Dừa nước Cần Giờ: món ngon mát lòng du khách

Mèo Điên. Nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Từ Cần Giờ, dọc trên con đường về thành phố Hồ Chí Minh, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quán bán món dừa nước đầy hấp dẫn hai bên đường rừng Sác.

Đây là những quán nhà lá được người dân dựng tạm lên để kinh doanh món nước đặc biệt của vùng rừng ngập mặn này. Có thể gọi là chòi thì đúng hơn vì chỉ là những tấm bạt lớn được căng ra với các cây cột chống đỡ bên dưới, khách đến uống thường là du khách ghé vào để nghỉ mệt sau một chuyến đi dài. Khách có thể ngồi uống hoặc nằm võng để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuộc hành trình trở về.


Những hình ảnh đặc trưng ở quán dừa nước trên đường về Cần Giờ.


Buồng dừa nước ở đây bao giờ cũng to, lớn hơn trên Sài Gòn.

Món dừa nước thì hiện tại cũng đã có mặt khắp Sài Gòn với các xe dừa nước lưu động luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người uống. Nhưng, uống dừa nước ngay tại Cần Giờ vẫn có cái "thú" riêng của nó. Ngồi nhấm nháp ly dừa nước, vừa ngắm những buồng dừa cực to cũng như xem người bán kỳ công tách hột dừa nước ra khỏi vỏ cũng rất thú vị. 


Hình ảnh quen thuộc tại các "chòi"  bán dừa nước.


Đàn ông ngồi chặt dừa, trong khi cánh phụ nữ thì lo tách dừa ra khỏi vỏ

Có rất nhiều quán dừa nước trên đoạn đường vừa qua cầu Dần Xây, nhưng nhìn chung các quán đều phân công rất rõ ràng: nam sẽ chặt dừa và nữ thì lo pha chế món uống cho khách. Nhìn bàn tay thoăn thoát của người bán liên tục tách những trái dừa nước ra khỏi quầy rồi chặt đôi trái để lấy cơm mang lại cho du khách một cảm giác rất khó tả. 


Cách chặt dừa nước ra khỏi vỏ.

 
Món dừa nước không hẳn là đặc biệt, chỉ đơn giản là tận dụng phần trái của thứ cây vốn mọc rất nhiều ở vùng đất ven cửa biển này. Chế biến món này cũng đơn giản, chả cầu kỳ phức tạp gì. Chỉ cần tới gần chục quả dừa nước, thêm một chút đường rồi thêm miếng đá lạnh là có ngay một ly nước mát lạnh cho du khách.
 
Quả dừa nước sau khi chặt đôi.

Theo Đông y, dừa nước có công dụng tương đương nhưng khí âm hàn nhiều hơn dừa: ngọt mát, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam.

Tại các quán ven đường này, ngoài việc thưởng thức món dừa nước, du khách còn có thể mang về món "đặc trưng" của vùng biển là khô cá và các loại mắm cá, mắm tôm. 


Điểm khác biệt lớn nhất giữa dừa nước và dừa thường chính là... nước.
Mặc dù có tên dừa nước nhưng loại dừa này chỉ có cơm dừa.
 

Phần cơm này sẽ được dùng muỗng tách ra và dầm với đường
tạo nên hỗn hợp nước đường và cơm dừa nước.

Từ Sài Gòn đến Cần Giờ, sau khi qua phà Bình Khánh, đường sẽ dần trở nên vắng vẻ. Nhà dân xuất hiện trên đường khá thưa thớt nên sau khi chạy một đoạn đường dài, gặp được các hàng quán này, dù có mệt hay không thì du khách cũng nên ghé lại để uống một ly dừa nước và trò chuyện cùng chủ quán để cảm nhận không khí thôn quê xung quanh mình.


Các món khô cá đặc trưng của vùng biển.

Đặc biệt, các quán này từ sau 6h chiều sẽ gần như không còn, chủ quán không ở lại quán mà chỉ dọn dẹp hàng vào một nơi và về nhà. Lúc này, đường về Sài Gòn vốn đã vắng sẽ càng trở nên lạnh lẽo hơn. Chính vì thế, du khách đi đến cũng như khi về đều được căn dặn phải khởi hành sớm từ khoảng 3-4h chiều là chậm nhất.
 
Đường đi Cần Giờ về đêm không phải là con đường "vui vẻ" dành cho các khách du lịch mà ngược lại nếu ai đã từng đi Cần Giờ vào ban đêm chắc chắn sẽ không thể nào quên được "cảm giác mạnh" khi phải đi xe xuyên qua con đường rừng Sác cực kỳ vắng lặng mà không có một ánh đèn nào ngoài đèn xe máy...
Chia sẻ