"Xấu tính" và "khó tính" - hai kiểu sếp rất dễ nhầm lẫn mà dân văn phòng nên học cách phân biệt

Louis,
Chia sẻ

Sếp "khó tính" và sếp "xấu tính" nhìn sơ qua có vẻ rất giống nhau nhưng thực chất khác nhau một trời một vực.

Vừa mới tốt nghiệp ra trường, chắc hẳn ai cũng mong muốn được nhận vào làm ở một công ty đàng hoàng, chỉn chu và tạo nhiều điều kiện cho sự phát triển của nhân viên. Thông thường, người sếp đầu tiên trong sự nghiệp sẽ là người có tác động rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách làm việc cũng như tư duy trong công việc của một nhân viên. Do đó, nếu chẳng may gặp phải một người sếp kém chuyên nghiệp, người trẻ rất dễ bị ảnh hưởng.

L. là một trường hợp như vậy. Sau khi ra trường, L. may mắn được một công ty truyền thông có tiếng trong giới nhận vào làm ngay nhờ thành tích học tập xuất sắc cũng như sự năng động từ ngày còn là sinh viên. Tuy mang danh là thành phần ưu tú khi ngồi dưới ghế nhà trường; tuy nhiên, khiếm khuyết cố hữu của L. cũng như đa phần bạn trẻ khác đó chính là thiếu kinh nghiệm trong công việc. 

Vì lẽ đó, L. "gửi trọn niềm tin" vào sếp, sếp bảo gì làm nấy, nhất mực không dám cãi lời, đưa ra ý kiến tranh luận cũng không. Thái độ ấy của L., ở một góc độ nhìn nhận nào đó, cũng có thể gọi là tốt. Tuy nhiên, không may cho L. trong trường hợp này, sếp của cô là một người khá "xấu tính".

"Xấu tính" và "khó tính" - hai kiểu sếp rất dễ nhầm lẫn mà dân văn phòng nên học cách phân biệt - Ảnh 1.

Mọi tin nhắn, email hay những cuộc điện thoại của L. đều bị chị ta phớt lờ, có chăng lúc trả lời cũng rất qua loa, họa hoằn. Khiến cho kinh nghiệm và kỹ năng làm việc của L. không những không được nâng cao mà còn vô hình trung khiến L. bị phụ thuộc vào sếp. Hầu như việc gì cũng phải hỏi ý, phải đợi chị ta trả lời mới biết đường làm.

Không dừng lại ở đó, mặc dù không chịu theo sát để hướng dẫn và đào tạo người mới như L., nhưng khi có vấn đề xảy ra, chị ngay lập tức đổ lỗi rồi quát mắng cô trước mặt tất cả mọi người để củng cố quyền lực thay vì khéo léo góp ý và xây dựng cho nhân viên. Quá đáng hơn chị còn dần dà nhồi sọ và thao túng suy nghĩ L. thông qua những câu nói mập mờ, giấu diếm gắn mác tiền lệ như: "ở đây ai cũng làm thế", "ở công ty này là vậy"…

angry-boss-vector-illustration

Còn về phần mình, do lần đầu đi làm nên L. mù mờ chẳng nhận ra sự "xấu tính" của sếp, mà chỉ nghĩ đơn giản rằng sếp "khó tính", đòi hỏi cao để bản thân mình có thể nhanh chóng tiến bộ trong công việc. Sau 2 năm làm việc ở công ty, L. mới ngộ ra bản thân mình chẳng tích lũy thêm được gì nhiều mà cách làm việc lại ngày càng "xấu tính", y hệt như cái cách sếp mình vẫn hay làm.

Chắc hẳn, câu chuyện của L. không phải là trường hợp hy hữu trong đời sống văn phòng lắm thị phi và nhiều biến tướng. Nó xảy ra nhan nhản bên trong những tòa cao ốc mà rất ít người có thể thoát khỏi một khi đã sa chân vào, nhất là những người mới. Tất cả là do khái niệm "xấu tính" và "khó tính" không được phân biệt rõ ràng...

Vậy nên, để tránh trở thành một "nạn nhân" như L., hãy cùng nhận dạng đặc điểm tiêu biểu của một vị sếp "xấu tính" và "khó tính".

