướp thịt như húng lìu, hạt tiêu, hành tươi, mắm muối... thì thứ làm nên sự đặc biệt của món thịt quay chính là lá ổi bánh tẻ được băm nhỏ và lót vào miếng thịt trước khi đem đi quay. Hương vị bùi bùi của lá ổi quyện vào miếng thịt khiến không một dù khách nào "cầm lòng" trước sự thơm ngon của món thịt này.
 
 
Sau khi tẩm ướp, để miếng thịt khoảng 15 phút rồi mang cuốn vào một chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong cuộn lại, cố định miếng thịt bằng nan tre hai đầu rồi mang nướng trên bếp lửa.
 
Ban đầu, người đầu bếp kê cao miếng thịt khoảng nửa mét mới tới ngọn lửa khoảng 1 tiếng. Khi miếng thịt tái đi, hạ khoảng 30cm cho miếng thịt gần lửa hơn. Vẫn quay đều miếng thịt, lúc này miếng thịt đã chín màu vàng hấp dẫn. Quay khoảng 90 phút thì xuống thêm khoảng 10 cm, dụi bớt lửa đi, trên bếp giờ chỉ còn lửa than hoa đang cháy. Thịt quay bì phải giòn, phồng lên, lúc này, người đầu bếp dùng một chiếc xiên bằng tre đâm lỗ ở bì tới khi nổ lốp đốp là được.
 
Món thịt được gỡ ra, cắt thành biếng khoảng 1,2 cm, chấm với nước tương Đường Lâm hoặc muối chanh đều rất ngon.
Chia sẻ