Xe bột chiên gần nửa thế kỷ thân quen với người Sài Gòn

Theo Kênh14/ Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Từ lâu, người dân trên đường Trần Đình Xu (Q.1, TP. HCM) rất "nghiện" món bột chiên của ông Huỳnh Lợi Trân (SN 1935, người Việt gốc Hoa). Đối với những người dân nơi đây, ông Trân như chiếc đồng hồ xem giờ, vì khi muốn biết giờ thì cứ nhìn những mẻ bột chiên của ông là đoán được.

Ông Tư (ngụ Q.1) nói vui: "Đúng 5 giờ sáng ông ấy có mặt tại đây, mỗi mẻ bột chiên được làm xong là đã qua 20 phút, mỗi mẻ gồm 1 tảng bột, cứ như thế mà đếm số bột sẽ biết được giờ giấc, khi ông ấy về sẽ là khoảng 10-10h30, còn hôm nào ông ấy nghỉ tất nhiên đó sẽ là thứ bảy, chủ nhật. Ông Trân y như chiếc đồng hồ kèm theo lịch treo tường ấy".


Ông Huỳnh Lợi Trân rất yêu công việc của mình, với ông món bột chiên là món ăn mang lại niềm vui nho nhỏ đến cho mọi người.

Nhà ông Huỳnh Lợi Trân ở gần ngã tư Hoàng Diệu (gần cầu Calmette, Q.4). Thế nhưng trừ thứ bảy, chủ nhật ông không bán, các ngày khác cứ đúng 4h ông thức dậy, đạp xe ra lò lấy bột về chuẩn bị, sau đó đúng 5h là có mặt tại đường Trần Đình Xu (Q.1) để bắt đầu bán. Theo ông Trân, ông chọn góc đường này vì ở đây các em của ông cũng mở quán hủ tíu bán bên cạnh nên vui và tình cảm hơn. "Quán bột chiên" của ông Trân thực ra là chiếc xe nhỏ có sẵn bếp lò để chế biến, khách ăn sẽ ngồi chung bàn với quán hủ tíu của cô em gái bên cạnh.

"Tôi bán ở đây đã gần 40 năm, thực ra nếu bán ở Q.4 thì đỡ đạp xe hơn, nhưng chúng tôi luôn hướng đến tình cảm gia đình, bán với em gái sẽ vui hơn, nếu mỗi người bán một chỗ thì biết bao giờ mới gặp nhau một lần. Con tôi đã nhiều lần khuyên tôi "nghỉ hưu" thế nhưng tôi muốn bán món bột chiên đến khi không còn sức mới nghỉ. Vì món bột chiên mang lại niềm vui và sự bình thản cho người ăn. Chính vì thế mà tôi muốn duy trì cái nghề ý nghĩa này" , ông Huỳnh Lợi Trân chia sẻ.


Mỗi dĩa bột chiên ngon lành, thơm phức, ăn no nê chỉ với giá 15.000 đồng.

Bột chiên được chế biến từ các nguyên liệu chính là bột gạo, cho thêm tí bột năng rồi trộn đều, rút hết nước xong hấp lên. Tùy theo kích cỡ dụng cụ hấp, độ dày của bột trong mỗi lần hấp mà canh giờ vừa phải, miếng bột đạt tiêu chuẩn là miếng bột không quá nhiều nước, cũng không quá khô, độ dai vừa phải, khi ăn vào có mùi thơm dịu của bột gạo.

Vì không còn sức để hấp bột nên ông Trân thường đặt riêng người làm theo yêu cầu của ông, sau đó mang về chia bột ra thành từng khối dày khoảng 10cm, rộng khoảng 15cm. Khi có khách ông sẽ cắt khối bột thành từng miếng vuông nhỏ, cho thêm tí nước màu để miếng bột vừa ngọt vừa có màu sắc hấp dẫn. Để chiên miếng bột vừa giòn phía ngoài, vừa béo, xốp phía trong, người chiên cần cho nhiều lửa và lật bột liên tục. Theo kinh nghiệm của ông Trân, nếu dùng mỡ và chiên bằng chảo gang, sử dụng lửa từ củi (cây khô) thì hương vị của món ăn sẽ đậm đà hơn.


