Xăng giảm, giá thực phẩm vẫn cao

Theo Tiền phong,
Chia sẻ

Giá xăng đã giảm 12 lần xuống còn 17.880 đồng/lít, nhưng giá thực phẩm vẫn giữ mức cao, thậm chí còn tăng giá ở nhiều loại mặt hàng.

Theo khảo sát của PV tại các chợ truyền thống ở Hà Nội (chợ Cầu Giấy, chợ Hôm, chợ Yên Phụ...), giá thực phẩm vẫn ở mức cao; thậm chí, một số mặt hàng tăng giá. Tại chợ Cầu Giấy, giá thịt lợn dao động từ 80-120 nghìn/kg. Thịt nạc vai giá 85 nghìn/kg, ba chỉ giá 80 nghìn/kg.

Bà Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương chợ Cầu Giấy cho biết, dù giá xăng giảm, nhưng mối hàng đổ buôn cho chúng tôi vẫn giữ giá. “Nhiều khách hàng thắc mắc sao giá xăng giảm mà thịt không giảm. Giá cả phụ thuộc vào mối hàng. Họ giảm giá chúng tôi mới giảm theo được”, bà Hoa nói.
 
Xăng giảm, giá thực phẩm vẫn cao 1


Theo bà Hoa, càng về cuối năm, giá thịt lợn có xu hướng tăng do tâm lý tích trữ nguồn hàng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới. Việc giảm giá xăng gần như không tác động đến giá thịt ngoài thị trường.

Với rau xanh, giá vẫn giữ nguyên, một số mặt hàng xu hướng tăng do gặp bất lợi về thời tiết. Bắp cải giá 8.000 đồng/kg, đậu cô ve giá 12.000 đồng/kg, khoai tây giá 13.000 đồng/kg…

Trời rét khiến một số loại rau củ khan hiếm, tăng giá từ 3-5 nghìn đồng/kg như cà chua tăng lên 17.000 đồng/kg, rau cải lá 12.000 đồng/kg, súp lơ xanh 23.000 đồng/kg…

Tại các siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Ocean mart…có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhân dịp Tết Dương lịch để thu hút khách hàng. Đại diện một siêu thị cho biết, sau khi giá xăng giảm, đang chờ việc giảm giá từ các nhà cung ứng thực phẩm.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, việc giá xăng giảm nhưng giá thực phẩm vẫn đứng yên là sự bảo thủ về giá gây thiệt hại cho toàn xã hội. Hiệu lực quản lý nhà nước về giá còn yếu kém, chưa có sức răn đe, còn người tiêu dùng thì dài cổ chờ giảm giá.

Chưa bao giờ giá xăng giảm nhiều lần như hiện nay (giảm đến 30%) nên cần có biện pháp yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá để giảm giá thành mặt hàng thực phẩm.

Theo ông Phú, ngoài giá xăng, giá các mặt hàng liên quan đến hệ thống phân phối hàng hóa cũng phải giảm. Hệ thống phân phối giá qua nhiều tầng lớp trung gian, gây ra mức chênh lệch về giá giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Một quả trứng mua của nông dân 2 nghìn nhưng bán ra 3-4 nghìn đồng. Hiệu lực quản lý giá chưa đạt hiệu quả cao khiến người tiêu dùng và người sản xuất đều chịu thiệt.
Chia sẻ