Luyện trâu chọi: đam mê có khi phải đổi bằng máu (P2)

Đặng Tuyền, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Những pha đánh hay, miếng đòn độc hay những miếng “tuyệt chiêu” được các "ông trâu" sử dụng trong mỗi trận đấu là kỳ công của người luyện trâu. Đôi khi họ phải trả giá bằng máu cho việc này.

Làm bạn với những nguy hiểm
 
Người các vùng núi và vùng nông thôn tiếp xúc với trâu cày, với những lần trâu “lồng” bất kham sẽ thấy rất sợ hãi. Trâu chọi còn hung dữ gấp trăm lần trâu cày.
 
Để luyện được trâu chọi, người luyện phải đam mê trâu chọi và phải can đảm. Đến Đồ Sơn chúng ta sẽ gặp cảnh: một con trâu nặng hàng tạ, mắt lúc nào cũng đỏ ngầu, gườm gườm hung dữ, sẵn sàng húc bất cứ thứ gì cản bước nhưng vẫn phải cúi đầu khuất phục trước vóc dáng người luyện trâu nhỏ bé. Có chứng kiến tận mắt mới thấy hết được tài nghệ của người luyện trâu.
 

Trâu chọi cực kỳ hung dữ.
 
Những người luyện trâu coi mình như những người chăn trâu đơn thuần. Họ không có tiền chơi trâu chọi nhưng lại rất giỏi điều khiển những con trâu hung dữ. Trong số những người như thế phải kể đến là anh Chiến mà người dân phường Vạn Sơn, quân Đồ Sơn hay gọi bằng cái tên Chiến "ngưu".
 




Quan trọng là thời điểm ra đòn hiểm ...


... Để hạ gục đối phương.
 
Thành tích của Chiến "ngưu" thì có nhiều, nhưng kỷ niệm không bao giờ quên đối với anh là ông trâu số 20 anh nhận chăn luyện năm 2006. Bước vào vòng loại, ông trâu này dữ đến mức cho trọng tài Lê Bá Đường “đo ván” ngay trên sân làm ai cũng thót tim.
 
Xuất phát từ nghề nông, gắn bó với con trâu nên anh hiểu được cá tính từng ông trâu mà anh huấn luyện. “Không hiểu về trâu thì tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào, đôi khi bỏ mạng như chơi”, anh cho biết.
 

Trâu chọi sẵn sàng hạ "đo ván" bất cứ ai cản đường mình.
 
Theo những người chăn, luyện trâu thì phải biết điểm dừng khi huấn luyện. Bởi trâu như một người cục tính, mệt quá thì khỏi cần kiềm chế và phát cáu ngay. Quan trọng nhất, luyện trâu phải tìm được những điểm tinh hoa nhất của con trâu để phát huy hết thế mạnh thì mới thành công.
 
Luyện trâu chọi mỗi gia đình, dòng họ đều có một bí quyết song tựu chung lại cũng chỉ chừng đó miếng đánh. Người luyện trâu sẽ phải biết cách khiển cho trâu mình ra miếng đánh hay vào thời điểm nào là hợp lý.
 
Hằng ngày từ sáng sớm, người luyện phải cùng với con trâu rong ruổi ra bãi tập. Phải tập buổi sáng cho trâu quen vì các trận đấu đều diễn ra vào buổi sáng. Người luyện trâu phải đưa trâu xuống đồng ngập bùn để lội vì lội bùn nhiều, cơ bắp của trâu mới khoẻ và qua dãi dầu mưa nắng hằng năm trời, trâu sẽ có sức khỏe, độ dẻo dai và độ lỳ tương đối.
 
Khi luyện cho trâu chạy, thường buộc mũi trâu vào cọc giữa rồi vụt roi, trâu chạy vòng ngoài theo hình tròn như compa, người chạy vòng trong thì mới đủ sức. Thậm chí phải có 2 người thường xuyên tham gia luyện vì chỉ chạy không thôi, một vận động viên  điền kinh  5.000 m đẳng cấp cũng chẳng thấm gì so với “ông” trâu.
 
Thước đo của lòng can đảm
 
Huấn luyện trâu chọi không những thể hiện được cái “tinh” của nghề mà còn thể hiện lòng can đảm, giống như người đi biển sẵn sàng chấp nhận bão tố. Những người luyện trâu chọi thường xuyên va chạm với trâu nên sự cam đảm và lỳ lợm của người chăn sẽ quyết định thành bại của mỗi trâu.
 

Chiến "ngưu" đưa trâu đi huấn luyện. Cặp sừng nhọn hoắt
kia có thể đâm chết người huấn luyện trâu như chơi.
 
Có những người chăn gặp phải trâu dữ đuổi chạy tớn tác. Có trâu cứ gặp đâu húc đấy, người chăn phải rất vất vả mới kìm được trâu lại. Nếu để trâu sổng ra đường, tai họa là khôn lường.
 
Sợ nhất là lúc trâu húc bừa, chủ trâu cũng phải “dính đòn” oan. Chuyện đau lòng về người luyện trâu có lẽ phải kể chuyện anh Minh ở đường Lý Thánh Tông. Đó là một câu chuyện thật đau lòng.
 
Một lần dắt trâu ra bãi tập, anh đi sát trâu, không ngờ trên đường đi, đằng sau anh cũng có người dắt trâu đi luyện cùng. Nhìn thấy trâu lạ, lại đang “ngứa sừng”, trâu anh đang dắt quay ngoắt đầu lại nhằm húc đối phương. Lúc trâu đánh đầu lại đằng sau, một bên sừng nhọn hoắt xiên luôn vào mạng sườn phía sau Minh khiến anh bị treo trên đầu sừng, máu tuôn xối xả.
 
Khi gỡ được người anh Minh ra khỏi sừng trâu là lúc anh ngất xỉu vì mất máu. Sau vụ đó, anh phải vào viện khâu khoảng 40 mũi và nằm liệt ở nhà mất mấy tháng.
 
Khi vào sân đấu, người xem được chứng kiến nhưng ”ông” trâu vào trận kèm theo khoảng 5 đến 6 người theo trâu. Trong đó sẽ có người từng gắn bó với ông trâu từ khi ông mới nhập đất Đồ Sơn. Sự gắn bó ấy cũng chấm dứt khi trâu được đưa ra tế rồi bị giết . Mỗi năm người luyện trâu lại có một người bạn mới...
 

Rất thận trọng dẫn các ông trâu vào sân đấu.
 



Trống trận là điều các ông trâu bắt buộc phải làm quen.
Chia sẻ