Theo ông Trân, món bột chiên ngoài yêu cầu về bột thì người bán hơn nhau ở nước màu và nước chấm. Nước màu phải là loại thắng từ đường thốt nốt, không thắng quá lâu vì sẽ có vị đắng, nước màu sẽ làm tăng sự thích thú cho người ăn cả về sự bắt mắt và mùi vị.


Ngoài ra, nếu thực khách ưa thích tóp mỡ thì nên nói trước để ông thêm vào, vị giòn tan của bột chiên, ăn kèm với mùi thơm phức và béo ngậy của tóp mỡ thì còn gì tuyệt bằng.


Nước chấm ngoài giấm, nước tương pha theo công thức riêng, ông còn cho vào chút tương đen, đu đủ bào sợi trông rất bắt mắt.


Hằng ngày ông Trân mở hàng từ 5h đến khoảng 10h30 sáng, bán khoảng 40 đến 50 đĩa, thu nhập trung bình khoảng 80 đến 100 ngàn đồng/ngày.


Giá cả cũng khá bình dân nên nhiều bạn trẻ và sinh viên thường xuyên ghé qua ăn, để được nghe câu chuyện của cuộc đời ông, về món ăn ý nghĩa và vị ngon của "bếp chính" tại đây. Lâu dần, mọi người truyền tai nhau và rủ nhau đến ủng hộ ông.


Người dân quanh đây không ai không biết đến xe bột chiên gần nửa thế kỷ của ông Trân.

Chính vì những "bí kíp" có được, xe bột chiên của ông Trân nổi tiếng khắp Q.1, Q.5,... ngay cả những khách nước ngoài sành ăn cũng thường hay ghé quán. Thậm chí những người Việt kiều ngày xưa hay vô tình biết đến quán, khi về nước phải tới bằng được quán bột chiên của ông Trân để ăn cho thỏa thích. "Khách Tây ăn ở đây thường giơ ngón tay cái để tỏ ý hài lòng, còn Việt kiều thì vô số, nhiều lúc họ đến đây đều nói "ông già còn bán hả, tôi nghĩ ông đã về hưu rồi chứ" sau đó gọi rất nhiều dĩa, và vài phần mang về. Nhìn họ ăn mà tôi thấy vui trong bụng, đó là họ vẫn còn thích món ăn truyền thống của chúng tôi", ông Trân vui vẻ.


Mỗi lần về Việt Nam, anh Phát nhất định phải ghé qua quán của ông Trân ăn cho thỏa thích.

Anh Sơn Thành Phát (SN 1968, Việt kiều Mỹ) hứng khởi: "Ôi khi đi Mỹ nhớ món bột chiên của cậu phủ lắm, bên đó cũng có bán nhưng vị không như ý của tôi, còn món bột chiên của cậu phủ ăn mấy mươi năm trước bây giờ vẫn nguyên vị truyền thống không đổi. Hễ về nước là tôi ghé qua đây ăn cho... đã thèm".

Theo ông Trân, cậu phủ theo tiếng Việt có nghĩa là ông cậu, chỉ những người thân thiết với ông mới ưu ái gọi ông như thế. Và mỗi khi có ai gọi ông là cậu phủ, có nghĩa người đó là "mối ruột" của ông. Ông cho rằng cũng bởi nhờ món bột chiên mà vẫn còn nhiều người nhớ về ông già trên đường Trần Đình Xu này, đó là điều hạnh phúc với ông. Góc phố dần thưa người qua lại, cũng là lúc ông Trân dọn dẹp chuẩn bị về nhà để kết thúc một ngày làm việc. Dù đã 81 tuổi, ông Trân vẫn còn rất khỏe mạnh, không bị bất cứ bệnh tật gì.


Ngoài việc chế biến ra món ăn "tuyệt chiêu", ông Trân còn là người hiền hậu và dung dị mà bất kỳ ai trò chuyện với ông cũng đều quý mến.


Và món bột chiên của ông cũng là "đặc sản" mà chắc chắn ai cũng sẽ nhắc đến mỗi khi kể về kỷ niệm trên đường Trần Đình Xu.

Vì nghĩa tình với người Sài Gòn, vì yêu chiếc xe bột chiên này mà ông Trân không hề có ý nghĩ ngừng bán. Tuy các con của ông không có ai nối nghiệp, nhưng ông Trân vẫn bán đến khi nào không còn sức để chiên bột nữa thì thôi, vì với ông đây là nghề mang lại niềm vui, sự bình thản đến cho mọi người và cả chính ông.

Chia sẻ