Cho tôi xin một giọt, giữa “lưng chừng cô đơn”

Thiên Bình,
Chia sẻ

"Lưng chừng cô đơn" chia sẻ nỗi cô đơn với người đọc, nhưng tôi hy vọng nó không khơi dậy nỗi đau trong lòng ai cả…

Dòng chữ nhỏ nằm khép nép bên dưới bìa sách khiến tôi không cách nào rời mắt khỏi - “Cho những kẻ cô đơn và xinh đẹp”. Chẳng phải vì tôi xinh đẹp, mà là vì... tôi - cô - đơn. Nỗi cô đơn dường như là đề tài dễ dàng chạm đến trái tim người đọc, hơn cả “người thứ ba”, hơn cả “tình một đêm”,… thậm chí hơn cả những câu chuyện đồng tính đầy cảm động.

Cô đơn, dường như trong thẳm sâu mỗi người đều mơ hồ thường trực thứ cảm xúc này. Một mình, cô đơn đã đành một nhẽ. Có bờ vai bên cạnh rồi vẫn cứ cô đơn. Tự bỏ chạy ra giữa phố xá thênh thang đông đúc, nỗi cô đơn càng “được thể” mà tăng lên gấp bội.

Cô đơn - trong cuộc đời này, liệu có mấy ai chưa từng nếm trải?
 

Những trang viết của cuốn sách giống như một lời chia sẻ chân tình, với giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía. Ấy có thể là câu chuyện của một người trải qua thời niên thiếu bồng bột để rồi nhận ra: “Yêu một người trưởng thành, bản thân ta cũng phải là một người trưởng thành thực sự”. Là khi ta biết họ trở thành một phần trong cuộc sống của mình chứ chẳng phải là tất cả. Là dẫu ta có yêu họ nhiều đến thế nào thì cũng giữ cho mình một khoảng cách nhất định. Không quá xa để lạc mất nhau giữa phố xá đông người. Không quá gần đến nỗi khiến nhau ngộp thở. Phải chăng, đó cũng là cách để con người tự bảo vệ mình trước nỗi cô đơn luôn quẩn quanh thường trực?

Tôi đã từng tập tành làm quen, hẹn hò, rồi yêu thương nỗi cô đơn. Không phải vì sợ yêu, mà là cảm giác chông chênh khiến mình phải tạo nên một vỏ bọc và làm quen dần với nó. Vẫn yêu đấy, nhưng thay vì cuồng dại si mê, tôi tập yêu bản thân mình nhiều hơn. 

Có lẽ đó là một loại ích kỷ. Tôi thừa nhận. Nhưng bạn biết đấy, nếu một ngày người tàn nhẫn quay lưng đi, ta sẽ chẳng rơi vào một khoảng không trống rỗng. Đâu đó trong trái tim vẫn còn chút gì đó cho bản thân. “Dù đang cô đơn, sáng thức dậy vẫn nhìn vào gương, tự nhủ rằng mình rất xinh đẹp, đang được yêu thương và dặn bản thân: ngày hôm nay phải cười nhiều hơn ngày hôm qua. Vì mình không yêu thương mình, thì còn trông mong ai làm điều đó?”.
 

Đi qua từng trang sách, Nguyễn Ngọc Thạch dẫn dắt người đọc từ những dòng suy tư cho đến những câu hỏi bỏ ngõ chờ lời giải đáp. Quanh đi quẩn lại cũng là những đề tài quen thuộc: duyên phận, yêu, tình đầu, phản bội, chia tay,… ấy vậy mà chẳng khiến người ta phải thốt lên “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Cũng dễ hiểu thôi, vì ít nhiều chúng ta đều bắt gặp hình ảnh và cuộc tình của mình trong những câu chuyện muôn đời ấy. Trong tác phẩm, “không có bất cứ đại từ nhân xưng “tôi” nào được dùng. Vì chẳng phải viết cho bản thân, mà viết cho chúng ta, những người trẻ, những người hoang mang trong cuộc đời, hoang sơ trong tình yêu”!
 

“Có người đến vội, đi cũng nhẹ. Thứ để lại chẳng phải buồn đau, hạnh phúc, chỉ là nỗi lưng chừng cô đơn”. Suy cho cùng, cô đơn cần cho tâm hồn cũng như đói cần cho sự sống, như lời nhạc sĩ Trần Tiến trong ca khúc “Một mình”: “Con người, chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Đọc “Lưng chừng cô đơn”, chiêm nghiệm sự hiện hữu vô hình để cảm thấy cô đơn cũng là một dạng hạnh phúc, chẳng phải toàn khổ đau như người ta vẫn nghĩ.

Nguyễn Ngọc Thạch là một chàng trai trẻ, trẻ cả trong tuổi đời lẫn tuổi nghề. Anh cũng không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, mà chỉ xem viết lách như một cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng. Thế nên, tiếp nhận tác phẩm của Thạch, tôi chỉ dừng lại ở mức cảm nhận nội dung mà anh muốn truyền tải, là cảm xúc chân thực thông qua từng câu chữ. Đơn thuần có cái hay của đơn thuần, đôi chút vụng về trong diễn đạt cũng có nét đáng yêu riêng của nó. Có lẽ đấy cũng là một trong những nguyên do để rất nhiều độc giả trẻ đón nhận và yêu mến các tác phẩm của chàng trai làm việc trong lĩnh vực marketing này.

Chia sẻ