4 làng nghề "nghe tên là thấy Tết" của miền Bắc

Hành,
Chia sẻ

Chỉ cần nghe đến cá kho Đại Hoàng, giò chả Ước Lễ hay bánh chưng Tranh Khúc là đã biết Tết đã đến gần lắm rồi.

1. Làng nghề cá kho Đại Hoàng

Mỗi độ Tết đến xuân về, người dân làng Đại Hoàng (nay là làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) lại tất bật bên những niêu cá kho để phục vụ thực khách. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cá kho ở đây lại nổi tiếng đến thế bởi để có được một niêu cá kho thơm ngon, người dân nơi đây phải có bí quyết riêng và trải qua các công đoạn chế biến rất công phu.

cá kho

Cá dùng để kho phải là cá trắm đen từ 3kg trở lên, và chỉ dùng phần thân cá. Gia vị không thể thiếu để làm nên niêu một niêu cá ngon gồm có nước mắm, kẹo đắng, nước cốt chanh, gừng, giềng, ớt, và một loại gia vị đặc biệt là nước cốt cua đồng. Quá trình kho cá được chăm chút tỉ mẩn, người kho phải chuyên tâm để bổ sung nước cốt chanh giúp niêu cá không bị cạn, phải canh lửa, ủ trấu đế giữ nhiệt sao cho nồi cá luôn trong trạng thái sôi lục bục.
 
cá khio
Ảnh: Zing

Đến chiếc niêu kho cá cũng phải là loại niêu đất được thửa riêng, trước khi kho được cho nước vào đun để nồi rắn chắc hơn và cũng là để khử tạp chất. Củi kho cá nhất định phải là củi nhãn. Theo lời người dân nơi đây, gỗ nhãn đượm than, giữ lửa lâu và sẽ làm mất mùi đất nung và làm cho món cá có hương thơm hấp dẫn hơn. Một niêu cá kho thành phẩm phải trải qua 12-15 tiếng kho, lúc đó nước trong nồi đã cạn, miếng cá kho rắn chắc, màu vàng sậm, thơm mà không tanh, phần xương cá rục mềm.

2. Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc

Làng Tranh Khúc Thanh Trì, Hà Nội vốn nổi tiếng với sản phẩm là những chiếc bánh chưng truyền thống thơm ngon. Đến thăm làng nghề này vào dịp giáp tết sẽ bắt gặp những những bếp bánh lớn sôi lục bục, tỏa ra thứ mùi thơm của gạo nếp, của đỗ xanh, của lá dong, một hương vị rất truyền thống và rất “Tết”.


Không chỉ có phần ruột chất lượng mà phần hình thức của bánh cũng rất được coi trọng, bánh chưng được người dân ở đây gói bộ nhưng rất vuông vức và đều đặn.

Có thể bạn sẽ tự hỏi có rất nhiều nơi gói bánh chưng nhưng tại sao bánh làng Tranh Khúc lại nổi tiếng hơn cả? Câu trả lời không khó, bánh ở đây ngon nhờ vào sự “kĩ” của người gói bánh. Gạo nếp dùng để gói bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng Hải Hậu, hạt tròn, thơm, dẻo trắng, đều, không gãy, lá dong phải là loại lá nếp xanh mướt, thịt lợn luôn đảm bảo tươi ngon xuất xứ rõ ràng, phải được chần qua nước sôi trước khi thái để loại bỏ tạp chất và làm cứng miếng thịt sau đó mới ướp hạt tiêu và nước mắm ngon. Đậu xanh thì là đậu tiêu, sẫm màu, thơm bùi và bở.

 Người dân làng Tranh Khúc tiết lộ, gạo nếp gói bánh chỉ vo trước độ một giờ chứ không ngâm qua đêm vì gạo ngâm qua đêm sẽ hút nhiều nước, nở trương, khi gói bánh sẽ không được chặt, còn làm bánh nhanh chua. Đến số lượng lá gói bánh cũng được người dân nơi đây lựa thời tiết để làm. Trời nồm sẽ cần nhiều lá hơn trời lạnh để việc bảo quản bánh được tốt hơn.

Cận cảnh một
Thịt nạc được đặt vào giữa, để bánh chưng ngậy và ngon thì thịt mỡ không thể thiếu trong mỗi chiếc bánh.

Sau khi gói xong, bánh được luộc từ 9-10 tiếng để bảo đảm bánh đủ dẻo, rền. Khi vớt bánh, người ta thường rửa qua nước lạnh cho sạch bánh rồi tiến hành ép bánh để nước trong vỏ bánh chảy hết đi và làm cho bánh nở đều, các góc chặt như nhau. Cắt miếng bánh chưng làng Tranh Khúc thấy chắc tay nhưng hạt gạo mềm và dẻo, ăn vào có vị thơm và béo ngậy. 

3. Làng nghề giò chả Ước Lễ

Nhắc đến giò chả, có lẽ chẳng ai ở đất Bắc lại không biết tới giò chả Ước Lễ. Thôn Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây Nam, là làng nghề làm giò chả quanh năm, nhưng đặc biệt nhộn nhịp vào dịp tết. Giò chả Ước Lễ ngon nhờ tỉ lệ pha chế nạc, mỡ hài hòa, nguyên liệu làm giò chả được lựa chọn cẩn thận, thường là nạc mông hoặc thăn không dính gân, mỡ, tươi dẻo đem giã mịn rồi trộn nước mắm ngon. Lá gói giò là lá chuối tây hoặc lá chuối hột đã được dúng tái (để đảm bảo cho cho cây giò trắng đẹp). 

Cắt khoanh giò chuẩn Ước Lễ, bạn sẽ thất mặt giò óng mịn, ướt những không dính dao, màu phớt hồng và có nhiều lỗ hút. Đặc biệt bạn còn có thể cảm nhận được mùi lá chuối khi ăn. Chả quế của Ước Lễ cũng ngon không kém, miếng chả dậy mùi thơm của quế chi, phẩng phất mùi hoa hiên, cắn một miếng thấy mỡ nạc hòa quyện, đượm vị ngọt thịt và gia vị nêm nếm hài hòa.


Ngoài các sản phẩm là giò lụa, chả quế, người Ước Lễ còn có các loại giò khác như giò mỡ, giò bò, giò bì, giò xào…Mỗi loại giò, chả lại có một vị ngon riêng khó lẫn và mang đến những miếng ăn ngon cho biết bao nhiêu người dân mỗi dịp Tết về.

4. Làng nghề miến Cự Đà

Mỗi dịp Tết đến, làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) lại được nhuộm một màu vàng óng của miến, đi quanh làng đâu đâu cũng thấy những phiên miến phơi vàng óng ả, bước vào sân một ngôi nhà bất kì cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các bà các chị đang ngồi bó miến thành từng bó gọn gàng. Từ đây, miến được phân phối đi các tỉnh lân cận và trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người Việt.


Miến Cự Đà được làm từ củ dong riềng, đem xay thành bột rồi được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng. Sau khi khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và tiếp tục đem phơi cho thật khô. Sợi miến Cự Đà có đặc điểm nhận dạng là thường có màu vàng óng hoặc trắng mịn. Miến Cự Đà khi nấu thơm ngon, dai giòn, nếu có lỡ tay nấu hơi lâu sợi miến cũng không bị trương nát nên rất được ưa chuộng. 
Chia sẻ