Sếp "khó tính" và sếp "xấu tính"?

Sếp "khó tính" là những dạng người lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, cầu toàn, hướng đến sự toàn mỹ, có quan điểm rõ ràng trong công việc và thường đòi hỏi khá cao ở nhân viên cấp dưới. Sếp "khó tính" rất dễ khiến nhân viên của mình cảm thấy căng thẳng bởi thường đặt ra những yêu cầu cao trong công việc.

Tuy nhiên, một người sếp "khó tính" là yếu tố vô cùng cần thiết để thúc đẩy tổ chức phát triển phồn thịnh. Tuy luôn đối mặt với căng thẳng, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng, khi làm việc mới sếp "khó tính", chất lượng đầu ra công việc thường rất cao và người có thể chịu đựng được sự "khó tính" của sếp thường tiến bộ rất nhanh chóng.

"Xấu tính" và "khó tính" - hai kiểu sếp rất dễ nhầm lẫn mà dân văn phòng nên học cách phân biệt - Ảnh 3.

Nếu như sếp "khó tính" hay thúc ép nhưng vẫn quan tâm, theo sát, tư vấn đường đi nước bước và cách làm cho nhân viên thì sếp "xấu tính" lại không như vậy. Họ chẳng thèm để ý nhân viên mình đang làm gì, làm tới đâu, có gặp bất cứ khó khăn gì cần giải quyết hay không. Thay vì đồng hành cùng, họ để nhân viên đi một mình, rồi dùng lời lẽ, sự lớn tiếng hay những biện pháp không hay khác để ép cấp dưới đạt kết quả theo ý mình một cách vô lý.

"Gốc rễ của lối hành xử tiêu cực này cũng bắt nguồn từ nỗi sợ mang tên "thiếu năng lực", đi kèm sự thiếu hụt trong tư duy cảm xúc và xã hội. Vì thế, "để có được cảm giác an toàn, họ cần tự kiến tạo cho bản thân một thế giới mà ở đó, mình là người có quyền lực vượt trội hơn cả" - Catherine Mattice Zundel, CEO của Civility Partners, chuyên gia trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề ở doanh nghiệp cho hay.

Nếu như đang phân vân không biết bản thân mình có đang chịu đựng sếp "xấu tính" hay không, cùng điểm qua một số đặc điểm nhận dạng cụ thể hơn thường thấy ở sếp "xấu tính" bên dưới đồng thời biện pháp tương ứng để có những ứng xử phù hợp trong từng tình huống.

1. Sự hiện diện của sếp "xấu tính" vô cùng mờ nhạt

Nhiệm vụ tiên quyết của sếp là theo dõi, hướng dẫn và đánh giá công việc của nhân viên. Song hành cùng với đó, tư vấn và định hướng cách thức triển khai công việc cho cấp dưới cũng là việc mà người làm sếp phải chu toàn. Vì lẽ đó, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những hành động phớt lờ nhân viên dạng như không trả lời email, không nghe điện thoại, không nhận tin nhắn,… đều được xem là thiếu chuyên nghiệp.

"Xấu tính" và "khó tính" - hai kiểu sếp rất dễ nhầm lẫn mà dân văn phòng nên học cách phân biệt - Ảnh 4.

Theo Preston Ni, phương pháp giao tiếp im lặng này thường là một chiến thuật trí tuệ được các sếp "xấu tính" áp dụng nhằm thao túng nhân viên. Cách làm này giúp họ củng cố vị trí của bản thân trong cuộc sống của người khác. Họ làm nhân viên mình cảm thấy khó có thể hoàn thành công việc nếu thiếu vắng sự có mặt và hỗ trợ từ sếp. Từ đó, như một cách đánh đổi, nhân viên sẽ phải nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của sếp "xấu tính" để có được phản hồi.

