Ghé thăm 3 đền, chùa cầu duyên linh thiêng quanh Hà Nội

Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Mùa thu, tiết trời se se lạnh, mùa của chuyện cưới xin. Những ai chưa có "ý chung nhân" hãy cùng chúng tôi khám phá các địa điểm cầu duyên thiêng nhất quanh Hà Nội.

Chùa Hà
 
Không biết từ bao giờ, chùa Hà (phố Chùa Hà, Cầu Giấy) đã trở thành “miếu nguyệt lão” của các bạn trẻ, nhất là những người lỡ “long đong” đường tình duyên.

Tam quan vững chãi, uy nghi.

Không phải là nơi thờ Nguyệt lão, cũng chẳng gắn với chuyện tình nào nhưng từ lâu chùa Hà đã được giới sinh viên truyền tụng là một nơi rất linh nghiệm trong việc cầu duyên. Chùa là nơi người ta đến cầu tài, cầu an, cầu lộc và có lẽ nhiều bạn trẻ đến đây cầu duyên đã gặp được ý chung nhân nên “danh tiếng” của chùa Hà ngày càng vang xa.

Hầu như ngày nào ở đây cũng có những thiện nam, tín nữ đến cầu khấn
thần phật mong cho duyên vừa đẹp ý, sớm gặp ý chung nhân.

Chùa hình thành từ thời vua Lý Nhân Tông. Khi ấy nhà vua đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con nên đi đến chùa Thánh Chúa để cầu tự. Trên đường về nhà vua ghé thăm chùa Hà và ban tiền để sửa chùa. Do vậy mà chùa mang tên chữ là Thánh Đức tự.

Ngôi chùa cổ kính giữa một vùng cây cối râm mát.

Phía sau chùa là phủ thờ Mẫu.

Qua tòa tam quan uy nghi, ngôi chùa cổ kính hiện ra giữa một vùng cây cối râm mát. Phía trước là điện thờ phật, sau là phủ thờ Mẫu. Đa phần kiến trúc chùa là mới được xây dựng. Đáng kể nhất về mặt niên đại có lẽ là chiếc chuông đúc thời Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn treo trên nóc tòa tam quan.

Ngoài sự nổi tiếng về những linh ứng trong việc se duyên như giới trẻ vẫn đồn thì chùa Hà còn là một di tích lịch sử cách mạng. Ở nơi đây vào tối ngày 15/8/1945, thành ủy Hà Nội đã họp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Đền Chử Đồng Tử

Nằm bên bờ sông Hồng hiền hòa, Đền Chử Đổng Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) gắn liền với mối tình giữa nàng công chúa Tiên Dung lá ngọc cành vàng với chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo Chử Đồng Tử.

Đền nằm bên dòng sông Hồng cuồn cuộn phù sa.

Bên kia đền là bãi Tự Nhiên - nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ và nảy sinh mối tình nên thơ, diễm lệ giữa chàng trai đánh cá nghèo không mảnh khố che thân với nàng công chúa Tiên Dung lá ngọc cành vàng vừa tuổi mới đôi mươi.

Nơi gắn liền với mối tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Đền do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đứng ra vận động nhân tài, vật lực của nhân dân tám thôn tổng Mễ cùng thập phương công đức để xây dựng, tôn tạo năm 1894 trên nền một ngôi đền cổ.

Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa đã bay về trời nhưng tình yêu của họ vẫn còn mãi với thời gian. Chính vì thế nhiều người đến đây không chỉ để dâng nén nhang tưởng nhớ tới một trong những “tứ bất tử” của Việt Nam cùng hai vị phu nhân xinh đẹp là Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa mà còn để cầu mong tìm được tình yêu chân chính, gia đình yên ấm.

Nét ckính, rêu phong.

Từ Hà Nội, du khách có thể xuôi dòng sông Hồng chừng 20km là tới bến Bình Minh hoặc có thể đi đường đường bộ qua cầu Chương Dương rẽ phải, theo đường đê chừng 25km là tới đền Chử Đồng Tử hay đền Đa Hòa.

Am Mỵ Châu

Nằm trọn trong khu di tích Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội chừng 17km thuộc huyện Đông Anh, am Mỵ Châu cũng là địa điểm được nhiều người tìm đến cầu tình yêu.

Am nhỏ nằm trọn vẹn trong khu di tích Cổ Loa.
 
Giữa những tán cây xanh tốt.
 
Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền. Thành Cổ Loa được đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ".
 
Am thờ Mỵ Châu là một am nhỏ nằm khiêm tốn dưới gốc đa với vẻ u tịch như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái cách đây hàng ngàn năm. Câu chuyện tình nhuốm màu bi thương của lịch sử nhưng lại khiến người ta xúc động về một tình yêu chung thủy.
Chiếc cổng nhỏ dẫn vào am thờ.
 
Tượng Mỵ Châu cụt đầu gắn liền với mối tình chung thủy.

Căn phòng trong cùng có tượng công chúa Mỵ Châu. Đây là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu cũng áo gấm khăn hoa mà linh hồn oan khuất, gợi lên trong lòng du khách những thương cảm.

Truyền thuyết kể rằng sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ.

Ngay trước cửa am gắn một bia đá nhỏ khắc mấy câu thơ: ... Kẻ Việt người Tần khôn vẹn nghĩa/Khối tình chữ hiếu khó toàn danh/Ôi! Hồn ngọc tĩnh giờ lai láng/Làm khách đang yêu bước chẳng đành.
 
Đến Am Mỵ Châu, người ta không chỉ tưởng nhớ tới người xưa mà còn xúc động bởi câu chuyện tình ngang trái mà vẫn thủy chung bậc nhất Việt Nam.
Chia sẻ