Xôn xao bức thư của cô gái Việt tại Nepal gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Quỳnh Trân,
Chia sẻ

Mỹ Linh - cô gái người Việt 25 tuổi, người từng thoát chết trong vụ bão và lở tuyết tại dãy Himalaya, Nepal hồi tháng 10 vừa rồi lại khiến dư luận xôn xao với bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục về sách giáo khoa tiếng Anh tiểu học.

Mỹ Linh cho biết cô muốn viết bức thư gửi Bộ trưởng BGD sau một ngày ngồi ở thư viện trường Shree Sarbodaya quận Syanja – Nepal để đọc sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh và nhận ra nhiều điều khác biệt với các chương trình trong SGK của nước mình.

Mỹ Linh viết: “Cháu đọc SGK English của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý thấy cây cầu bị gãy.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi: "What do you want?" và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ông ấy ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ổng trồng. Thế là ông ấy viết thư cho con trai. Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài English, họ còn có 2 môn học khác là Văn hoá xã hội và Khoa học - Sức khoẻ cũng hoàn toàn được viết bằng English và nằm trong môn học chính của học sinh.

Xôn xao bức thư của cô gái Việt tại Nepal gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục 1
Một phần lá thư đăng tải trên facebook của Mỹ Linh.


Cháu lập tức nhắn về Việt Nam, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK English từ 1-5 dạy cái gì. Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy ‘Hello”. Bài học của sách SGK 2 là dạy câu "Where are you from?". Bài học của SGK 3 dạy lại “Hello”. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "How're you?". Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "Where're you from?".

Mỹ Linh chia sẻ tiếp, rằng cô khá thắc mắc vì sao 3 mẫu câu “Hello, How’re you, Where’re you from” lại phải học đi học lại suốt 5 năm học như thế. Cô cũng cho biết, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những chuyện kiếm tiền, yêu đương.

Mỹ Linh viết: “Để dạy học sinh Nepal hiểu English, nhớ English, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ. Để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt”.

Cô cũng cho biết thêm, người Nepal soạn sách giáo khoa để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hoá hàng ngày của họ. Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda... Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn tiếng Anh vì nó gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào về đất nước họ.

Chính vì thế, Mỹ Linh rất thắc mắc khi SGK ở VN kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza. “Đến khi người nước ngoài họ hỏi cái món bánh nổi tiếng nhất ở nước mày là món gì thì học sinh bảo là pizza vì chúng không biết từ bánh mì thịt nướng trong English nói thế nào ư?”.

Xôn xao bức thư của cô gái Việt tại Nepal gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục 2
Võ Thị Mỹ Linh và những người bạn nhỏ.


Bức thư này khi đăng lên facebook cá nhân của Mỹ Linh đã nhận được hơn 1.000 lượt like, gần 500 lượt share và hơn 100 bình luận.

Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận bày tỏ sự đồng tình cũng có nhiều ý kiến trái chiều với vấn đề này. Bạn có nick V.A.N cho biết, sách tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 chỉ là sách dạy ngoài giờ. Ở Việt Nam đúng chương trình của Bộ Giáo Dục thì môn tiếng Anh bắt đầu từ lớp 3. Vì vậy có hiện tượng lặp lại như vậy thôi.

Facebook Nguyen H.G thì đưa ra giải thích:

“Chương trình giáo khoa tiếng Anh thiếu nhi VN lâu nay có 2 hệ thống:

1. Chương trình học từ lớp 3, tức lớp 1-2 chưa học tiếng Anh. Đây là chương trình có từ khá lâu vì người ta quan niệm không nên dạy tiếng Anh quá sớm cho trẻ em.

2. Chương trình học cả 5 lớp: Đây là chương trình mới áp dụng và không đại trà, chỉ thử nghiệm ở một số trường của một vài thành phố.

Bên cạnh đó còn nhiều chương trình tiếng Anh thiếu nhi mà các trường chuyên lớp chọn, trường tư thục, trường nước ngoài... sử dụng cho học sinh của mình. Theo hình chụp của em thì anh thấy đó là chương trình 3 năm. Như vậy, chương trình lớp 3 này có nội dung gần giống lớp 1-2 của chương trình 5 năm, tức là lớp 3 không phải học lại của lớp 1-2 nhé.

Nhìn vào nội dung đầu năm học các lớp 3-4-5, chương trình 3 năm ta thấy bài 1 là bài dạo đầu, nội dung khá dễ, các bài sau đó có nội phong phú hơn chứ không phải "hello how are you" mãi. Bàn về học tiếng Anh và giáo dục VN thì không thể nói trên facebook được. Anh cung cấp thêm cho em 1 ít thông tin như thế”.

Thầy Thụy Quân, Giáo viên một trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM cho biết: "Đúng là chương trình giáo dục Anh ngữ cấp tiểu học ở Việt Nam thường lặp đi lặp lại các kiểu chào hỏi rất nhàm chán. Mà người Âu Mỹ thật sự họ không thường chào nhau hay hỏi thăm nhau theo những khuôn mẫu ấy. Nhất là các bài học đầu tiên đều dạy học trò hỏi tên, nơi đến và tiếp theo là hỏi tuổi, mà người nước ngoài đặc biệt không thích đề cập đến vấn đề tuổi tác. Trong những cuộc gặp gỡ, chào hỏi đầu tiên giữa tôi và những người bạn ngoại quốc, tôi chưa từng thấy ai lại hỏi “How old are you?” như cách chúng ta chỉ cho những đứa trẻ những câu chào hỏi đầu tiên khi gặp người mới.

Chương trình Ngoại ngữ ở nước ta không chỉ bất cập ở bậc tiểu học mà các cấp lớn hơn cũng không hoàn toàn hợp lí. Tôi ví dụ câu điều kiện “If” có đến 6,7 cách dùng nhưng suốt nhiều năm học giáo viên cứ dạy đi dạy lại chỉ được 3 cách.

Trong bức thư trên, Mỹ Linh có nói: “Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry những cái tên không phải của người Việt. Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza…” thì tôi nghĩ, khi học một ngôn ngữ, bạn sẽ không bao giờ sử dụng được nó nếu không hiểu văn hóa của nó. Văn hóa đóng vai trò 30-40% trong một ngôn ngữ. Phải học văn hóa của chính ngôn ngữ đấy, thì mới thấy yêu, thấy thích nó. Ví dụ "hit the hay" có nhĩa là đi ngủ. Nhưng văn hóa sẽ làm rõ hơn tại sao họ dùng câu thành ngữ đó.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với Mỹ Linh rằng sẽ không ổn lắm nếu người bản địa hỏi về bánh chưng, nhưng học sinh Việt Nam không miêu tả được. Do vậy tôi nghĩ trong chương trình học nên dạy 30% là văn hóa Việt. 70% là văn hóa bản địa. 30% đó nên tập trung vô những cái trọng điểm như bánh chưng, bánh dày, áo dài, nón lá…".
Chia sẻ