Ly kỳ ngôi đền thờ thần... thuốc phiện

Theo VOV,
Chia sẻ

Sự tồn tại của ngôi đền tới ngày nay còn có một ý nghĩa đặc biệt là để nhắc nhở mọi người tránh xa loài cây chết người này.

Trong khu rừng cấm của người Dao ở Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang có một ngôi đền kỳ lạ: Đền thờ thần thuốc phiện. Người dân nơi đây coi đó là một chốn thiêng liêng với nhiều câu chuyện huyền bí được truyền lại qua nhiều đời.

Theo dấu chim… tăm cá

Còn nhớ, trong lần đi công tác tại Yên Bái, anh Hoàng trong Ban triệt phá cây thuốc phiện một mực khẳng định với chúng tôi rằng: “Có đi cả nước này cũng không tìm đâu ra một ngôi đền thờ thần thuốc phiện như ở Hoàng Su Phì. Mặc dù nghe thông tin mơ hồ, nhưng trong chuyến công tác vừa qua tại Hà Giang, chúng tôi cũng quyết định lân la hỏi dò bằng được thông tin về ngôi đền kỳ lạ ấy”.
 
Ngôi đền giữa rừng cấm.

Tuy nhiên, khi hỏi hết các kênh thông tin, từ người dân tới chính quyền, chúng tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: “Không biết”, “Chưa từng nghe”. Mất gần 2 ngày dò la tin tức mà không có kết quả, khi chúng tôi ai nấy đều thực sự nản, thì bỗng nhận được thông tin quý từ anh bạn tên Thanh công tác tại phòng PS 15 - Công an tỉnh Hà Giang điện báo: “Có manh mối rồi, ngôi đền này nằm trong khu rừng cấm ở bản Luốc, nhưng đường đi vào đó khó khăn và nguy hiểm lắm”.

Bất chấp lời cảnh báo nguy hiểm, chỉ với thông tin ít ỏi, chúng tôi quyết định tìm đến ngôi đền kỳ lạ ấy để “mục sở thị”. Đúng như lời đồn thổi, con đường mang tên “Bắc Quang – Xí Mần” chỉ dài 60km nhưng vì dốc dựng đứng, cùng với khúc cua tay áo, sương mù, giá lạnh nên phải mất 6 tiếng đồng hồ, tôi và anh bạn đồng nghiệp mới đến được thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì).

Đến thị trấn Vinh Quang thì ánh trăng cũng đã lấp ló treo đỉnh đầu, chúng tôi ăn tạm một chút đồ rồi hỏi đường vào bản Luốc. Thấy chúng tôi hỏi đường và bảo sẽ đi ngay, mọi người ở đây đều lắc đầu, lè lưỡi bảo: “Vào đó giờ này lành ít, dữ nhiều. Có điên mới vào bản Luốc trong đêm tối như thế này”.

Tuy nhiên, vì nôn nóng được “chiêm ngưỡng” ngôi đền, chúng tôi quyết định băng rừng ngay trong đêm, tìm đến “thánh địa” ấy.  

Xẻ núi vào Bản Luốc

Những ngày này, con đường từ thị trấn Vinh Quang vào xã Bản Luốc lấy lội, trơn trượt sau những trận mưa. Những con đường đất nhỏ, ngoằn nghèo sát sườn núi dốc, chỉ cần sẩy chân là mất mạng. Chẳng thế chúng tôi cứ dò dẫm, đẩy xe, xé rừng, tiến thẳng vào bản Luốc.

Về đêm, màn sương trắng phủ kín và cái lạnh thấu xương khiến không ít lần chúng tôi nản lòng muốn quay về. Nhưng rồi, chúng tôi đã lại tiếp tục. Gần 2 giờ đêm, chúng tôi có mặt tại ủy ban xã Bản Luốc, định bụng tìm góc nào trú tạm qua đêm. Tuy nhiên, chưa kịp tìm chỗ thì có ánh đèn pin dọi vào mặt, rồi có tiếng ai đó hỏi: “Các anh dưới xuôi lên à? Sao lại lên đây vào giờ này?”.
 
