7 món muối chua mới nghe tên đã thèm

Theo Báo Đất Việt,
Chia sẻ

Thịt chua, rau sắn muối, nhút Thanh Chương, bồn bồn đất Mũi chính là những đặc sản vừa lạ miệng, vừa bén cơm.

Dưa chua

Đây có lẽ là món ăn phổ biến nhất mà người Việt Nam ai cũng biết và cũng là món ăn mà tỉnh thành nào cũng có. Dưa chua là tên gọi chung cho những món có nguyên liệu chính là một hay nhiều loại thực vật (rau, củ, quả) được trộn với muối và một số gia vị khác, để lên men vi sinh tạo độ chua. Có hàng chục loại dưa muối tùy thuộc vào nguyên liệu và cách chế biến.

Tuy nhiên xét về phương thức làm thì có hai cách tạo ra món dưa chua hấp dẫn đó là dưa muối xổi trong thời gian ngắn, độ chua nhẹ, giữ được vị cay của nguyên liệu thường được dùng trong ngày và loại dưa muối mặn có thời gian muốn lâu hơn và dùng được nhiều ngày hơn.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 1

Thịt lợn muối chua Hoà Bình

Thịt lợn ở vùng cao có nhiều cách chế biến độc đáo, nhưng nổi bật nhất có lẽ là thịt lợn muối chua của người Mường ở Hoà Bình. Nguyên liệu chính của món thịt chua là thịt lợn ba chỉ và thính gạo. Trong đó, thính chính là linh hồn, tạo nên sự khác biệt của món thịt chua. Thịt lợn chua ăn với lá sung, đinh lăng, mít non, lá vả… chấm nước mắm tỏi ớt.

Bên cạnh Hoà Bình thì thịt chua cũng là đặc sản của vùng Thanh Sơn - Phú Thọ với điểm khác biệt lớn là thịt lấy từ những con lợn lửng tươi sống, ướp trong thính gạo để chín tự nhiên. Hay ở Thanh Hóa cũng có món nem nướng, cũng là một dạng thịt lợn muối chua với nem thính, nhưng được gói vào lá chuối để 2 đến 3 ngày rồi đem nướng trên than hồng.

Ngoài ra, ở Quảng Nam cũng có món thịt lợn muối chua với tên gọi là Zrúa, một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của đồng bào Cơ Tu. Điểm khác biệt là thịt lợn được phơi khô trước khi được muối chua trong hũ.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 2
Thịt chua Hoà Bình làm từ thịt lợn ba chỉ và thính gạo

Rau sắn Phú Thọ

Không phải món sang trọng, hình thức nhưng rau sắn lại là món cầu kỳ, cần nhiều công sức. Những ngọn sắn non, mập mạp hái về ngâm cho bớt nhựa rồi đem vò nát cho mềm. Sau đó, rau sắn được trộn thêm muối rồi cho vào vại để ủ chua.

Sau 3-4 ngày, rau sắn có thể ăn hay đem nấu với xương, cá, tép hoặc với lạc. Chú ý là phải nấu rau sắn bằng chính nước chua của nó thì vị của canh mới thực sự hoà quyện.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 3
Chỉ có rau sắn trắng, lá xanh mới có thể hái và ăn được.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 4
Rau sắn chua có thể đem nấu với cá, tép, xương hay lạc.

Măng chua Lạng Sơn

Cũng làm từ những lát măng trắng mỡ màng và ớt cay xé lưỡi như những tỉnh miền núi phía Bắc khác nhưng lá mắc mật chính là điểm tạo nên nét đặc sắc của măng chua xứ Lạng.

Thực khách chỉ nếm một lần thôi cũng đủ để nhớ về vị chua chua, cay cay, thơm thơm, giòn giòn của món ăn này. Măng chua dùng để ăn trong bữa cơm, rất hợp ăn kèm với thịt lợn hay thịt vịt.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 5
Măng chua xứ Lạng đặc biệt với mùi thơm mắc mật.

Nem chua Thanh Hoá

Nem chua có ở nhiều nơi nhưng về độ phổ biến và nổi tiếng thì khó nơi nào bì được với nem chua Thanh Hoá. Không chỉ là món ăn ngày tết hay làm quà, nem chua Thanh Hoá giờ đã len lỏi khắp các phố phường, làng quê và trở thành món ăn vặt được nhiều người yêu thích.

Nem chua Thanh Hoá làm từ thịt nạc mông, bì lợn thái chỉ, thính gạo, ớt, tỏi, lá ổi và bọc trong lá chuối. Sau khi gói nem khoảng 2 ngày thì nem sẽ “chín” và có mùi thơm chua dịu đặc trưng và rất hấp dẫn.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 6
Nem chua Thanh Hoá được ăn với tương ớt tạo nên hương vị khó quên.

Nhút Thanh Chương (Nghệ An)

Các tỉnh Bắc Trung Bộ đều có nhút nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng hơn cả thì chỉ có ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) – nơi trồng được giống mít ngon của tỉnh. Do mít mỗi năm chỉ có một mùa nên nhút được làm để ăn quanh năm.

Mít xanh hoặc mít ương ở trên cây được hái xuống, gọt vỏ bên ngoài, rửa cho hết nhựa rồi đem thái sợi, trộn thêm muối rồi giã qua, vò cho mềm. Sau đó, mít được cho vào vại sành cùng nước muối loãng, dùng đá để nén lại, ủ khoảng 5-6 ngày. Nhút có thể ăn trực tiếp hoặc đem xào với thịt ba chỉ (vào mùa đông) hay nấu canh cá chua vào mùa hè.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 7
Nhút ăn giòn giòn, chua chua, cay cay và rất bén cơm.

Bồn bồn đất Mũi Cà Mau

Bồn bồn là một loại cây họ lau sậy, thường mọc hoang trên ruộng của người nông dân miền Tây. Và họ nhanh chóng tận dụng loại cây này cho bữa ăn gia đình.

Những ngọn bồn bồn được tước bỏ lá bên ngoài, bẻ lấy lõi trắng bên trong rồi đem chẻ nhỏ, bỏ vào hũ nước gạo có pha chút muối vài ngày là ăn được.

Bồn bồn muối chua có vị đặc trưng của ruộng đồng, rất lạ miệng vì ăn vừa giống măng lại vừa giống ngó sen. Bên cạnh ăn trực tiếp, dưa bồn bồn có thể đem xào hoặc nấu canh.

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 8
Đoạn thân trắng của bồn bồn là nguyên liệu chính cho món bồn bồn muối chua

7 món muối chua mới nghe tên đã thèm 9
Dưa bồn bồn ăn kèm với cá kho chính là “sát thủ” tiêu diệt cơm.

Chia sẻ