Giải pháp: Đối với những dạng sếp "xấu tính" theo cách này, phương pháp chúng ta có thể áp dụng chính là kiên nhẫn, không được tỏ ra nôn nóng hay thất vọng mà dẫn đến hành động không đúng. Với những công việc bắt buộc phải có sự thông qua của sếp, các bạn hãy kiên trì nhắc nhở hàng ngày. Bởi cuối cùng, KPI của công việc đó vẫn là trách nhiệm của sếp. Khi mọi việc đổ bể, người phải giải trình với ban lãnh đạo không phải là bạn mà chính người sếp "xấu tính" ấy.

2b7135f25e1bfb0cab2b3eda8924870e

Còn đối với những công việc mà bản thân mình có thể giải quyết, hãy cân nhắc kỹ từng đường đi nước bước cũng như quy trình để có thể hoàn thành một cách xuất sắc nhất có thể. Nhưng nhớ, đừng quên trình phương án giải quyết công việc của mình lên cho sếp xem qua trước như một lời nhắc nhở khéo léo, để tránh những trách móc nếu có.

2. Quát mắng, đổ lỗi thay vì góp ý

Những lãnh đạo thực thụ sẽ tiến hành trao đổi, góp ý với nhân viên cấp dưới trong trạng thái xây dựng cũng như bình tĩnh và ôn hòa. Còn các sếp "xấu tính" thì khác, họ vốn có xu hướng thiếu kiên nhẫn, họ không thể ngồi xuống để bàn luận với nhân viên của mình. 

Thay vào đó, họ sẽ to tiếng, quát mắng nhân viên trước toàn thể để thị uy và tỏ ra quyền lực. Bên cạnh đó, họ còn chì chiết và nhắc đi nhắc lại những lỗi lầm đã qua của nhân viên. Tệ hơn, họ còn rất thích đổ lỗi cho nhân viên thay vì nhận trách nhiệm về phần mình.

"Xấu tính" và "khó tính" - hai kiểu sếp rất dễ nhầm lẫn mà dân văn phòng nên học cách phân biệt - Ảnh 6.

Giải pháp: Trong trường hợp này, tuyệt đối đừng đôi co qua lại mà hãy giữ cho mình "cái đầu lạnh" và bình tĩnh hết mức có thể. Việc cãi sếp giữa bàn dân thiên hạ không những khiến mối quan hệ giữa cả hai trở nên xấu đi mà còn khiến đồng nghiệp có cái nhìn chẳng mấy thiện cảm, mặc dù trong trường hợp đó bạn có là người đúng hay sai đi chăng nữa. 

Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng email như một kênh giao tiếp mặc định khi làm việc để đề phòng. Hạn chế trao đổi qua các phương tiện không chính thống như nhắn tin riêng, mạng xã hội,… nếu có thì nên chủ động lưu giữ bằng chứng trao đổi.

3. Khéo léo ép buộc bạn với thái độ hờ hững, úp mở

Trong cuốn sách The First 90 Days của mình, Michael Watkins cho biết: "Duy trì sự bí ẩn chính là phương pháp các sếp dùng để che mắt nhân viên, khiến họ làm theo ý mình một cách dễ dàng, cũng như hạn chế được sự trỗi dậy của các "làn sóng" phản đối."

Sếp "xấu tính" rất thích sự mập mờ bằng cách sử dụng hàng loạt câu nói như "ở đây ai cũng làm thế", "ở công ty này là vậy", "đừng hỏi gì thêm, luật ở đây là vậy"… để buộc bạn phải làm việc trong sự mù mờ không.

"Xấu tính" và "khó tính" - hai kiểu sếp rất dễ nhầm lẫn mà dân văn phòng nên học cách phân biệt - Ảnh 7.

Giải pháp: Nếu rơi vào tình huống này, bạn nhất định không được an phận và mặc kệ mọi thứ diễn ra. Thay vào đó, hãy tìm những người đồng nghiệp đáng tin cậy để xác nhận lại tính xác thực của những dạng thông tin mập mờ kiểu này.

Sếp "khó tính" khiến bạn căng thẳng nhưng đồng thời sự nghiệp của bạn ngày mai sẽ phải cảm ơn sự yêu cầu cao này. Tuy nhiên, sếp "xấu tính" chẳng giúp gì được cho bạn mà chỉ khiến sự nghiệp của bạn giậm chân tại chỗ, đường hướng mịt mù.

Chia sẻ