Ông Vương Đào Tóng, Chủ tịch xã Bản Luốc.

Chúng tôi trình bày lý do, người đàn ông lắc đầu, ngán ngẩm: “Tôi phục các anh thật đấy, thôi vào phòng tôi nghỉ ngơi đi”.

Hỏi ra với biết, đó là ông Vương Đào Tóng, Chủ tịch xã Bản Luốc. Gặp ông, chúng tôi như vớ được “vàng”, vội vàng hỏi han về ngôi đền thần bí kia. Nhưng, trái với suy nghĩ của chúng tôi, ông Tóng chỉ biết rất mơ hồ. Ông chỉ biết đại loại, đó là ngôi đền thờ thần thuốc phiện, rất thiêng và nằm ở thôn Suối Thầu 2, cách ủy ban nhân dân xã 10km.

Qua giới thiệu của Chủ tịch Tóng, sáng sớm chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thanh, người mà Chủ tịch Tóng bảo là “nắm nhiều thông tin và hiểu biết hơn cả”. Tuy không phải là người bản địa, nhưng hai vợ chồng cô Nguyễn Thị Thanh lại có “duyên” với ngôi đền này.

Theo lời chị Thanh, cuối năm 2007, hai vợ chồng chị ở thị trấn Vinh Quang lên đây mở một quán nhỏ bán hàng tạp hóa. Chính chị là người đã tìm được ngôi đền thờ thân thuốc phiện ở trên một ngọn núi cao ở bản Suối Thầu, khi  đó đang ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Gom góp những khoản tiền ít ỏi và sự đóng góp của một số cá nhân, ngôi đền đã được cải tạo.

Vén màn bí ẩn đền thiêng

Được vợ chồng chị Thanh dẫn đường, chúng tôi vào tận ngôi đền và những điều bí ẩn đã dần được hé mở. Con đường vào ngôi đền cũng khó khăn không kém, gần 9km, chúng tôi cũng mất gần cả tiếng đồng hồ.

Đền thờ thần thuốc phiện nằm ở trên một đỉnh núi khá cao và dốc, từ chân núi nhìn lên, cách đền khoảng 200m. Trước đây, bản Suối Thầu rất ít nhà dân, ở khu vực ngôi đền không có ngôi nhà nào và có rất nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của nó mà bà con dân bản truyền miệng nhau, càng tạo nên sự bí ẩn của ngôi đền này.

Ngôi đền rất đơn sơ và nhỏ, chỉ khoảng chừng 25m2, tường được trát bằng đất (tường trình), khung dựng bằng gỗ, mái lợp tranh truyền thống đã mục nát nên ngôi đền được tôn tạo lại bằng mái lợp prô-xi-măng. Các bức tượng được kê cao cách mặt đất khoảng 60cm và được làm bằng đất, theo thời gian đã bị gãy, vỡ khá nhiều.
 
Những đứa trẻ nơi đây không dám bước chân vào đền vì sợ.

Chúng tôi tìm đến gặp ông Đặng Kim Khoẳn, 60 tuổi, ở ngay cạnh ngôi đền. Ông Khoẳn vừa là người trông coi, vừa là thầy cúng cho ngôi đền này. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn vào “thăm quan” ngôi đền, ông Khoẳn giật mình, vẻ e ngại rồi bảo: Hàng năm chỉ vào ngày 1/7 (âm lịch), ông mới dám mở đền để bà con vào cũng lễ. Nếu ngày thường mà tự tiên vào, làm “kinh động” đến các vị thần sẽ gặp điều xui xẻo ngay lập tức.

Tuy nhiên, thấy chúng tôi khẩn cầu, ông Khoẳn cũng gật đầu đồng ý. Trước khi đi, ông chắp tay khấn tổ tiên gia đình, cúng bái thần rừng, thần miếu rồi mới run rẩy mở cửa đền. Theo ông Khoẳn thì ngôi đền ngoài thờ rất những vị thần trong dân gian như: Thổ Địa, Thiên Lôi… và các vị vua chúa thì còn thờ pho tượng tay cầm quả anh túc mà mọi người vẫn gọi là thần thuốc phiện.

Theo tài liệu thì vị thần cầm quả anh túc kia còn được gọi là ông Hoàng Bảy. Ông tên thật là Đặng Minh Đông. Ông là người có công khai rừng lập bản từ xa xưa và là người có chức sắc ở vùng đất này. Trước đây, Hoàng Su Phì cũng là vùng đất bạt ngàn hoa anh túc và ông Đặng Minh Đông là người có thế lực rất mạnh, quản lý, cung cấp thuốc phiện cho khắp vùng phía bắc này, sau ông cũng bị nghiện và mất sớm.

Những thông tin này, có thật hay không thì cần phải được kiểm chứng, nhưng một sự thật là người dân nơi đây xem ngôi đền là một nơi bất khả xâm hại. Như ông Khoẳn nói, nếu ai xâm hại, sẽ bị trừng phạt đến chết. Cũng giống như một điều họ nhận thức rất rõ rằng, ai dính đến thuốc phiện thì rồi cũng sẽ phải nhận lấy cái chết.

Có một thực tế rằng, ngôi đền thờ thần thuốc phiện này đã tồn tại bao nhiêu năm trong sự thành kính của người dân nơi đây. Tuy nhiên, nó không phải để khuyến khích con cháu “đốt đời bên bàn đèn”, mà nó như một lời nhắc nhở mọi người nên tránh xa loài cây chết người này.
 
Bởi theo ông Tóng: Trước đây, khu vực này bạt ngàn cây thuốc phiện. Nhà nhà trồng thuốc phiện, người người hút thuốc phiện, thấm chí, mọi người còn lấy cây thuốc phiện về nấu canh ăn thay rau. Nhưng rồi sau đó, cây anh túc không còn xuất hiện ở đây nữa.
 
Tình hình an ninh, chính trị ở địa phương được giữ vững. Hiện nay, cả xã không có trường hợp nào sử dụng, buôn bán ma túy. Người dân chăm lo làm ăn, nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Họ thờ cúng ngôi đền và từ lâu, nó đã trở thành biểu tượng để mọi người căn dặn con cháu tránh xa cây thuốc phiện, coi nó như một liều thuốc độc đối với dân làng.
 
Ngôi đền thờ thần thuốc phiện này đã tồn tại bao nhiêu năm trong sự thành kính của người dân nơi đây. Tuy nhiên, nó không phải để khuyến khích con cháu “đốt đời bên bàn đèn”, mà nó như một lời nhắc nhở mọi người nên tránh xa loài cây chết người này.
 
Họ thờ cúng ngôi đền và từ lâu, nó đã trở thành biểu tượng để mọi người căn dặn con cháu tránh xa cây thuốc phiện, coi nó như một liều thuốc độc đối với dân làng.
 
Chúng tôi tìm đến gặp ông Đặng Kim Khoẳn, 60 tuổi, ở ngay cạnh ngôi đền. Ông Khoẳn vừa là người trông coi, vừa là thầy cúng cho ngôi đền này. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn vào “thăm quan” ngôi đền, ông Khoẳn giật mình, vẻ e ngại rồi bảo: Hàng năm chỉ vào ngày 1/7 (âm lịch), ông mới dám mở đền để bà con vào cũng lễ.
 
Nếu ngày thường mà tự tiên vào, làm “kinh động” đến các vị thần sẽ gặp điều xui xẻo ngay lập tức. Tuy nhiên, thấy chúng tôi khẩn cầu, ông Khoẳn cũng gật đầu đồng ý.
Chia sẻ